Con đường “không trải hoa hồng”…
Ông Nguyễn Hạnh Phúc - Giám đốc Công ty CP Tư vấn XD Gama Miền Trung (TP Hà Tĩnh), vừa “thử sức” thêm ở lĩnh vực kinh doanh hoa quả nhập khẩu cách đây ít tháng. Thế nhưng, để đi đến quyết định này, vị giám đốc trẻ phải mất không ít thời gian tìm hiểu thị trường, nguồn hàng, hồ sơ thủ tục pháp lý cho loại hàng hóa hoa quả nhập khẩu.
Ông Phúc cho biết: “Thị trường Hà Tĩnh khá hẹp, nếu nhập trực tiếp từ nước ngoài sẽ đội giá thành rất cao, hơn nữa, nguồn hàng không tiêu thụ kịp sẽ gây tổn thất lớn cho người kinh doanh. Nhằm đáp ứng nguồn hàng chất lượng, chúng tôi đã kết nối nhập hàng từ 2 đầu mối nhập khẩu lớn nhất Việt Nam hiện nay là Công ty CP Vfood Việt Nam (Vfood) và Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư K.L.E.V. E (Klever Fruits). Từ đây, nguồn hàng phân phối về theo đường chính ngạch, có hóa đơn chứng từ đầy đủ”.
Hoa quả nhập khẩu phải được bảo quản đúng cách.
Thế nhưng, tìm đúng hướng đi là một chuyện, “vững tâm” để theo tiêu chí mình đã chọn còn đòi hỏi bản lĩnh của người kinh doanh giữa thị trường “vàng thau lẫn lộn”. Trước hết, chính thị trường nhỏ lẻ như Hà Tĩnh là điều kiện cho các loại hoa quả “đội lốt” nhập khẩu có “đất sống”. Thường thì, các chủ cơ sở “vin” vào việc lấy hàng theo nguồn bán lẻ nên các giấy tờ cũng “nhập nhằng”, xuất ra từ rất nhiều đại lý, nhiều loại hàng nguồn gốc khác nhau. Khi cơ quan quản lý thị trường hỏi thì chỉ cần trình xuất hóa đơn lẻ của đơn vị nhập hàng trong nước mà không biết hóa đơn gốc nhập khẩu ở đâu. Tất nhiên, các nguồn hàng này sẽ “đánh bật” loại “chính ngạch” về giá.
Trên thực tế, không ít doanh nghiệp nhìn thấy tiềm lực “vàng” của hoa quả nhập khẩu, thế nhưng, sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường thiếu lành mạnh đã “nhấn chìm” không biết bao nhiêu ý tưởng.
Chị N.T.M - một chủ cửa hàng đã từng kinh doanh hoa quả nhập khẩu tại TP Hà Tĩnh cho biết: “Thị trường “bát nháo”, sự quản lý lỏng lẻo, cơ sở pháp lý chưa hoàn thiện không thể bảo vệ được cơ sở làm ăn chân chính và người tiêu dùng”.
Quản lý thị trường: Khó kiểm soát
Qua tìm hiểu, nguồn nhập khẩu vào thị trường Hà Tĩnh theo 2 đường chính: Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và Vũng Áng. Tuy nhiên, cũng theo cơ quan hải quan, chủ yếu hoa quả có xuất xứ Thái Lan là chính chứ nguồn gốc tại châu Âu thì gần như không có. Nhiều năm nay, số lượng hoa quả nhập khẩu thông quan tại 2 cửa khẩu này giảm trông thấy. Trong khi đó, số lượng chuyển hàng nhiều nhất là tại các sân bay thì đang “ngoài tầm kiểm soát” đối với các cơ quan chức năng trong tỉnh.
Táo, lê không nhãn mác, không rõ nguồn gốc được bày bán tràn lan ở chợ thành phố Hà Tĩnh.
Theo ông Phan Văn Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Sở NN&PTNT) thì muốn xác định có đúng sản phẩm nhập ngoại hay không thì phải kiểm tra giấy tờ, chứng nhận, thậm chí truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa thực hiện được việc bắt buộc phải có chứng nhận nguồn gốc đối với hoa quả nhập khẩu. Do đó, mặc dù đã có quy định nhưng không phải lúc nào cũng kiểm soát được. Trong khi nhìn bằng mắt thường thì không thể biết đâu là táo Mỹ, New Zealand, Trung Quốc cũng như chất lượng có đảm bảo hay không.
Ông Nguyễn Đình Khoa - Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 (Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường) cho hay: Tem nhãn chỉ có một nhiệm vụ là công bố những thông tin về sản phẩm đến người dùng, không có chức năng chống giả về mặt pháp lý. Hiện vẫn chưa có quy định nào về quản lý cụ thể việc in ấn tem nhãn, in mã vạch dán lên sản phẩm. Doanh nghiệp có thể tự in hoặc đặt công ty in ấn theo yêu cầu. Vì vậy, căn cứ vào mã vạch hay tem nhãn thôi thì chưa đủ để giúp người tiêu dùng thật sự phân biệt 100% nguồn gốc, xuất xứ chính xác của sản phẩm mà còn cần kết nối những công nghệ bảo mật tiên tiến khác”.