Vào đầu tháng 8/2019, sau hơn 2 năm kể từ ngày được Hàn Quốc chuyển giao thì tàu hộ vệ săn ngầm PCC-762 Chungju lớp Pohang mới được hải quân Philippines tiếp nhận, con tàu mang số hiệu mới là PS-39 Conrado Yap.
Hải quân Philippines đánh giá rất cao tính năng kỹ chiến thuật của con tàu, cho dù đã cao tuổi nhưng nó vẫn là chiến hạm mạnh nhất trong đội tàu mặt nước của bạn.
Trước đó, hải quân nhân dân Việt Nam cũng đã tiếp nhận 2 tàu hộ vệ săn ngầm lớp Pohang từ hải quân Hàn Quốc, đó là tàu 18 (PCC-761 Gimcheon) và tàu 20 (PCC-768 Sokcho).
Các tàu chiến đã qua sử dụng của hải quân Hàn Quốc được đánh giá là sự bổ sung lực lượng cần thiết cho các quốc gia Đông Nam Á trong tình cảnh những nước này đang rất thiếu tàu mặt nước.
Sau khi tiếp nhận tàu PCC-762 Chungju, hải quân Philippines đã lên tiếng rằng họ muốn nhận được thêm ít nhất 2 chiến hạm lớp Pohang nữa sau khi chúng được rút khỏi biên chế.
Theo đánh giá của giới quan sát, khả năng Hàn Quốc chấp thuận đề nghị của phía Philippines là rất dễ dàng, bởi họ cũng đang muốn tiết kiệm chi phí tháo dỡ những con tàu này.
Bên cạnh hải quân Philippines, khả năng rất cao là hải quân Việt Nam cũng sẽ nhận được thêm nhiều chiến hạm tương tự bởi nhu cầu của chúng ta cũng tương đối lớn.
Tàu hộ vệ săn ngầm lớp Pohang sẽ thay thế vai trò của 5 chiếc Petya II/III do Liên Xô chế tạo từ thập niên 1960 đã rất lạc hậu và không còn đáp ứng đầy đủ yêu cầu tác chiến hiện đại.
Kể cả trong trường hợp chưa mua sắm ngư lôi săn ngầm thì tàu hộ vệ Pohang vẫn đảm nhiệm vai trò tàu pháo tuần tiễu tốt hơn hẳn Petya nhờ lượng giãn nước lớn và kết cấu vững chắc hơn.
Thậm chí nếu cần thiết, các tàu Pohang hoàn toàn đủ khả năng tích hợp thêm tên lửa hành trình chống hạm khi thiết kế của con tàu có sẵn cho chức năng này.
Dự kiến trong tương lai không xa sẽ có thêm nhiều tàu hộ vệ lớp Pohang của hải quân Hàn Quốc với cấu hình cao cấp hơn những tàu đã chuyển giao sẽ cập bến các quốc gia Đông Nam Á khi chúng được Seoul loại biên.
Bên cạnh tàu hộ vệ săn ngầm lớp Pohang, hải quân các quốc gia Đông Nam Á còn đang đứng trước cơ hội được nhận khinh hạm đa năng lớp Ulsan từ hải quân Hàn Quốc.
Seoul mới đây đã loại biên chiếc Ulsan đầu tiên và mang đi tặng cho hải quân Argentina, tuy nhiên quốc gia Nam Mỹ này đã từ chối nhận vì không đủ hạ tầng khai thác.
Chính vì vậy đích đến của chiếc Ulsan này khả năng rất cao sẽ là một nước thuộc khu vực ASEAN, bởi họ đang có nhu cầu cao đối với tàu chiến 2.000 tấn đa năng.
Khinh hạm Ulsan thực chất là bản phóng to của tàu hộ vệ lớp Pohang, nó được trang bị hệ thống điện tử cũng như vũ khí mạnh và toàn diện hơn rất nhiều.
Chiến hạm lớp Ulsan có hỏa lực mạnh mẽ, vận hành tin cậy, sẽ là nguồn bổ sung lực lượng cần thiết cho nhiều đối tác của Hàn Quốc trong khi tình hình khu vực đang diễn biến ngày một phức tạp.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia quân sự, nếu Việt Nam bày tỏ ý muốn tiếp nhận thì chúng ta chính là ứng viên sáng giá nhất để Hàn Quốc tặng lại chiếc Ulsan đầu tiên vừa được cho nghỉ hưu.