Hội đồng hương Hà Tĩnh với hành trình kết nối đưa công dân từ các tỉnh, thành phía Nam về quê

(Baohatinh.vn) - Để 814 công dân Hà Tĩnh làm ăn xa nhà trở về quê trước ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 có sự hỗ trợ, kết nối rất quan trọng từ Hội đồng hương Hà Tĩnh tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

Hội đồng hương Hà Tĩnh với hành trình kết nối đưa công dân từ các tỉnh, thành phía Nam về quê

814 công dân Hà Tĩnh xa quê trên chuyến tàu hồi hương.

Lúc này, chuyến tàu SE14 chở 814 hành khách là công dân Hà Tĩnh sinh sống, làm việc, học tập ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam gặp khó khăn bởi dịch bệnh COVID-19 đang trên đường về Hà Tĩnh.

Tàu SE14 xuất bến tại Ga Sài Gòn (phường 9, quận 3, TP Hồ Chí Minh) vào lúc 20h45p tối 24/7 và dự kiến về đến Ga Yên Trung (Đức Thọ) lúc 5h sáng ngày 26/7. Trước khi dừng ở Ga Yên Trung, tàu sẽ ghé Ga Hương Phố (Hương Khê) để công dân 2 huyện Hương Khê và Vũ Quang xuống.

Ga Sài Gòn - chiều 24/7 là mốc thời gian khó quên nhất với bà con Hà Tĩnh làm ăn xa quê. Trên chuyến tàu Bắc – Nam mang số hiệu SE14 mà nhiều người còn gọi thân thương là “chuyến tàu nghĩa tình” có 814 hành khách đều về cùng một địa chỉ - Hà Tĩnh.

Hội đồng hương Hà Tĩnh với hành trình kết nối đưa công dân từ các tỉnh, thành phía Nam về quê

Ga Sài Gòn - chiều 24/7 là mốc thời gian khó quên nhất với nhiều người Hà Tĩnh.

Không nằm ngoài “vòng xoáy” của đại dịch COVID-19, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương hiện đang ở trong giai đoạn khó khăn khi dịch bệnh lại tiếp tục bùng phát, lây lan nhanh trên diện rộng. Đặc biệt là tại TP Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày ghi nhận hàng nghìn ca dương tính với COVID-19.

Chính quyền TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Cuộc sống của người dân tại các địa phương này, trong đó có công dân Hà Tĩnh hiện đang gặp nhiều khó khăn khi công việc ngưng trệ.

Hội đồng hương Hà Tĩnh với hành trình kết nối đưa công dân từ các tỉnh, thành phía Nam về quê

Tại Ga Sài Gòn, công dân các địa phương tập trung ở khu vực đã được thông báo và hướng dẫn từ Hội đồng hương.

Chủ tịch Hội đồng hương Hà Tĩnh tại TP Hồ Chí Minh Phan Xuân Biên cho hay: Trước sự lo lắng của con em Hà Tĩnh khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường và mong muốn hỗ trợ TP Hồ Chí Minh, các tỉnh lân cận giảm bớt áp lực trong phòng chống dịch bệnh, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có chủ trương đón công dân về quê.

“Đây phần lớn là công nhân, lao động tự do, làm việc thời vụ hoặc người lớn tuổi vào thăm người thân, học sinh vào chơi... Việc Hà Tĩnh quyết định đón con em về quê là rất nhân văn, kịp thời” - ông Phan Xuân Biên chia sẻ.

Hội đồng hương Hà Tĩnh với hành trình kết nối đưa công dân từ các tỉnh, thành phía Nam về quê

Công dân Hà Tĩnh ra Ga Sài Gòn làm thủ tục trước lúc lên tàu.

Tuy nhiên, đây là sự kiện “chưa từng có tiền lệ” nên đã gặp không ít khó khăn khi triển khai, nhất là việc TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19.

Trong hoàn cảnh ngặt nghèo đó, HĐH Hà Tĩnh là đầu mối duy nhất kết nối giữa các ban, ngành của tỉnh với bà con xa quê. Hà Tĩnh sau đó cũng nhanh chóng thành lập tổ công tác, duy trì kết nối với HĐH lên phương án đón công dân về quê.

“Số lượng người mong muốn về quê khá lớn, nên đưa người nào về trước là việc rất khó khăn. Qua bàn bạc với tỉnh, chúng tôi thống nhất là những trường hợp gia đình có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, không nghề nghiệp sẽ được ưu tiên về trước” - ông Phan Xuân Biên thông tin.

Hội đồng hương Hà Tĩnh với hành trình kết nối đưa công dân từ các tỉnh, thành phía Nam về quê

Tổ công tác của tỉnh Hà Tĩnh vào TP Hồ Chí Minh khảo sát các điều kiện, hoàn thiện phương án đưa công dân về quê

Để việc đăng ký diễn ra thuận lợi, dễ kiểm soát số lượng, Hội đồng hương tỉnh Hà Tĩnh đã yêu cầu hội đồng hương các huyện, thị, thành phố phụ trách phổ biến thông tin, tiêu chí và hỗ trợ bà con đăng ký danh sách. Từ đây, hàng chục hội nhóm đã được lập trên các mạng xã hội Facebook, Zalo. Số điện thoại liên lạc của từng hội đồng hương cấp huyện cũng được công khai.

“Mỗi ngày, chúng tôi nhận hàng trăm, thậm chí cả nghìn cuộc gọi, tin nhắn của bà con. Thấu hiểu mong muốn về quê của bà con nên dù vất vả, anh em trong hội đồng hương vẫn động viên nhau cùng cố gắng” - ông Lương Trí Độ, Phó Chủ tịch Hội đồng hương huyện Hương Sơn ở TP Hồ Chí Minh chia sẻ.

Hội đồng hương Hà Tĩnh với hành trình kết nối đưa công dân từ các tỉnh, thành phía Nam về quê

Công dân Hà Tĩnh chấp hành các quy định phòng chống dịch khi ra ga tàu về quê.

Khi danh sách đăng ký được hoàn thiện, bên cạnh việc UBND tỉnh cử tổ công tác vào Nam thống nhất phương án, vật tư cần thiết để đưa công dân trở về quê an toàn, thì hội đồng hương lại đau đầu trước việc làm sao để những người có tên trong danh sách có thể di chuyển ra Ga Sài Gòn, làm các thủ tục cần thiết trước khi lên tàu.

“TP Hồ Chí Minh đang thực hiện giãn cách xã hội, việc công dân di chuyển ra đường không vì mục đích thiết yếu rất dễ bị xử phạt. Hội đồng hương quyết định gửi văn bản sang Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh nhờ giúp đỡ và may mắn, có 2 công ty taxi sẵn sàng điều động 400 phương tiện, chở bà con ra Ga Sài Gòn”, ông Phan Xuân Biên – Chủ tịch Hội đồng hương Hà Tĩnh tại TP Hồ Chí Minh tâm sự.

Hội đồng hương Hà Tĩnh với hành trình kết nối đưa công dân từ các tỉnh, thành phía Nam về quê

Thời gian này, Hội đồng hương Hà Tĩnh tại các tỉnh, thành phía Nam cũng tích cực hỗ trợ đưa lương thực, thực phẩm tới với bà con.

Cũng tính trước sự lộn xộn có thể xảy ra trong quá trình công dân tập trung đông ở sân ga, Hội đồng hương đã chủ động liên hệ với Công an phường 9 quận 3 cùng với lực lượng bảo vệ của ga để đảm bảo an ninh trật tự.

Bên cạnh đó, Hội đồng hương tỉnh cũng giao cho hội đồng hương các địa phương cử ra một người để hướng dẫn, hỗ trợ bà con làm các thủ tục lên tàu, lên toa nghiêm túc.

Với sự chuẩn bị kỹ càng, bài bản, trong suốt quá trình công dân Hà Tĩnh di chuyển từ nơi cư trú ra Ga Sài Gòn và khi làm các thủ tục lên tàu SE14 đều diễn ra thuận lợi. Dù tập trung đông ở sân ga nhưng bà con Hà Tĩnh đều chấp hành tốt các quy định phòng chống dịch.

Hội đồng hương Hà Tĩnh với hành trình kết nối đưa công dân từ các tỉnh, thành phía Nam về quê

Ông Lương Trí Độ - Phó Chủ tịch Hội đồng hương huyện Hương Sơn ở TP Hồ Chí Minh bên cạnh “chuyến tàu nghĩa tình” đưa công dân Hà Tĩnh về quê.

“Điều mà anh em lo lắng là việc có một số bà con không thể kịp tới ga để lên tàu, không chỉ người đó lỡ chuyến, mà còn ảnh hưởng tới cơ hội cho người khác. Ban đầu chúng tôi chỉ nghĩ nếu được khoảng hơn 600 người lên tàu cũng đã là thành công nhưng không ngờ toàn bộ mọi người trong danh sách đều lên kịp giờ ” - Phó Chủ tịch Hội đồng hương huyện Hương Sơn ở TP Hồ Chí Minh Lương Trí Độ cho hay.

Đúng 20h45p tối 24/7, “chuyến tàu nghĩa tình” lăn bánh đưa 814 công dân Hà Tĩnh ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về quê. Khi đoàn khuất bóng, các thành viên Hội đồng hương tỉnh, hội đồng hương các huyện, thị xã, thành phố mới rời ga để trở về nhà với nụ cười nở trên môi. Và họ, sẽ còn tiếp tục công việc kết nối, hỗ trợ để đưa những công dân Hà Tĩnh tiếp theo trở về quê theo nguyện vọng.

Từ hàng chục năm nay, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước… luôn là vùng đất thu hút lượng lớn người dân Hà Tĩnh vào sinh sống, lập nghiệp. Và hiện nay, vẫn đang có hàng trăm nghìn người Hà Tĩnh chọn nơi đây để học tập, làm ăn và định cư.

Với mục tiêu tập hợp, kết nối những người con Hà Tĩnh xa quê, cùng sẻ chia, giúp đỡ nhau nơi “đất khách quê người” và hướng về quê hương ruột thịt, vào tháng 2/1996, Hội đồng hương Hà Tĩnh tại TP Hồ Chí Minh đã được thành lập.

Trong 25 năm qua, Hội đồng hương tỉnh và các cấp đã làm tốt vai trò đầu mối tập hợp, kết nối những người con Hà Tĩnh xa quê, cùng sẻ chia, tương thân, tương ái, vừa giúp nhau thực hiện tốt nhiệm vụ của người công dân thành phố anh hùng, vừa khuyến khích nhau cùng hướng về quê hương ruột thịt.

Các cấp hội đã có nhiều hoạt động hướng về quê hương, vừa tích cực tham gia đóng góp ý kiến giúp lãnh đạo tỉnh và các huyện định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động từ thiện xã hội, giúp đỡ đồng bào Hà Tĩnh khắc phục hậu quả thiên tai và xây dựng các công trình tri ân với số tiền hàng trăm tỷ đồng.

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Mang câu hò, điệu ví đến muôn phương

Mang câu hò, điệu ví đến muôn phương

Với niềm đam mê mãnh liệt làn điệu ví, giặm, người Hà Tĩnh muôn phương đã không ngừng lan tỏa loại hình nghệ thuật đặc sắc này tới bạn bè trên mọi miền Tổ quốc và bè bạn quốc tế.
Người Hà Tĩnh trên quê hương Bình Thuận

Người Hà Tĩnh trên quê hương Bình Thuận

Trải qua 30 năm thành lập (1994-2024) dù ở đâu, làm việc gì, ở cương vị nào, những người con của Hà Tĩnh tại Bình Thuận cũng luôn yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
Nhà vô địch thế vận hội Lê Văn Công: “Tôi muốn tự làm đẹp cuộc đời mình”

Nhà vô địch thế vận hội Lê Văn Công: “Tôi muốn tự làm đẹp cuộc đời mình”

Khép lại một năm thi đấu thành công, đô cử Lê Văn Công giữ vững vị thế thống trị ở hạng cân 49 kg xuyên suốt 7 kỳ ASEAN Para Games liên tiếp từ năm 2007 đến nay. Trong niềm vui đón xuân mới, người đàn ông được mệnh danh là “lực sĩ thép” đặt ra những mục tiêu tiếp tục được khẳng định mình và cống hiến cho quê hương, đất nước.
Những “cánh chim bằng” ở hai ngôi trường bách khoa nổi tiếng

Những “cánh chim bằng” ở hai ngôi trường bách khoa nổi tiếng

Trong những ngày mùa đông phương Nam nắng mưa khoan nhặt, chúng tôi đã có dịp gặp hai “cánh chim bằng” người Hà Tĩnh, là thủ lĩnh những ngôi trường bách khoa ở 2 đầu đất nước. Đó là GS.TS Lê Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội và PGS.TS Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh.
Tết Việt trong lòng người Hà Tĩnh xa quê

Tết Việt trong lòng người Hà Tĩnh xa quê

Tết cổ truyền luôn là dịp lễ trọng đại và thiêng liêng để những người Việt sống, lao động, học tập trên khắp thế giới nói chung và những người con Hà Tĩnh xa quê nói riêng hướng lòng mình về quê cha đất tổ.