“Hội chứng Việt Nam” trong lòng nước Mỹ sau Tết Mậu Thân 1968

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân đã tạo ra “hội chứng Việt Nam” trong lòng nhiều thế hệ người Mỹ và cả trong lịch sử nước Mỹ hiện đại.

Sau hai mùa khô (1965-1966 và 1966-1967), Mỹ tưởng đã xua được quân giải phóng lên rừng, kê cao gối nằm ngủ, ngờ đâu, Tết Mậu Thân năm 1968, quân giải phóng từ đâu “mọc lên”, đồng loạt tiến công vào tất cả các thành phố, thị xã của Chính quyền Sài Gòn vừa mới yên ổn ít lâu sau khi lập Đệ nhị Cộng hòa của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.

Truyền thông thế giới đưa những hình ảnh chết chóc của lính Mỹ trên chiến trường Nam Việt về tận gia đình bên Mỹ tạo nên cú sốc tinh thần rất lớn, trước hết, trong những gia đình có con em họ đang thực thi sứ mạng công dân Mỹ, sau đó lan nhanh trong xã hội Mỹ tạo thành chấn động tâm lý trong lòng nước Mỹ. Cuộc tổng tiến công và nổi dây Tết Mậu Thân đã tác động tới nước Mỹ trên 3 phương diện chính:

Làm rung động tâm lý và làm tê liệt nền kinh tế Mỹ, tạo “Hội chứng chiến tranh Việt Nam”

Trước Tết Mậu Thân, Mỹ mới hoài nghi về cuộc chiến ở Việt Nam và họ, trong chừng mực nào đó, còn hy vọng vào chiến thắng. Sau Mậu Thân, thay vào đó, là sự phẫn nộ, giận dữ, sau đó là thất vọng. Nước Mỹ sau năm 1968 thực sự là một bức tranh ảm đạm. Một người Mỹ đã nói: “Tôi không nhớ có thời nào mà người Mỹ lại u sầu, chán nản và hỗn loạn đến thế, có sự chia rẽ, thiếu tin tưởng và thù ghét đến thế”.

“Cuộc tổng tiến công Mậu Thân cho người dân Mỹ thấy một sự thật là cuộc chiến này thực sự không hề có chiều hướng dịu xuống, không hề có chút ánh sáng nào ở cuối đường hầm và người ta bắt đầu chú ý nhiều tới nó. Thêm vào đó, những người lính tình nguyện Mỹ bắt đầu phản đối chiến tranh, kể cả những người đang ở Việt Nam. Họ viết thư về nhà, họ thực sự công khai phản đối chiến tranh. Nó cứ thế lớn dần lên, lớn dần lên” - Don Luce, phóng viên báo Washington Post.

hoi chung viet nam trong long nuoc my sau tet mau than 1968

Năm 1968, một nhóm nữ sinh của Đại học California - Berkeley (Mỹ) biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam. (Ảnh: History.com)

Từ năm 1965 khi lính Mỹ nhảy vào Việt Nam trực tiếp tham chiến, bằng nhiều hình thức, nhân dân Mỹ đã biểu lộ sự phản chiến của mình như trốn lính, đốt thẻ quân dịch mà đỉnh cao là tự thiêu. Người Việt Nam sống ở thời điểm đó có lẽ không bao giờ quên hình ảnh anh Norman Morrison, một thầy giáo dạy Thần học trong trường phổ thông, có vợ và 2 con gái, trong một lần bế con gái Emily đi chơi, đặt con lại bên lề đường và tưới xăng, châm lửa tự thiêu ngay trước cửa Lầu Năm Góc ở Thủ đô Washington DC. Hành động này đã làm bùng lên phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam đã từ lâu âm ỉ trong lòng nước Mỹ.

Trong Hồi ký của mình, M. Namara đã thừa nhận: “Cái chết của Morrison không chỉ là bi kịch của gia đình anh ta, mà còn cả cho tôi và nước Mỹ. Đó là một tiếng kêu gào chống lại những chết chóc đang hủy hoại cuộc đời của những người Mỹ và người Việt”.

Dick Hughes, diễn viên Mỹ, là 1 trong 16 triệu thanh niên Mỹ đốt thẻ quân dịch. Ông phải đối mặt với án tù 5 năm cho quyết định này. Vài tháng sau đó, ông quyết định một mình sang Sài Gòn và tự tìm hiểu xem chuyện gì đang diễn ra ở đây. “Cuộc chiến này đã luôn ám ảnh trong tâm trí tôi. Trên tivi, chúng tôi luôn nhìn thấy những trận đánh, những xác người chết và những gì đang diễn ra thật khủng khiếp tại Việt Nam. Tôi quyết định tự mình phải làm một điều gì đó cho Việt Nam. Thế là tôi tự đến Việt Nam và làm công tác xã hội”- Hughes kể.

Cuộc đời của Dick Hughes và rất nhiều người Mỹ khác đã thay đổi từ sự kiện Tết Mậu Thân.

Trong cơn ác mộng hậu Mậu Thân, tình hình nước Mỹ trở nên hỗn loạn chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ. Phong trào phản chiến diễn ra rầm rộ, sôi nổi trong quần chúng nhân dân ở Mỹ. Những cuộc biểu tình, đình công của hàng ngàn vạn công nhân làm đình trệ nền kinh tế.

Đầu tháng 10/1969, khắp nước Mỹ dấy lên những đợt đấu tranh lớn gọi là “Ngày hành động” làm tê liệt nước Mỹ. Báo chí Mỹ gọi các cuộc đấu tranh đó là “lương tâm người Mỹ nổi giận”, và đã nhận định “cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam là cuộc chiến không được lòng người nhất trong lịch sử Hoa Kỳ”.

Cuộc đấu tranh của sinh viên cũng không kém phần gay gắt. Phong trào sinh viên phản chiến (SDS) khi năm học mới bắt đầu vào mùa Thu năm 1968 đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ. Trong buổi họp đầu tiên của tổ chức SDS có 400 sinh viên Đại học Harvard, 500 sinh viên Đại học Texas, 800 sinh viên Đại học Wisconsin tham gia. Đỉnh điểm là cuộc biểu tình của sinh viên trường Đại học Kent State diễn ra vào ngày 4/5/1970 tại bang Ohio. Trong sự căng thẳng tột độ, lực lượng vệ binh quốc gia đã xả súng vào hàng ngàn sinh viên trong khuôn viên trường đại học, khiến 4 sinh viên thiệt mạng và 9 người khác bị thương. Ngọn lửa phản chiến bùng lên dữ dội hơn bao giờ hết, trở thành một cuộc chiến thực sự, một cuộc đối đầu giữa chính quyền và nhân dân Mỹ ngay trong lòng nước Mỹ, đẩy quốc gia này vào sự chia rẽ sâu sắc chưa từng có. Máu của người Mỹ đã đổ không chỉ trên chiến trường Việt Nam, mà cả ở hậu phương nước Mỹ.

Trong binh lính Mỹ, tư tưởng “thà chịu bị phạt tù chứ không chịu sang tham chiến tại Việt Nam” lan rộng. Ngày càng có nhiều binh lính Mỹ đào ngũ. Tướng Robert D. Heinl nhận xét về tình hình lính Mỹ ở Việt Nam: “Chưa bao giờ đạo đức, kỷ luật và giá trị chiến đấu của quân đội Mỹ, trừ một vài ngoại lệ, lại xuống thấp và tồi tệ đến thế trong thế kỷ này và có lẽ trong cả lịch sử nước Mỹ”.

hoi chung viet nam trong long nuoc my sau tet mau than 1968

Tổng thống Mỹ Johnson gặp Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara và các cố vấn sau cuộc tiến công Tết Mậu Thân (Ảnh: History.com)

Buộc Tổng thống Johnson chấp nhận “phi Mỹ hóa” và xuống thang chiến tranh

Truyền thông Mỹ đã nhận ra sự thật và nói thẳng “chúng ta đã thua”. Sự nói “toạc móng heo” của giới truyền thông Mỹ đã làm tăng thêm không khí ảm đạm của nước Mỹ và bầu không khí ảm đạm phủ khắp toàn nước Mỹ ấy đã tràn vào Nhà Trắng, buộc Chính quyền Johnson phải lựa chọn một trong hai giải pháp:

- Tăng thêm quân cho chiến trường Nam Việt Nam theo yêu cầu của Tướng Westmoreland, tiếp tục ném bom xuống miền Bắc.

- Rút quân khỏi Nam Việt Nam, ngừng ném bom miền Bắc, đi đến thương lượng với Hà Nội.

Cuối năm 1967, Johnson vẫn tin rằng Mỹ có thể kết thúc chiến tranh và rút quân khỏi Việt Nam bằng một thắng lợi quân sự cuối cùng như Tướng Westmoreland đã tuyên bố trước một phiên họp của Liên nghị viện Mỹ (11/1967). Hai tháng sau Tết Mậu Thân đã có sự chuyển hướng trong nội bộ chính quyền. Nhiều cố vấn cao cấp Mỹ ngả sang chủ trương thương lượng để kết thúc chiến tranh. Ngày 18/3 tại Hạ viện Mỹ, 139 người (89 Nghị sĩ Đảng Đân chủ và 41 Nghị sĩ Đảng Cộng hòa của Tổng thống Johnson) đã ra Nghị quyết yêu cầu Quốc hội Mỹ xét lại toàn bộ chính sách của Mỹ ở Nam Việt Nam.

Rõ ràng, cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân đã làm thay đổi thái độ của phần lớn Nghị sĩ trong Quốc hội Mỹ đối với cuộc chiến tranh Việt Nam. Cuối cùng, Tổng thống Mỹ Johnson buộc phải chọn giải pháp thứ hai. Điều đó được thể hiện rõ trong Diễn văn đọc trước công chúng Mỹ ngày 31/3/1968:

- Ném bom hạn chế miền Bắc;

- Không ra tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ 2;

- Sẵn sàng đàm phán với Chính phủ Việt Nam để đi đến kết thúc chiến tranh.

Thực sự, cuộc tổng tiến công và nổi dây Tết Mậu Thân đã đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc phải xuống thang và ngồi vào bàn đàm phán với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sau nhiều cuộc tiếp xúc bí mật của Chính quyền Mỹ, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra tuyên bố “sẽ cử đại diện tiếp xúc với đại diên Mỹ”. Ngày 13/5/1968, cuộc đàm phán giữa phái đoàn Việt Nam do ông Xuân Thủy dẫn đầu và phái đoàn Mỹ do ông Averell Harriman lãnh đạo đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Kle’ber, Paris, mở ra thời kỳ “đánh và đàn” lâu nhất trong lịch sử Việt Nam từ tháng 5/1968 đến tháng 2/1973.

Tác động tới việc hoạch định chiến lược mới của Tổng thống Nixon

Ngày 20/1/1969, Nixon chính thức nhậm chức Tổng thống, tiếp quản Nhà Trắng. Trên cương vị mới, ông đã thừa nhận: “Cuộc chiến tranh Việt Nam đã gây ra sự căng thẳng gay gắt với nước Mỹ không riêng về kinh tế, quân sự mà cả xã hội cũng như chính trị. Sự bất đồng gay gắt đã xé nát cơ cấu đời sống tinh thần của nước Mỹ và bất kể kết quả chính trị như thế nào, vết “xé rách” còn lâu mới lành”.

Những khó khăn trong nước và sự thất bại trên thế giới đã làm cho địa vị của Mỹ trên trường quốc tế suy giảm. Trước tình hình đó, Chính quyền Nixon chủ trương điều chỉnh chiến lược toàn cầu và chính sách chiến tranh ở Nam Việt Nam. Chiến lược toàn cầu mới của Mỹ ra đời mang tên “Học thuyết Nixon” và vận dụng vào miền Nam là “Việt Nam hóa chiến tranh” gồm 2 kịch bản:

- Nhanh chóng và dứt khoát thương thuyết giải quyết cuộc chiến cho các phe tham chiến.

- Dần dần trao lại trách nhiệm phòng thủ cho người miền Nam Việt Nam, do đó giảm thiểu sự can thiệp của Hoa Kỳ.

Và hơn cả, cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân đã tạo ra một “hội chứng Việt Nam” luôn hiện hữu trong lòng nhiều thế hệ người Mỹ và cả trong lịch sử nước Mỹ hiện đại./.

PGS.TS Phạm Xanh

Nguyên giảng viên Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG Hà Nội

Nguồn: VOV

Đọc thêm

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh “Hai Mạnh” – Đại tướng Chu Huy Mân là nhớ về những kỷ niệm mãi ấm lòng trong những năm tháng được sống gần ông.
Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Ngày 22/12/1972, Đại đội 1, Tiểu đoàn 48 bộ đội địa phương Hà Tĩnh đã táo bạo tấn công vào sân bay Pha Hom (sân bay dã chiến) thuộc vùng núi phía bắc huyện Mường Mày, tỉnh Bolikhămxay (Lào) và giành thắng lợi vang dội. Là Chính trị viên phó đại đội trực tiếp tham gia chiến đấu, tôi ghi lại chiến công này nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

UAV BXL.01 là loại cánh quạt chiến đấu cảm tử có khối lượng cất cánh tối đa 10kg, mang khối lượng đầu nổ 1,2kg, trần bay 1.000m, tốc độ bay 100-120km/h và hoạt động cự ly 10km do Việt Nam sản xuất.
Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Chương trình “Tiết học biên cương” do Đồn Biên phòng Lạch Kèn phối hợp với trường học ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) góp phần bồi đắp cho các em học sinh tình yêu quê hương, đất nước, ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.