Xu hướng nhiều tiện ích
“Từng nhiều lần phải gọi người thân mang tiền đến để thanh toán giùm do quên ví nên việc thanh toán qua thẻ như trở thành “cứu cánh” của tôi. Hơn nữa, trước đây, do không thường xuyên ở nhà nên tôi thường bị quá hạn thanh toán tiền điện, phải mất công đến công ty điện lực địa phương để nộp rất mất thời gian. Nay có thanh toán qua tài khoản nên rất tiện lợi, ở đâu, lúc nào cũng có thể nộp tiền điện được…” – chị Nguyễn Thu Thảo (30 tuổi, TP Hà Tĩnh) chia sẻ.
Nhiều cửa hàng tại TP Hà Tĩnh lắp đặt máy quẹt thẻ để phục vụ khách hàng
Trong khi đó, anh Lê Đức Anh (35 tuổi – Lộc Hà) cho rằng: “Khi mới tiếp cận các ứng dụng thanh toán này, cá nhân tôi thấy chưa quen, sợ bị “nuốt” tiền. Nhưng sau một thời gian trải nghiệm, việc thanh toán không dùng tiền mặt thực sự thuận tiện. Độ an toàn cao hơn hẳn việc cầm tiền mặt trong người”.
Nắm bắt xu thế và để tạo thuận lợi cho người dân, hiện nay, các ngân hàng đã đầu tư mạnh cho dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
“Thời gian qua, ngân hàng Agribank chi nhánh Hà Tĩnh đã đẩy mạnh triển khai, phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện tử như ví điện tử, Internet Banking, Agribank E – Mobile Banking, QP Pay, dịch vụ thanh toán tiền điện, nước, cước viễn thông, tiền học phí qua ngân hàng trên các trang wep điện tử, POS… Bình quân mỗi năm, giao dịch thanh toán tại ATM đạt doanh số 5.600 tỷ đồng với hơn 1 triệu món, tại các đơn vị chấp nhận thẻ đạt 26 tỷ đồng…” - Phó giám đốc Agribank chi nhánh Hà Tĩnh Võ Văn Nhất cho biết.
Tại ngân hàng Vietcombank Hà Tĩnh, hoạt động này cũng khá sôi động với việc lắp đặt 28 máy ATM, 190 điểm chấp nhận thẻ, 217 số máy chấp nhận thanh toán P0S. Lũy kế 6 tháng 2018, doanh số thanh toán và sử dụng thẻ đạt 125 tỷ đồng.
Ưu điểm của việc thanh toán không dùng tiền mặt thu hút đông đảo khách hàng, nhất là những người ở độ tuổi từ 20 đến 40 tuổi tham gia. Vậy nên, nhiều siêu thị, cửa hàng lớn trên địa bàn đều đặt thêm máy thanh toán chấp nhận thẻ (POS) để phục vụ khách hàng.
Anh Nguyễn Anh Phượng - chủ cửa hàng ăn uống tại TP Hà Tĩnh cho biết: “Hiện nay, nhiều khách hàng không có thói quen mang theo tiền mặt hoặc chỉ mang theo một lượng rất ít, thích sử dụng thẻ hơn. Việc quẹt thẻ ATM cũng giúp cửa hàng thực hiện thanh toán nhanh chóng hơn, bởi không phải tìm tiền lẻ trả lại cho khách. Nhiều khách đặt hàng trực tuyến, chỉ cần thực hiện chuyển khoản là có người chuyển hàng đến tận nơi”.
Máy POS phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt
Bên cạnh lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt đối với người sử dụng, Trưởng phòng Tổng hợp, nhân sự và kiểm soát nội bộ Ngân hàng Nhà nước Hà Tĩnh Bùi Thị Huệ phân tích: “Đối với tổng thể kinh tế, thanh toán không dùng tiền mặt có ý nghĩa quan trọng đến việc tiết kiệm khối lượng tiền mặt trong lưu thông, từ đó giảm bớt những phí tổn của xã hội có liên quan đến việc phát hành và lưu thông tiền. Đặc biệt, thanh toán không dùng tiền mặt tạo điều kiện cho việc kiểm soát lạm phát và minh bạch các giao dịch tài chính”.
Đến 2020, phủ sóng 90 % giao dịch không dùng tiền mặt
Theo kế hoạch đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Hà Tĩnh do Ngân hàng Nhà nước tỉnh xây dựng, đến năm 2020, tỷ trọng thanh toán không dùng tiền mặt đạt trên 90%. Hiểu đơn giản, trong thời gian tới, hình thức giao dịch “tiền trao, cháo múc” sẽ nhường chỗ cho các hình thức thanh toán hiện đại qua thẻ và các cổng thanh toán trực tuyến.
Hướng dẫn khách hàng sử dụng tại KBNN tỉnh
Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay là một số đơn vị chấp nhận thẻ không khuyến khích khách hàng thanh toán bằng thẻ vì mất phí (trong hợp đồng giữa ngân hàng với đơn vị chấp nhận thẻ thì để mở điểm chấp nhận thẻ thì đơn vị phải chịu phí).
Theo đó, dấu máy POS, chỉ khi khách hàng yêu cầu mới đưa ra để hạn chế khách hàng không thanh toán qua POS… Trong khi đó, khu vực nông thôn vẫn chưa có nhiều điều kiện để thực hiện tiện ích này
Được biét trong thời gian tới, kế hoạch đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt sẽ được Ngành ngân hàng triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, tập trung phát triển cả số lượng và chất lượng của hệ thống chấp nhận thẻ (POS), hệ thống máy giao dịch tự động ATM, tích hợp thêm tính năng vào thẻ ATM…
Tại các đơn vị hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước phấn đấu 90% trả lương qua tài khoản. Tại khu vực nông thôn sẽ tổ chức, sắp xếp hệ thống ATM, POS…