Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn và các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Nguyễn Thị Nữ Y, Trương Thanh Huyền chủ trì phiên thảo luận
Góp ý về một số dự thảo nghị quyết tại kỳ họp trong đầu buổi làm việc sáng nay, đại biểu Nguyễn Thế Hoàn - Tổ đại biểu Lộc Hà cho rằng, dự thảo Nghị quyết bổ sung một số chính sách thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2019 - 2025 trên địa bàn toàn tỉnh, ở phần mức hỗ trợ nên có sự điều chỉnh mức khi chuẩn nghèo đa chiều do Chính phủ quy định thay đổi.
Đại biểu Nguyễn Thế Hoàn - Tổ đại biểu Lộc Hà
Dự thảo Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ tạo việc làm, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và học sinh, sinh viên đi du học nghề giai đoạn 2019 – 2021, nên bổ sung thêm đối tượng là người lao động thuộc hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo trong thời gian 3 năm (vì hiện nay lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đã giảm đáng kể, thậm chí lao động thuộc hộ nghèo sẽ không còn, vì chủ yếu là người già cô đơn, người cao tuổi, người yếu thế…).
Đại biểu Nguyễn Thế Hoàn cũng gửi gắm mong muốn HĐND tỉnh quan tâm, xem xét thông qua Đề án thành lập thị trấn Lộc Hà thuộc huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là sự chờ đợi của cán bộ, đảng viên và toàn thể cử tri Lộc Hà sau hơn 12 năm thành lập huyện. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh, các sở, ban, ngành cấp tỉnh quan tâm cao, ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng thị trấn trong thời gian tới.
Đại biểu Đào Anh Nga - Tổ đại biểu thị xã Hồng Lĩnh đi sâu phân tích một số hạn chế trong phát triển KT-XH thời gian qua và nêu các giải pháp liên quan đến phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, cải cách hành chính..
Đào Anh Nga - Tổ đại biểu thị xã Hồng Lĩnh
Đại biểu Nga phân tích, năm 2018, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 08 về đẩy mạnh phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp đến năm 2025 và những năm tiếp theo, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 86 về một số chính sách phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Nhưng thực tế đến nay, sau một năm triển khai thực hiện các nghị quyết thì tình hình phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều khả quan.
Như vậy, để đạt được tốc độ phát triển kinh tế cả năm theo kế hoạch 11,5 - 12% sẽ rất khó khăn vì các khu vực kinh tế khác như nông nghiệp đã thu hoạch vụ chính, ngành chăn nuôi được dự báo tiếp tục gặp khó khăn trong thời gian tới.
Do vậy, trong 6 tháng cuối năm, chúng ta cần phải tập trung giải pháp cụ thể để đẩy mạnh phát triển khu, cụm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp khác. Nếu không, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh ta sẽ tiếp tục phụ thuộc vào ngành thép trong khi ngành thép đã đi vào sản xuất ổn định.
Trên lĩnh vực cải cách hành chính, đại biểu Đào Anh Nga cho rằng, cả 3 tiêu chí thành phần của tiêu chí dịch vụ công trực tuyến của Hà Tĩnh đều đạt rất thấp so với tỷ lệ quy định tại Bộ tiêu chí đánh giá chỉ số CCHC của Bộ Nội vụ.
Vì vậy, thời gian tới, cần phải có giải pháp, lộ trình rất cụ thể trong thực hiện các tiêu chí về cải cách hành chính để đạt được các mục tiêu“Xây dựng chính quyền điện tử thành công ở các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh, với nền hành chính không giấy; bảo đảm chất lượng, hiệu lực, hiệu quả và tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Thay mặt Tổ đại biểu Hương Khê, đại biểu Lê Ngọc Huấn góp ý về các dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp. Theo đó, đối với Nghị quyết bổ sung một số chính sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2019-2025 trên địa bàn toàn tỉnh, đề nghị xem xét quy định rõ mức hỗ trợ làm nhà ở và phân cấp ngân sách các cấp, xã hội hóa để đảm bảo thực hiện.
Đại biểu Lê Ngọc Huấn - Tổ đại biểu Hương Khê
Việc vận động xã hội hóa để hỗ trợ hộ nghèo là khó khăn, nên cần quy định cụ thể định mức ngân sách tỉnh hỗ trợ để đảm bảo mức thu nhập tối thiểu hàng tháng của các thành viên hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội không thấp hơn mức chuẩn nghèo do Chính phủ quy định.
Về dự thảo nghị quyết quy định số lượng cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn; chức danh, số lượng, mức khoán phụ cấp đối với người hhoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố; mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố, đại biểu Huấn đề nghị quy định số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã không quá 9 người.
Mức khoán đối với người tham gia nhóm công việc khác ở thôn, tổ dân phố, đối với các loại thôn, tổ dân phố: Loại 1 là 25 triệu đồng, loại 2 là 22 triệu đồng, loại 3 là 20 triệu đồng/năm là quá thấp, sẽ khó khăn trong việc lựa chọn người thực hiện các nhóm nhiệm vụ nêu trên, đề nghị giữ nguyên như quy định tại Nghị quyết số 129 của HĐND tỉnh đã ban hành.
Đại biểu Lê Thị Quỳnh Hoa - Tổ đại biểu Cẩm Xuyên thông tin, các loại tội phạm xảy ra trên địa bàn có xu hướng tăng so với cùng kỳ 2018 như tội phạm về mua bán, vận chuyển và tàng trữ trái phép chất ma túy, tội mua bán, vận chuyển hàng cấm, tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, tội đánh bạc...
Đại biểu Lê Thị Quỳnh Hoa - Tổ đại biểu Cẩm Xuyên
Đại biểu Hoa trăn trở: “Ở đây, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến loại tội phạm liên quan đến ma túy. Bên cạnh việc các đối tượng lợi dụng địa bàn tuyến biên giới của Hà Tĩnh để trung chuyển ma túy đến địa bàn thứ 3 tiêu thụ lên đến hàng trăm kg, thì trong địa bàn, số vụ mua bán, vận chuyển, tàng trữ ma túy cũng diễn biến khá phức tạp.
Hệ lụy của loại tội phạm này là những người sử dụng, người nghiện ma túy bị ảo giác, “ngáo đá”, đã có những hành vi trái pháp luật dẫn đến phạm tội. Ma túy không chỉ có ở thành phố, thị xã mà hiện nay cũng đã xuất hiện cả vùng nông thôn; đối tượng sử dụng ma túy cũng không chỉ nam giới mà còn có phữ nữ, không chỉ những người không có việc làm, những người lao động tự do mà còn có công chức, viên chức nhà nước”.
Từ đó, đại biểu Hoa kiến nghị HĐND tỉnh có các giải pháp để phòng ngừa, kiểm soát và đẩy lùi tệ nạn ma túy như: Tăng cường giám sát, đánh giá cụ thể về hiệu quả công tác tuyên truyên phổ biến giáo dục pháp luật các nội dung liên quan đến công tác phòng, chống ma túy; giám sát công tác quản lý cai nghiện, công tác phối hợp cai nghiện và xem xét, có chính sách hỗ trợ nguồn lực cho các cơ sở cai nghiện, đảm bảo các điều kiện giúp người cai nghiện đạt hiệu quả, tái hòa nhập cộng đồng tốt.
Góp ý một số nội dung tại kỳ họp, đại biểu Đỗ Khoa Văn – Tổ đại biểu huyện Vũ Quang cho rằng, hiện nay, trong biên chế công chức cấp xã, một số lĩnh vực chưa có cán bộ phụ trách hoặc kiêm nhiệm quá nhiều nhiệm vụ trong khi trình độ chuyên môn chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ.
Đại biểu Đỗ Khoa Văn – Tổ đại biểu huyện Vũ Quang
Cùng với đó, việc tổ chức thi tuyển, tuyển dụng công chức quá chậm gây thiếu hụt nhân lực kéo dài. Chính vì vậy, nên giữ nguyên số lượng cán bộ công chức theo quy định tại Nghị định 34 của Chính phủ để đảm bảo hiểu quả công việc.
Trong lĩnh vực CCHC, đại biểu Đỗ Khoa Văn đề nghị các địa phương, ngành giảm các cuộc họp, nhất là giảm số lượng, thành phần đại biểu tham dự để tập trung cho nhiệm vụ chuyên môn; tăng cường ứng dụng CNTT, chuyển tải qua mạng các nội dung, tài liệu, tăng hiệu quả, tránh gây lãng phí thời gian, tốn kém nguồn lực...
Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Võ Văn Phúc - Tổ đại biểu thị xã Kỳ Anh nhấn mạnh tính cần thiết, sự nhân văn đối với việc ban hành chính sách hỗ trợ giảm nghèo, tuy nhiên đề nghị thời gian hỗ trợ nên đến năm 2021 để sau đó có thể linh hoạt điều chỉnh khi Trung ương có sự thay đổi về tiêu chí hộ nghèo.
Đại biểu Võ Văn Phúc - Tổ đại biểu thị xã Kỳ Anh
Đại biểu Phúc cũng băn khoăn việc thừa thiếu giáo viên chậm được giải quyết, nếu không có giải pháp chỉ đạo quyết liệt sẽ không đảm bảo số lượng giáo viên cho năm học 2019-2020. Sau khi sáp nhập xã và các trường học, cần có giải pháp giải quyết trụ sở dôi dư, tránh lãng phí tài sản công. Việc tổ chức tuyển dụng cán bộ công chức sở, ngành, địa phương gặp khó khăn; ở một số địa phương, do thiếu cán bộ nên phải bố trí làm việc ngoài giờ nhưng chưa có chế độ tương xứng.
Gửi đến HĐND tỉnh những kiến nghị của cử tri thị xã Kỳ Anh, đại biểu Võ Văn Phúc mong muốn các ngành theo nhiệm vụ được giao hỗ trợ địa phương giải quyết các vụ việc tồn đọng; đề nghị tỉnh chỉ đạo dứt điểm tàu giã cào khai thác ở vùng lộng, làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, gây khó khăn cho ngư dân; bố trí nguồn vốn thực hiện các công trình, dự án xây dựng đô thị loại 3….
Đại biểu Nguyễn Văn Danh - Tổ đại biểu huyện Kỳ Anh nêu một số kiến nghị đối với các dự án của làng thanh niên lập nghiệp, đề nghị tỉnh có giải pháp giải quyết dứt điểm, hoặc tiếp tục thu hồi đất để giao cho dự án hoặc nếu dự án không thực hiện thì phải có phương án giao đất lại cho người dân.
Đại biểu Nguyễn Văn Danh - Tổ đại biểu huyện Kỳ Anh
Đề nghị tỉnh quan tâm và có chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển cây sắn; hỗ trợ về nước sạch cho những địa phương có khó khăn đặc biệt về nước sạch sinh hoạt ở Kỳ Lạc, Kỳ Tây; đề xuất tỉnh lắp đèn đỏ hoặc đèn vàng báo nguy hiểm trên Quốc lộ 1A, đoạn qua huyện Kỳ Anh nhằm đảm bảo an toàn giao thông.
Góp ý về các tờ trình, dự thảo nghị quyết tại kỳ họp, đại biểu Danh bày tỏ băn khoăn, đối với chính sách hỗ trợ giảm nghèo, 2 đối tượng; người có công, người được hưởng bảo trợ xã hội khi được hỗ trợ từ chính sách sẽ vượt quá thu nhập của hộ nghèo, như vậy có được hưởng các chính sách đối với hộ nghèo?
Thảo luận tại kỳ họp, đại biểu Trần Văn Kỳ - Tổ đại biểu Hương Sơn cho rằng, dù kinh tế - xã hội tỉnh nhà đạt được nhiều kết quả nổi bật nhưng hiện nay, có nhiều vụ việc tồn đọng kéo dài trên nhiều lĩnh vực chưa được quan tâm xử lý dứt điểm ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu tại cơ sở.
Đại biểu Trần Văn Kỳ - Tổ đại biểu Hương Sơn
Chính vì vậy, đại biểu Trần Văn Kỳ đề nghị UBND tỉnh quan tâm, bố trí nguồn lực thỏa đáng cho việc triển khai Nghị quyết quy định số lượng cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn; chức danh, số lượng, mức khoán chi phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố để thực hiện hiệu quả trong thực tiễn; chủ động bố trí nguồn kinh phí nâng cấp duy tu các tuyến đê điều, hồ đập xung yêu để vừa đảm bảo an toàn mùa mưa lũ, vừa đáp ứng nhu cầu sản xuất cho các địa phương; đẩy mạnh giám sát các dự án sau cấp phép đầu tư để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Đại biểu Trần Viết Hậu- Tổ đại biểu huyện Đức Thọ
Đại biểu Trần Viết Hậu- Tổ đại biểu huyện Đức Thọ phân tích một sốtồn tại, hạn chế, yếu kém và các giải pháp cần được quan tâm khắc phục, đó là: Ngành chăn nuôi thường xuyên đối mặt với dịch bệnh, các mô hình kinh tế có hiệu quả chưa được nhân rộng; công trình thủy lợi một số nơi xuống cấp nghiêm trọng, tỷ suất hàng hóa sản phẩm nông nghiệp đạt thấp, sản phẩm chủ yếu xuất thô, chưa qua chế biến. Khu vực công nghiệp - xây dựng tăng trưởng chủ yếu nhờ thép, công nghiệp hàng tiêu dùng, chế biến nông thôn chưa phát triển và chiếm tỷ trọng thấp.
Từ kết quả vốn đầu tư toàn xã hội đạt thấp, 6 tháng mới đạt 37% KH, đại biểu Hậu nêu giải pháp: Cần tăng cường công tác thu hút đầu tư, nhất là các dự án sau thép, các dự án sản xuất hàng tiêu dùng, công nghiệp sạch tại các khu kinh tế;
Sớm xây dựng và triển khai thực hiện đề án về logistics tại KKT Vũng Áng, khuyến khích đầu tư tại các cụm công nghiệp; có các chính sách đủ mạnh để thu hút đầu tư công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, giải quyết đầu ra sản phẩm, nâng giá trị nông sản, giải quyết việc làm, tăng thu nhập.
Thảo luận một số nội dung tại kỳ họp, đại biểu Trần Trung Dũng – Tổ đại biểu Nghi Xuân đề nghị tỉnh cần đánh giá kỹ, phân tích sâu những tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ KT-XH 6 tháng đầu năm, nhất là trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng cơ bản... rút ra những bài học, giải pháp khắc phục trong những tháng cuối năm để hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đề ra.
Đại biểu Trần Trung Dũng cho rằng tỉnh, ngành chức năng và các địa phương cần đánh giá khách quan tình trạng cháy rừng xảy ra trên địa bàn tỉnh và cần đưa ra giải pháp cụ thể về tái tạo, phát triển rừng; các giải pháp phòng chống cháy rừng; đảm bảo sinh kế.
Phiên thảo luận tại hội trường nghe đại diện 13 tổ đại biểu bầu tại các huyện, thị, thành tổng hợp ý kiến của đại biểu và cử tri gửi đến kỳ họp. Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Hà Tĩnh Khóa XVII chuyển sang phần chất vấn và trả lời chất vấn.