Theo ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Giám đốc Sở Tư pháp, việc nâng cao năng lực về pháp luật thông qua hình thức hỗ trợ pháp lý cho DN có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần ổn định sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh... của các DN trên địa bàn tỉnh với các DN trong nước và quốc tế. Và, điều này đã được Chính phủ cụ thể hóa bằng Nghị định 66/2008/NĐ - CP về “Hỗ trợ pháp lý cho DN”. Thực hiện nghị định trên, ngày 6/4/2011, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 05/2011 quy định về hỗ trợ pháp lý cho DN trên địa bàn. Quyết định này quy định rõ hình thức và nội dung hỗ trợ cho DN, bao gồm: xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu pháp luật; xây dựng tài liệu, giới thiệu, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật; bồi dưỡng kiến thức pháp luật; giải đáp, tiếp nhận kiến nghị của DN.
Hải quan Hà Tĩnh tổ chức đối thoại với DN để giải đáp những khó khăn, vướng mắc. |
Không chỉ vậy, Quyết định 05/2011 của UBND tỉnh còn tiến xa thêm một bước so với Nghị định 66/2008/NĐ - CP của Chính phủ, là: giúp các DN tiếp cận các dịch vụ pháp lý. Tức là, trong quá trình giải quyết các công việc cụ thể liên quan đến quá trình hoạt động SXKD của DN, khi DN có yêu cầu, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện có trách nhiệm giới thiệu cho DN tiếp cận các dịch vụ pháp lý như: luật sư, tư vấn pháp luật, trọng tài thương mại... để được tư vấn, giải quyết những vướng mắc pháp lý.
“Nắm được vai trò quan trọng của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), trong đó có chỉ số dịch vụ hỗ trợ pháp lý DN đối với việc cải thiện môi trường đầu tư cho DN, tạo đà cho sự phát triển KT-XH của tỉnh, ngày 4/4/2012, UBND tỉnh đã ban hành chương trình hành động nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2012-2015. Chương trình nhấn mạnh: đổi mới chính sách phát triển DN và các thành phần kinh tế khác; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, trợ giúp cho DN sản xuất, kinh doanh có hiệu quả; tạo sự thân thiện và hài lòng của DN đối với các cơ quan quản lý nhà nước...”, ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Giám đốc Sở Tư pháp, cho biết thêm.
Để thực hiện các thể chế trên, trong những năm qua, các cơ quan nhà nước trên địa bàn, như: Sở Tư pháp, Tòa án, Sở Công thương, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Cục Thuế..., UBND cấp huyện, Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Tĩnh... đã có nhiều hình thức, nội dung hoạt động nhằm đưa công tác hỗ trợ pháp lý cho DN ngày càng đi vào nền nếp, phát huy tốt hiệu quả...
Những nỗ lực trên đã được giới DN trên địa bàn ghi nhận và đánh giá cao. Tham luận do đại diện Tập đoàn Phú Tài Đức trình bày tại buổi tọa đàm trao đổi về kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho DN vừa được Sở Tư pháp tổ chức đã khẳng định: với những hình thức (và nội dung - PV) hỗ trợ đa dạng đã góp phần định hướng, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, giúp DN hoạt động và phát triển dựa trên một nền tảng pháp lý ổn định, chắc chắn, bền vững, lâu dài. Với sự hỗ trợ từ phía cơ quan có thẩm quyền, DN chúng tôi yên tâm hơn về tính pháp lý trong mỗi hoạt động của mình, hạn chế được tình trạng vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết... Có thể khẳng định rằng, với chương trình hỗ trợ pháp lý này, mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước và DN đã được cải thiện đáng kể...
PGS.TS Hoàng Phức Hiệp - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Quốc tế - Bộ Tư pháp (người thứ 2 bên phải) giải đáp những thắc mắc về pháp lý cho một số DN Hà Tĩnh. |
Tuy nhiên, trên thực tế, theo đánh giá của ngành Tư pháp, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hỗ trợ pháp lý cho DN trên địa bàn thời gian qua cũng lộ rõ những khó khăn, hạn chế cần khắc phục. Điều dễ nhận thấy đầu tiên là số lượng cán bộ làm công tác này tại Sở Tư pháp cũng như đội ngũ cán bộ pháp chế tại các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các huyện, thị còn mỏng, phần lớn kiêm nhiệm, năng lực còn hạn chế nên chưa có sự phối hợp tốt trong việc khai thác các hoạt động. Số lượng các tổ chức, cá nhân thực hiện các dịch vụ pháp lý như: luật sư, tư vấn pháp luật... trên địa bàn Hà Tĩnh còn ít, chất lượng dịch vụ chưa cao, do đó, việc tư vấn, giải quyết những vướng mắc pháp lý cho DN chưa phát huy được hiệu quả. Thực tế còn cho thấy, hình thức hỗ trợ pháp lý cho DN thời gian qua chưa đa dạng; chương trình tập huấn cho đội ngũ làm công tác pháp chế ở cơ quan nhà nước và DN các cấp còn ít, nội dung chưa phong phú, chưa kịp thời nên triển khai các nhiệm vụ theo Nghị định 66/2008 của Chính phủ chưa đồng bộ.
Bên cạnh nguồn kinh phí rất hạn hẹp của Bộ Tư pháp, cấp tỉnh, cấp huyện cũng chưa bố trí nguồn kinh phí riêng cho hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN nên khi triển khai gặp rất nhiều khó khăn.
Thực tiễn cho thấy, các DN trên địa bàn chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, nhận thức của các chủ DN về các quy định của pháp luật chưa cao, nhiều DN chưa nắm bắt được các lợi ích khi tham gia các tổ chức trợ giúp pháp lý; phần lớn các DN chưa bố trí cán bộ phụ trách công tác pháp chế để giúp DN thực thi pháp luật; hoặc có thì cũng thường kiêm nhiệm, chưa được đào tạo bài bản, do đó, việc tiếp cận và hiểu các văn bản pháp luật rất khó khăn, hạn chế...
Những hạn chế, khó khăn trên đã khiến cho công tác hỗ trợ pháp lý cho DN trên địa bàn Hà Tĩnh trong thời gian qua chưa đạt được kết quả như mong muốn, dù đã có những cố gắng nhất định. Chỉ có sự chung tay từ cả 2 phía mới giải quyết được thực trạng trên.