Nghĩa trang liệt sỹ huyện Kỳ Anh có 808 phần mộ liệt sỹ, trong đó, có 30 phần mộ còn thiếu thông tin và chưa có thông tin
Hơn 20 năm qua, bà Hoàng Thị Minh (Hà Nội), con của liệt sỹ Hoàng Văn Bình lặn lội nhiều nơi đi tìm phầm mộ bố mình. Sau nhiều năm, gia đình bà dành nhiều tâm sức nhưng cũng chỉ xác định được thông tin: Phần mộ cha mình được an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ huyện Kỳ Anh.
Trên cơ sở đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Đề án 150) của Chính phủ, gia đình bà đã đề nghị Cục Người có công, Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh triển khai việc giám định ADN để xác định phần mộ của bố mình. Mới đây, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với huyện Kỳ Anh, Cục Người có công, Viện Pháp y Quốc gia (Bộ Y tế) đã tổ chức khai quật mộ liệt sỹ còn thiếu thông tin và chưa có thông tin lấy mẫu sinh phẩm ADN để xác định danh tính của liệt sỹ.
Lấy mẫu đối chứng của ông Hoàng Văn Đình, em trai liệt sỹ Hoàng Văn Bình
Bà Minh chia sẻ: “Bao nhiêu năm gia đình mong chờ biết được phần mộ cha để thăm viếng. Mong ước ấy dường như vô vọng, chỉ mong đợt này sau khi giám định ADN, gia đình tôi sẽ tìm được phần mộ chính xác của cha”.
Để xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ việc đối chiếu, xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin, phục vụ công tác xây dựng và thực hiện chế độ chính sách, ngành LĐ-TB&XH tỉnh đã tổ chức điều tra về liệt sỹ, thân nhân liệt sỹ, mộ liệt sỹ và nghĩa trang liệt sỹ trên toàn tỉnh. Theo ngành LĐ-TB&XH, hiện toàn tỉnh Hà Tĩnh có hơn 6.000 phần mộ liệt sỹ được an táng ở 11 nghĩa trang, tuy nhiên còn 894 phần mộ chưa có thông tin và 2.929 phần mộ thiếu thông tin.
Các mẫu sinh phẩm lấy được sau khi giám định ADN sẽ bàn giao cho Cục Người có công để đưa vào ngân hàng Gen.
Ông Nguyễn Trí Lạc - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh cho biết: "Thời gian qua, cùng với các đoàn công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, nhiều gia đình liệt sỹ lặn lội, chủ động tìm kiếm phần mộ khi có bất cứ một thông tin hay tia hy vọng nào. Trong các phương pháp được sử dụng để xác định danh tính hài cốt liệt sỹ, thì phương pháp mang lại hiệu quả cao, chính xác nhất vẫn là giám định ADN. Đây là phương pháp khoa học tiên tiến, được nhiều nước trên thế giới áp dụng với tỷ lệ thành công cao."
Nhằm xác định danh tính liệt sỹ, vừa qua Sở LĐ-TB&XH phối hợp với địa phương, Cục Người có công, Viện Pháp y Quốc gia (Bộ Y tế) tổ chức khai quật 117 mộ liệt sỹ còn thiếu thông tin và chưa có thông tin tại các nghĩa trang liệt sỹ huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên lấy mẫu sinh phẩm ADN. Việc lấy mẫu được tiến hành theo nguyên tắc chính xác, khoa học và chu đáo.
“Trong thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, địa phương để tiếp tục lấy mẫu sinh phẩm ADN đối với các phần mộ liệt sỹ còn thiếu thông tin và chưa có thông tin tại các nghĩa trang liệt sỹ trên địa bàn toàn tỉnh”, ông Lạc cho biết thêm.
Cơ quan quân sự hỗ trợ lấy mẫu sinh phẩm
Chiến tranh đã lùi xa, mọi thông tin về các liệt sỹ còn chưa tìm thấy đang dần bị mai một theo thời gian. Bằng sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng trong việc thực hiện đề án xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin, tin rằng trong thời gian tới, nhiều phần mộ sẽ được xác định danh tính. Đây không chỉ là mong mỏi của các gia đình, của Đảng, Nhà nước mà đó còn là trách nhiệm của những người đang sống trong thời đại hòa bình, độc lập.
Hướng dẫn thủ tục thực hiện việc lấy mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sỹ: Thân nhân liệt sỹ làm đơn gửi sở LĐ-TB&XH (địa phương nơi có mộ) kèm theo giấy giới thiệu của Sở LĐ-TB&XH hoặc chính quyền địa phương nơi thân nhân liệt sỹ cư trú và một trong các giấy tờ có thông tin liên quan về nơi liệt sỹ hy sinh hoặc nơi an táng liệt sỹ như: Giấy báo tử, giấy báo tử trận, sơ đồ mộ chí, giấy xác nhận của cơ quan quản lý liệt sỹ trước khi hy sinh hoặc cơ quan có thẩm quyền xác nhận nơi liệt sỹ hy sinh; giấy xác nhận của đồng đội liệt sỹ có chứng nhận của chính quyền địa phương và các thông tin trong hồ sơ liệt sỹ... |