Dịch tả lợn châu Phi đang khiến hàng triệu người chăn nuôi lợn quy mô nhỏ lẻ ở châu Á điêu đứng. (Ảnh minh họa: AP)
Dịch tả lợn châu Phi bùng phát ở Trung Quốc – quốc gia có số đầu lợn lớn nhất thế giới, từ tháng 8/2018. Cho đến nay đã lây lan sang các nước khác như Mông Cổ, Việt Nam, Campuchia...
Báo cáo của FAO cho hay, các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, như hạn chế vận chuyển thịt lợn, có nguy cơ đe dọa sinh kế của các gia đình thiếu kỹ năng và tài chính để bảo vệ đàn gia súc của mình.
Sản lượng thịt lợn xuất chuồng sụt giảm mạnh, trong khi đó phần lớn sản phẩm bán ra được tiêu thụ bởi những người có thu nhập thấp hoặc trung bình. Các kho dự trữ thịt lợn cấp đông dần cạn kiệt. Tất cả những điều này đang thực sự khiến người nuôi lợn lao đao.
“Điều quan trọng là những nông dân này cần được giúp đỡ càng sớm càng tốt, đặc biệt là khi dịch bệnh chưa bùng phát”, Cristina Coslet – một chuyên gia kinh tế của FAO nói với hãng tin Reuters.
“FAO đã liên hệ với các văn phòng của chúng tôi ở các nước bị ảnh hưởng và trong khi phải mất một thời gian để có được con số chính xác, chúng tôi khẳng định rằng thu nhập của những người chăn nuôi nhỏ lẻ đã thực sự bị ảnh hưởng”, bà Coslet nói thêm.
Dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm do một loại virus trong máu, dịch bài tiết từ lợn nhiễm bệnh gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn, xảy ra ở mọi loại lợn, thông qua tiếp xúc trực tiếp với những con bị nhiễm bệnh hoặc qua thức ăn, thiết bị chăn nuôi mang virus. Theo các chuyên gia, tả lợn châu Phi không có mối đe dọa trực tiếp nào đối với sức khỏe con người.
Hiện chưa có phương pháp phòng ngừa hiệu quả đối với dịch bệnh này, tuy nhiên các nhà nghiên cứu Việt Nam ngày 2/7 cho biết đã đạt được thành công ban đầu trong việc tạo ra một loại vắcxin phòng dịch tả lợn châu Phi.
Nông dân chăn nuôi đàn lợn có quy mô nhỏ, với số lượng xuất chuồng ít hơn 500 con mỗi năm, chiếm khoảng 40% tổng số lợn xuất chuồng của Trung Quốc, theo số liệu năm 2016 của ngân hàng Hà Lan Rabobank.
Tại Việt Nam, ngành chăn nuôi đang là sinh kế của gần 10 triệu người. Trong số này, có 60-70% người dân chăn nuôi theo quy mô nhỏ hoặc vừa, dưới 200 con lợn xuất chuồng mỗi năm, theo ông Nguyễn Việt Hùng – Trưởng đại diện khu vực Đông và Đông Nam Á của Viện Nghiên cứu Chăn nuôi quốc tế (ILRI).
“Một số người dân phải tiêu hủy cả đàn lợn 200 con, trị giá khoảng 50.000 USD (tương đương 1,17 tỷ đồng). Đây là một khoản tiền lớn đối với họ”, ông Hùng nói.