Nguyên nhân của tình trạng bạo lực tại Sudan bắt nguồn từ cuộc tranh giành quyền lực giữa chỉ huy quân đội nước này Abdel Fattah al-Burhan (trái) và chỉ huy Lực lượng Phản ứng nhanh Mohamed Hamdan Dagalo. Ảnh: Financial Times.
Reuters dẫn tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Nam Sudan - nước láng giềng của Sudan - đưa tin lệnh ngừng bắn sẽ kéo dài trong các ngày 4-11/5.
Trong tuyên bố, Tổng thống Nam Sudan, ông Salva Kiir, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hai bên cần đạt lệnh ngừng bắn dài hơn và chỉ định đại diện ngồi vào bàn đàm phán.
Quân đội Sudan và RSF đều nhất trí sẽ cử đại diện tới các cuộc thương lượng, tuyên bố bổ sung.
Nam Sudan được chỉ định là một trong những quốc gia sẽ diễn ra hòa đàm giữa hai bên. Nước này cũng từng đề nghị đứng ra làm trung gian hòa giải xung đột tại Sudan.
Giao tranh tại Sudan bùng nổ ở thủ đô Khartoum từ hôm 15/4 do bất đồng giữa tướng Abdel Fattah al-Burhan, chỉ huy quân đội chính quy nước này, và tướng Mohamed Hamdan Dagalo, lãnh đạo RSF, về thời điểm sáp nhập hai lực lượng.
Cuộc giao tranh tới nay đã làm ít nhất 512 người chết, gần 4.200 người bị thương, theo Al Jazeera . Xung đột còn khiến hàng trăm nghìn người phải bỏ nhà cửa đi sơ tán trong nước, trong khi hơn 100.000 người đã chạy sang biên giới các nước lân cận, theo Reuters .
Trong 3 tuần từ khi xung đột bùng nổ, hai bên đã nhất trí ngừng bắn với các thời hạn khác nhau nhưng giao tranh vẫn được ghi nhận tại thủ đô Khartoum.
Sudan đã rơi vào tình trạng bất ổn kể từ trước khi mâu thuẫn giữa hai vị tướng trở thành xung đột vũ trang. Giao tranh đe dọa làm đổ vỡ tiến trình chuyển đổi sang chính quyền dân sự của nước này, đồng thời có nguy cơ lan rộng sang các quốc gia láng giềng.