Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần II, tháng 2/1951 (ảnh tư liệu)
Theo Hồ Chí Minh, liêm “là trong sạch, không tham lam”; “là không tham tiền tài, không tham sung sướng, không ham người tâng bốc mình”, như vậy là “liêm” đối lập với “tham”, “bất liêm là tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng…”.
Hiểu theo nghĩa rộng và trong thực tiễn đang diễn ra thì “đức liêm” gắn với tư cách, gắn với uy tín của người cán bộ, đảng viên. Hồ Chí Minh đã nói: “Cán bộ muốn được lòng dân mà không liêm thì chẳng khác chi bắc dây leo lên trời”. Nghĩa là khi mình nói liêm, mình tuyên truyền giáo dục đức liêm, thì mình phải sống liêm trước đã, phải “không đưa của công dùng vào việc tư, không đụng đến cái kim, sợi chỉ của dân”. Người nói, bây giờ ta sống trong đất nước có luật pháp nên nếu chỉ giáo dục, chỉ tuyên truyền chưa đủ, như vậy “nói liêm chỉ được một nửa”. Muốn thật liêm thì còn phải có cơ chế giám sát, phải có pháp luật để “thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy là ai và ở đâu”.
Bác Hồ nói chuyện tại hội nghị cán bộ nhân dịp Người về thăm Hà Tĩnh ngày 15/6/1957 (ảnh tư liệu)
Khi nói về chính, Hồ Chí Minh cắt nghĩa đơn giản: “Chính nghĩa là không tà, là thẳng thắn, đứng đắn”. Như vậy, chính gắn với trung thực, với thực chất, với nghiêm túc. Hồ Chí Minh cho rằng, đức chính đòi hỏi con người phải sống chính trực, không giả dối, không khoe khoang, phải có gan đấu tranh với cái xấu, bảo vệ lẽ phải, phân biệt đúng sai. Cho nên trong tứ đức “cần, kiệm, liêm, chính” thì “liêm, chính” là sự biểu hiện đầy đủ nhất của nhân cách con người.
Trong việc rèn luyện đạo đức của người cán bộ, có thể nói phẩm chất hàng đầu là liêm, chính. Người cán bộ, đảng viên của Đảng cầm quyền, khi có chức, có quyền dù ở cương vị nào cũng là người “đầy tớ” của dân, cũng là người đại diện cho Đảng, cho dân. Vì vậy, phẩm chất đạo đức của họ nói chung, mà trước hết là đức liêm chính, tính trung thực có ý nghĩa lớn đối với uy tín và sự phát triển của cách mạng.
Học tập và làm theo Bác sẽ giúp con người luôn mạnh mẽ, sáng trong, tràn đầy tình yêu cuộc sống, con người, tình yêu đất nước, quê hương. Ảnh Internet
Hồ Chí Minh là tấm gương, là mẫu mực về liêm chính để lớp lớp cán bộ, đảng viên noi theo. Người luôn nhắc nhở, phải xây dựng Đảng ta thực sự là Đảng chân chính; là “đạo đức, là văn minh”. Muốn vậy, Đảng phải luôn quang minh chính đại, phải thường xuyên nghiêm chỉnh tự phê bình, phê bình, không giấu giếm khuyết điểm. Khi căn dặn điều gì, khi nói đến hoạt động ở lĩnh vực nào, Bác Hồ đều nhấn mạnh tính trung thực.
Bác nói: Thật thà tự phê bình và phê bình; bảo đảm quyền làm chủ thực sự của Nhân dân; xây dựng nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân; thật thà đoàn kết… Từ đáy lòng mình, Người luôn nhắc nhở và yêu cầu cán bộ, đảng viên sống, hành động và làm việc gì cũng phải liêm chính, trung thực. Người nói như là trút hết tâm can của mình: “Bác sợ nhất là những kẻ làm bậy, nói dối mà cứ nói là mình trung thành, những kẻ này rất đáng sợ vì nó phá hoại từ trong phá ra”.
Một trong những trích đoạn tái hiện lại “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” do Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh thể hiện.
Thực trạng của việc lừa dối, cơ hội, chạy chọt trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra có tính phổ biến mà xã hội đã lên án, Đảng ta đã biết, đang từng bước đẩy lùi và ngăn chặn. Biểu hiện của bất liêm, thiếu trung thực, giả dối ở nhiều dạng khác nhau. Đó là các kiểu, các loại “chạy”, “mua”, báo cáo thiếu trung thực, khoa trương, tô vẽ thành tích, xu nịnh, “nói một đằng làm một nẻo”… Nguy hại là kẻ cơ hội; mà đã là cơ hội thì “lèo lá”, tìm mọi cách để đạt được mục đích của mình. Trong các loại cơ hội, cần hết sức cảnh giác với cơ hội chính trị. Với loại cơ hội này, họ luôn dùng vỏ bọc để che đậy bản chất bên trong đen tối của sự thiếu trung thực với chế độ, với Đảng.
Để cho sự thiếu trung thực và lừa dối có đất hoành hành một phần là do “cơ chế xin, cho”, do quy định về quản lý cán bộ, quản lý kinh tế, quản lý xã hội chưa thật chặt chẽ, thiếu minh bạch, còn kẽ hở… điều này cần được bổ cứu, khắc phục. Nhưng điều quan trọng nhất là người cán bộ, đảng viên phải thấy hết trách nhiệm của mình, phải tự đấu tranh, tự phê bình để vượt lên chính mình, tự rèn luyện, tự soi, tự sửa đối với bản thân.
Thấm nhuần lời dạy của người, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh đang ra sức thi đua xây dựng Thành Sen ngày càng giàu đẹp, văn minh (ảnh: Thanh Hải).
Trong Quy định 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của BCH Trung ương về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH Trung ương” có nội dung “nêu gương tính trung thực”. Điều này cần được quy định sâu sát và nghiêm túc trong đánh giá cán bộ gắn với việc bầu cử cấp ủy đại hội Đảng.
Nghiêm túc thực hiện quy định về trách nhiệm nêu gương, về những điều đảng viên không được làm, thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao một cách thực chất. Cán bộ, đảng viên phải trung thành với Đảng, với Tổ quốc; phải sống hết lòng vì dân; chân thành, thẳng thắn với đồng chí, đồng nghiệp; nêu gương tốt về mọi mặt, trước tiên là phẩm chất đạo đức trong sáng, không tham vọng, không đố kỵ; sống thủy chung trọn nghĩa, trọn tình, đàng hoàng, thanh liêm, chính trực như Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên căn dặn.