Nhiều hộ ở HTX nuôi trồng thủy sản Hà Vọoc (Hộ Độ) sử dụng cọc tre tạm bợ, để dây điện chạy sát mặt đất, đấu nối tùy tiện... nguy cơ rò rỉ điện và mất an toàn rất cao.
Vùng nuôi trồng thủy sản Hà Vọoc (thuộc thôn Tân Quý, xã Hộ Độ) là một trong những nơi trọng điểm về điện sản xuất của huyện Lộc Hà. Nhưng, từ nhiều năm nay, hệ thống điện ở đây đã bị xuống cấp nghiêm trọng mà không được đầu tư, sửa chữa.
Xen lẫn giữa những hàng cột bê tông đã bị xiêu vẹo là những cột điện tạm bợ làm bằng cọc tre, dây điện 3 pha vắt vẻo, các điểm đấu nối tùy tiện; thậm chí có những hộ kinh doanh để dây điện 3 pha chạy dọc bờ rào của ao, cao chưa đầy 1m.
Sau những ngày mưa gió, người nuôi tôm ở Hà Voọc đang sửa những cọc tre mục nát và kéo dây điện đang nằm bên bờ ao lên.
Thực trạng này không chỉ gây tổn thất điện năng lớn mà tiềm ẩn nguy cơ cao về mất an toàn, nhất là khi mùa mưa bão đến, nước lụt, triều cường có thể làm hư hỏng hệ thống cọc, ngập đường dây, đứt múi nối...
Trong khi chờ ngành điện tiếp quản (hiện do Hợp tác xã NTTS Hà Voọc quản lý), hiện tại 42 hộ nuôi trồng thủy sản ở đây đang rất mong mỏi được hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp để đảm bảo an toàn, đủ điện ổn định để nuôi trồng thủy sản trên diện tích 36 ha.
Dây điện đủ các loại bao vây chằng chịt những cây bóng mát lớn nằm ven trục đường Quốc lộ 281.
Cách khu nuôi trồng thủy sản Hà Vọoc chỉ vài trăm mét, đường điện phục vụ cho sinh hoạt của các hộ dân 2 bên Quốc lộ 281 (thuộc xã Hộ Độ) cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao.
Những đường điện trung thế, hạ thế được đấu nối chằng chịt, nhiều đoạn như mắc cửi. Khoảng 1/2 chiều dài các đường điện đi qua khu dân cư nằm len lỏi trong tán lá của hàng cây bóng mát trước nhà dân.
Dây điện len lỏi trong những hàng cây bóng mát lớn ở thôn Triều Sơn (xã Mai Phụ).
Không chỉ có ở Hộ Độ mà qua kiểm tra, khảo sát của các cơ quan chức năng, hầu như tất cả các xã, thị trấn ở Lộc Hà đều đang để xẩy ra tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện và các dấu hiệu mất an toàn khác.
Trong đó, phổ biến nhất là việc để cây cối mọc lấn chiếm hành lang lưới điện; các điểm giao cắt đường điện 22 kV với đường giao thông không đảm bảo đủ 7 m (do việc các xã mới mở rộng đường); một số ki-ốt, hàng quán, biển quảng cáo bao trùm cột điện, công tơ điện...
Mái che của các ki-ốt, nhà ở trở thành giá đỡ cho các đường điện (ở thôn Thanh Tân, xã Thạch Châu).
Đặc biệt, có những điểm nguy hiểm, Công ty Điện lực Hà Tĩnh đã có văn bản yêu cầu chấn chỉnh nhưng hiện chưa khắc phục được như: Vị trí 142-143 trục chính đường dây 471E18.4 (cổng chào thôn Quang Trung, xã Thịnh Lộc làm dưới đường điện trung thế); vị trí 01-02 nhánh rẽ thị trấn Lộc Hà 2 đường dây 476E18.1 (thị trấn Lộc Hà quy hoạch khu dân cư ở TDP Phú Xuân nằm dưới đường điện trung thế); khoảng cách giữa các đường điện trung thế với nhà ở dân cư quá gần (ở Thạch Châu, thị trấn Lộc Hà, Thạch Kim...).
Khoảng cách giữa nhà ở dân cư với đường điện 22 kV này có nơi chỉ hơn 1 m, trong khi quy định là 3m trở lên (ảnh ở ngã tư Thạch Châu).
Với tình trạng như hiện nay, nguy cơ mất an toàn, các sự cố cháy, nổ, chập điện, điện giật... có thể xẩy ra bất cứ lúc nào. Tình trạng này cũng gây ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng về tiêu chí điện trong xây dựng NTM.
Ông Phan Bá Ninh - Phó Chánh Văn phòng NTM huyện Lộc Hà cho biết: "Cách đây 2 năm, tất cả các xã ở Lộc Hà đã hoàn thành xây dựng NTM, trong đó có tiêu chí điện. Nhưng vừa rồi, đoàn kiểm tra của tỉnh về kiểm tra, đánh giá lại thì tiêu chí điện đã bị rớt chuẩn và yêu cầu phải giải tỏa các điểm vi phạm hành lang lưới điện cũng như khắc phục các dấu hiệu mất an toàn khác.
Vấn đề này thuộc trách nhiệm của cả ngành điện lẫn chính quyền địa phương nên ngoài việc tập trung nhắc nhở, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thì chúng tôi cũng đang gấp rút phối hợp với Điện lực Lộc Hà để tập trung xử lý các tồn tại, hạn chế hiện nay".
Đường điện len lỏi dưới tán lá các hàng cây ở xã Hộ Độ
Anh Nguyễn Mạnh Hùng - cán bộ phụ trách an toàn Chi nhánh Điện lực Lộc Hà trao đổi: "Việc phát dọn hành lang và chấn chỉnh, xử lý các công trình vi phạm hành lang an toàn lưới điện đã được chúng tôi phối hợp với chính quyền các địa phương thực hiện khá thường xuyên, nhưng chỉ sau thời gian ngắn cây cối lại phát triển, người dân lại xây dựng công trình vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Vì vậy, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung cao hơn để sớm khắc phục.
Riêng về các điểm vi phạm lớn, trong vài ngày tới, chúng tôi sẽ xử lý điểm 142-143 trục chính đường dây 471E18.4 ở Thịnh Lộc. Còn vị trí 01-02 ở thị trấn Lộc Hà thì phải chờ đến cuối năm HĐND địa phương họp để bố trí kinh phí di dời".