Hàn Quốc đối mặt nguy cơ thiếu lính

Hàn Quốc, nước có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới và đang duy trì chế độ nghĩa vụ quân sự, có thể sớm thiếu quân khi an ninh khu vực căng thẳng.

Hàn Quốc duy trì lực lượng thường trực khoảng 500.000 quân bằng chính sách nghĩa vụ quân sự nghiêm ngặt, yêu cầu hầu như tất cả nam thanh niên nhập ngũ, do nước này trên lý thuyết vẫn đang trong tình trạng chiến tranh với Triều Tiên.

Nhưng tỷ lệ sinh 0,78 trẻ em trên một phụ nữ, ngưỡng thấp nhất thế giới, có thể là kẻ thù lớn của quốc gia vào thời điểm này, khiến quân đội Hàn Quốc nhiều khả năng phải cắt giảm lực lượng, theo các chuyên gia.

"Với tỷ lệ sinh hiện tại, tương lai đã được định trước. Giảm quy mô lực lượng thường trực là không thể tránh khỏi", Choi Byung-ook, giáo sư an ninh quốc gia tại Đại học Sangmyung, nhận định.

Ông cho hay để duy trì quân số hiện tại, quân đội Hàn Quốc cần tuyển mộ hoặc gọi nhập ngũ khoảng 200.000 tân binh mỗi năm. Nhưng cả nước có chưa đến 250.000 trẻ được sinh ra trong năm 2022.

Điều này đồng nghĩa Hàn Quốc sẽ chỉ có khoảng 125.000 nam giới đến tuổi nhập ngũ trong hai thập kỷ tới, nếu tỷ lệ nam nữ trong số trẻ em sinh ra là 50-50. Phụ nữ không bắt buộc nhập ngũ ở Hàn Quốc và nữ binh sĩ tình nguyện chỉ chiếm 3,6% lực lượng hiện tại.

Trong khi đó, số trẻ sơ sinh ra đời hàng năm dự kiến giảm sâu, xuống còn 220.000 trẻ năm 2025 và 160.000 năm 2072, theo số liệu từ chính phủ Hàn Quốc.

Hàn Quốc đối mặt nguy cơ thiếu lính

Binh sĩ Hàn Quốc trong lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập lực lượng vũ trang tại căn cứ không quân Seoul. Ảnh: AFP

Quân đội Hàn Quốc đã nhận thức được xu hướng này và đã chuẩn bị ứng phó, nỗ lực xây dựng lực lượng nhỏ hơn nhưng tinh nhuệ hơn, theo sách trắng quốc phòng năm 2022. Trong giai đoạn 2002-2022, quân đội Hàn Quốc đã giảm quy mô 27,6%.

Các chuyên gia nói rằng giảm quy mô quân đội là chưa đủ và Hàn Quốc cần phải biết cách biến cuộc khủng hoảng nhân lực này thành động lực để chuyển đổi công nghệ.

“Giới chức quốc phòng đã có chủ trương chuyển đổi từ lực lượng lấy quân số làm trọng tâm sang đội quân hiện đại về công nghệ”, Chun In-bum, cựu trung tướng quân đội Hàn Quốc, cho biết.

Chính sách này được triển khai năm 2005, song đạt rất ít tiến triển, khi quân đội không có động lực chuyển đổi bởi lượng lính nghĩa vụ vẫn dồi dào, theo ông Chun.

Chứng kiến xu hướng sử dụng công nghệ rộng rãi trong chiến sự Ukraine, quân đội Hàn Quốc bắt đầu tập trung tích hợp công nghệ mới vào các đơn vị chiến đấu.

Năm 2022, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo chuyển đổi theo từng giai đoạn, dần tiến đến hoạt động quân đội phối hợp có người lái và không người lái (MUM-T) dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI). Cơ quan này cũng giới thiệu lữ đoàn TIGER, được xem là “đơn vị của tương lai”, sử dụng cả con người và thiết bị không người lái thực hiện nhiệm vụ.

Hàn Quốc cũng đang phát triển các thiết bị quân sự không người lái, trong đó có máy bay không người lái tầm trung (MUAV) và phương tiện không người lái dưới nước (UUV).

Nhưng cựu tướng Chun nhận định chuyển đổi công nghệ không giải quyết hoàn toàn vấn đề, bởi bộ binh vẫn là yếu tố then chốt trong kiểm soát lãnh thổ và việc vận hành, giám sát các hệ thống AI cũng cần lượng binh sĩ lớn có trình độ cao.

“Chuyển đổi sang công nghệ sẽ hữu ích, nhưng không đủ để giải quyết vấn đề thiếu quân số”, ông Chun nói, nhấn mạnh Hàn Quốc cần cải thiện hệ thống tuyển quân, giúp tận dụng lực lượng dự bị đông đảo.

Nam giới Hàn Quốc sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự bắt buộc 18-21 tháng sẽ trở thành quân nhân dự bị trong 8 năm. Hệ thống này cung cấp cho Hàn Quốc 3,1 triệu quân dự bị có kinh nghiệm quân sự.

Trong 8 năm sau khi xuất ngũ, các quân nhân dự bị hàng năm vẫn được triệu tập về đơn vị một lần để ôn kiến thức, tham gia khóa huấn luyện 3 ngày 2 đêm. Họ đồng thời phải tham gia huấn luyện phòng thủ dân sự hàng năm cho đến 40 tuổi.

Hàn Quốc đang thí điểm cơ chế gọi huấn luyện một số quân nhân dự bị tham gia khóa huấn luyện 180 ngày một năm để củng cố kỹ năng.

Một lựa chọn khác là tăng số lượng và thời gian phục vụ của lính tình nguyện, giúp họ vận hành thành thục các loại vũ khí tiên tiến mà vẫn giảm được quân số thường trực.

Hàn Quốc đối mặt nguy cơ thiếu lính

Binh sĩ Hàn Quốc diễn tập đổ bộ tại Pohang ngày 26/10/2022. Ảnh: Reuters

Nhưng người Hàn Quốc không ủng hộ phương án này. Bộ Quốc phòng cho biết lượng người nộp đơn tình nguyện nhập ngũ đã giảm từ 30.000 năm 2018 xuống 19.000 năm 2022.

“Quân đội gặp rất nhiều khó khăn để tuyển học viên giỏi cho các trường quân sự, những người trong vài thập kỷ tới sẽ tạo một đội ngũ sĩ quan xuất sắc”, giáo sư Choi nói, chỉ ra phúc lợi tài chính, xã hội thấp dành cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp cấp thấp là lý do chính.

Quân đội Hàn cũng cân nhắc tăng tuyển mộ nữ giới. Ông Choi nhận định phương án này có thể giải quyết vấn đề, song có quá nhiều trở ngại và cái giá “có thể rất đắt”.

“Có nhiều yếu tố phức tạp, bởi phụ nữ là nhóm có thể giải quyết vấn đề tỷ lệ sinh thấp, nên phương án gọi phụ nữ nhập ngũ sẽ lợi bất cập hại”, giáo sư Choi nói. Theo ông, mức lương quân nhân đủ hấp dẫn có thể là yếu tố thu hút nhiều phụ nữ tình nguyện gia nhập quân đội hơn.

Nhưng Hàn Quốc không còn nhiều thời gian để thay đổi. Tháng 12/2023, giới chức Hàn cảnh báo tỷ lệ sinh tiếp tục giảm trong hai năm tới, xuống 0,65 ca sinh trên một phụ nữ vào năm 2025.

Theo CNN, Reuters, AFP, VNE

Đọc thêm

[Motion Graphics] Diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử

[Motion Graphics] Diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử

Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là một trong những đỉnh cao chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Chiến dịch này đã giáng đòn quyết định, tạo bước ngoặt làm thay đổi cục diện chiến tranh, trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Geneve chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Điện Biên Phủ - khúc tráng ca bất tử

Điện Biên Phủ - khúc tráng ca bất tử

Cách đây 71 năm, ngày 7/5/1954, Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử Việt Nam, mãi mãi là niềm tự hào, kiêu hãnh của một dân tộc anh hùng, không bao giờ khuất phục trước mọi kẻ thù.
Thư cảm ơn của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng

Thư cảm ơn của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng

Nhân dịp tổ chức thành công diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), ngày 30/4, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã có thư cảm ơn. Trân trọng giới thiệu toàn văn bức thư này.
“Gác lễ", bảo vệ bình yên cho quê hương

“Gác lễ", bảo vệ bình yên cho quê hương

Cán bộ, chiến sỹ các đơn vị vũ trang ở Hà Tĩnh luôn đảm bảo sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vùng trời, vùng biển, biên giới, đất liền để Nhân dân yên tâm vui lễ.
Xây dựng lực lượng vũ trang đảm bảo “tinh - gọn - mạnh”

Xây dựng lực lượng vũ trang đảm bảo “tinh - gọn - mạnh”

Phát huy truyền thống quê hương cách mạng và khí thế thi đua “thần tốc - quyết thắng” chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, LLVT Hà Tĩnh tiếp tục phát triển theo hướng “tinh - gọn - mạnh”, có chất lượng tổng hợp tốt, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) cao.
Trận đầu thắng Mỹ - ký ức người trong cuộc

Trận đầu thắng Mỹ - ký ức người trong cuộc

Mỗi dịp tháng Tư về, ngôi nhà của Đại úy Lê Văn Kiệm (SN 1945, xã Thạch Sơn, Thạch Hà, Hà Tĩnh) - cựu chiến binh Tiểu đoàn 8 pháo cao xạ Bình Hà lại trở thành điểm hẹn của biết bao đồng đội.
Nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Đảng ta

Nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Đảng ta

Thắng lợi hoàn toàn và trọn vẹn của cuộc chiến 20 năm chống đế quốc Mỹ bằng Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là kết tinh ý chí, sức mạnh, truyền thống oanh liệt giữ nước của toàn dân tộc. Đặc biệt là nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân tài tình, linh hoạt của Đảng ta, làm nên sức mạnh tổng hợp để chiến thắng mọi kẻ thù hùng mạnh và tàn bạo nhất trong lịch sử.