Theo ước tính sơ bộ, chỉ trong những tuần đầu hè 2025, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã ghi nhận gần 10 trường hợp trẻ em tử vong do đuối nước.
Những con số đau lòng này không chỉ khiến dư luận bàng hoàng, mà còn gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về sự thiếu an toàn trong môi trường sinh hoạt mùa hè của trẻ.

Vào thời điểm phục vụ tưới tiêu, kênh Ngàn Trươi có dòng chảy mạnh, 2 bên thành kênh không có điểm để bám víu.
Với đặc thù địa lý có nhiều ao hồ, sông ngòi, cộng với thời tiết nắng nóng gay gắt, trẻ em tại Hà Tĩnh thường tìm đến các khu vực tự nhiên để tắm mát. Tuy nhiên, phần lớn các điểm này đều không có hệ thống cảnh báo nguy hiểm, thiếu người giám sát và đặc biệt là không được quy hoạch an toàn. Việc một số trẻ em chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng bơi lội và xử lý tình huống dưới nước càng khiến nguy cơ đuối nước gia tăng.
Bên cạnh đó, ý thức của một bộ phận phụ huynh và cộng đồng vẫn còn hạn chế. Không ít gia đình cho phép con em tự do vui chơi ngoài trời mà không có sự giám sát thường xuyên. Trong nhiều trường hợp, tai nạn xảy ra chỉ trong vài phút khi người lớn lơ là hoặc vắng mặt.

Không khí tang thương bao trùm lên gia đình em N.H.Q
Dưới bầu không khí tang thương, gia đình em N.H.Q. (SN 2013, thôn Làng Hội, xã Trường Lưu) vẫn chưa nguôi nỗi bàng hoàng trước sự ra đi đầy xót xa của em.
“Sáng sớm hôm ấy (2/7), Q. cùng hai người bạn rủ nhau đi chơi dọc kênh Ngàn Trươi, đoạn chảy qua xã Trường Lưu. Sau khi hái sen, các em rủ nhau xuống kênh tắm. Trong lúc nô đùa, Q. không may trượt vào vùng nước sâu và bị dòng chảy cuốn đi. Hai người bạn hoảng hốt, một em cố ở lại tìm cách cứu bạn, em kia chạy đi gọi người lớn. Nhưng khu vực lúc đó vắng vẻ, không có ai qua lại, khi người lớn phát hiện ra thì mọi chuyện đã quá muộn”, ông Nguyễn Sỹ Tài – Trưởng thôn Làng Hội cho biết.

Tại xã Đức Đồng, người dân địa phương vẫn còn chưa hết bàng hoàng trước sự việc hai anh em ruột đuối nước khi cứu nhau dưới kênh Ngàn Trươi. Theo đó, Khoảng 17h ngày 28/6, em N.T.B (12 tuổi) chở em trai là N.T.A.K. (4 tuổi) đi chơi bằng xe đạp trên tuyến đê thuộc xã Đức Đồng (Hà Tĩnh). Khi đến kênh Ngàn Trươi chảy qua địa bàn, A.K. xuống bậc nước để rửa chân thì không may trượt ngã và bị nước cuốn trôi.
Phát hiện em gặp nạn, N.T.B. lập tức lao xuống cứu nhưng cũng bị cuốn theo dòng nước dẫn đến cả hai anh em mất tích. Lực lượng chức năng sau đó phối hợp với đơn vị quản lý vận hành kênh Ngàn Trươi đóng cống, tổ chức tìm kiếm. Đến khoảng 20h30 cùng ngày, thi thể hai anh em được tìm thấy tại cống Rú Mịn, xã Đức Đồng, cách hiện trường hơn 1km.
“Thời điểm các cháu gặp nạn, nước trong kênh dâng cao do đang bơm phục vụ tưới tiêu nên chảy rất mạnh. Thành kênh không có chỗ bám hay lên xuống, một khi trượt chân là rất khó thoát ra. Đáng tiếc là lúc đó khu vực này vắng người, sự việc xảy ra quá nhanh nên người dân không thể ứng cứu kịp. Không ai ngờ một buổi đi chơi bình thường lại thành thảm kịch như vậy”, ông Trần Trọng Thọ - thôn Thanh Phúc (xã Đức Đồng) chia sẻ.

Người dân địa phương hỗ trợ vớt thi thể 2 anh em ruột bị đuối nước ở xã Đức Đồng vào đêm 28/6.
“Kênh Ngàn Trươi có nhiều đoạn nước sâu, chảy xiết, thành kênh dốc đứng và không có điểm bám, rất nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Đáng lo ngại, các phương tiện cứu hộ như phao, dây thừng, lốp xe được đặt tại các điểm nguy hiểm thường xuyên bị mất cắp hoặc hư hỏng khiến công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn khi cần thiết.
Vì vậy, địa phương sẽ có sự hỗ trợ chặt chẽ hơn trong việc lắp đặt các thiết bị cứu hộ cố định, đồng thời tăng cường quản lý, giám sát tại các điểm nguy hiểm. Chúng tôi cũng đang xây dựng cơ chế phối hợp giữa chính quyền, thôn xóm và người dân nhằm bảo vệ tài sản chung và nâng cao ý thức phòng tránh tai nạn đuối nước”, ông Bùi Việt Thắng – Phó Chủ tịch UBND xã Đức Đồng cho biết.




Vào khoảng 14h30 ngày 17/5, em N.M.H. cùng nhóm bạn đến chơi tại khu vực bờ sông Lam (thuộc thôn 1, xã Nghi Xuân), cách nhà khoảng 1 km. Trong lúc tắm sông, em H. không may bị đuối nước. Phát hiện sự việc, nhóm bạn đã nhanh chóng lên bờ gọi người dân đến ứng cứu, tuy nhiên em H. đã bị nước cuốn trôi. Ngay sau khi nhận được tin báo, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng công an cùng người dân tổ chức tìm kiếm, đồng thời phía gia đình cũng thuê thợ lặn để hỗ trợ công tác cứu hộ.
Trước đó chỉ hai ngày, vào khoảng 16h45 ngày 15/5, tại khu vực Khe Ngang (thuộc thôn Hưng Thắng, xã Cẩm Hưng), một nhóm trẻ đạp xe đến chơi và xuống suối tắm. Trong quá trình tắm, hai em nhỏ là C.T.K.O. (học lớp 2) và T.Đ.D. (học sinh lớp 6) đã bị đuối nước và tử vong thương tâm. Đáng chú ý, khu vực Khe Ngang trước đây đã từng xảy ra tai nạn tương tự. Chính quyền địa phương đã nhiều lần phát cảnh báo qua hệ thống loa truyền thanh và cắm biển cảnh báo nguy hiểm, tuy nhiên tai nạn vẫn tiếp diễn.
Những cái chết thương tâm do đuối nước không chỉ là nỗi đau của từng gia đình mà còn là hồi chuông báo động cho toàn xã hội. Mỗi sinh mạng trẻ thơ ra đi là một lời nhắc nhở về trách nhiệm không của người lớn. Để mùa hè là mùa vui của trẻ, các cấp chính quyền, nhà trường, gia đình và cộng đồng cần sớm vào cuộc một cách quyết liệt, đồng bộ và bền vững, từ việc phổ cập kỹ năng bơi lội, tăng cường giám sát, đến hoàn thiện cơ sở vật chất an toàn tại các điểm có nguy cơ cao.
Tình trạng đuối nước ở trẻ em từ đầu năm đến nay đang diễn biến hết sức đáng lo ngại, trở thành một vấn đề cần được quan tâm đặc biệt trong dịp hè. Nhận thức rõ mức độ nghiêm trọng của thực trạng này, Sở Y tế xác định đây là một trong những nội dung trọng tâm trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe trẻ em.
Để tránh những sự việc thương tâm trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở GD&ĐT, đoàn thanh niên cơ sở và chính quyền địa phương triển khai đồng bộ một số giải pháp cụ thể. Trong đó, chúng tôi đặc biệt nhấn mạnh việc tổ chức các lớp học bơi và trang bị kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ, ưu tiên ở các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng có nhiều ao hồ, kênh rạch. Ngoài ra, kiến nghị lắp đặt hệ thống biển cảnh báo tại các điểm nguy hiểm, bổ sung thiết bị cứu hộ cố định như phao, dây thừng tại các kênh mương lớn, đồng thời tăng cường truyền thông trong cộng đồng.