Hỗn loạn chính trị ở Peru khi hai tổng thống từ chức chỉ trong một tuần

(Baohatinh.vn) - Chưa đầy một tuần kể từ sau khi cựu Tổng thống Peru Martin Vizcarra bị Quốc hội nước này phế truất với cáo buộc tham nhũng, Tổng thống lâm thời Manuel Merino cũng nộp đơn từ chức.

Hỗn loạn chính trị ở Peru khi hai tổng thống từ chức chỉ trong một tuần

Tổng thống lâm thời Peru Manuel Merino. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống lâm thời Peru Manuel Merino, 59 tuổi, đã từ chức ngày 15/11, đẩy tình hình chính trị ở quốc gia Nam Mỹ này rơi vào hỗn loạn do không có người lãnh đạo.

Quyết định từ chức được ông Merino đưa ra sau 5 ngày ông lên nắm quyền và thành lập chính phủ mới. Đồng thời diễn ra sau khi Chủ tịch Quốc hội Peru Luis Valdez tuyên bố tất cả các đảng phái chính trị trong Quốc hội nước này đều nhất trí yêu cầu Tổng thống lâm thời Merino từ chức “ngay lập tức” sau khi những cuộc biểu tình yêu phản đối quyết định phế truất người tiền nhiệm Martin Vizcarra khiến 2 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.

Trước đó, cựu Tổng thống Peru Martin Vizcarra, 57 tuổi, đã không thể vượt qua cuộc bỏ phiếu luận tội tại Quốc hội hôm 9/11 sau khi phe đối lập nhận được quá số phiếu cần thiết để phế truất ông vì những cáo buộc nhận hối lộ khi còn là Thống đốc tỉnh Moquegua, ở miền Nam nước này hồi năm 2014.

Ngày 13/11, cơ quan bảo vệ pháp luật Peru đã ra lệnh cấm xuất cảnh đối với ông Vizcarra trong 18 tháng. Theo phán quyết của Thẩm phán Maria Alvarez, lệnh cấm xuất cảnh đối với ông Vizcarra được thực hiện theo kiến nghị của cơ quan công tố đang điều tra những tố cáo liên quan tới việc ông này nhận hối lộ 600.000 USD để cho phép một công ty thân cận thắng thầu công trình công cộng.

Trong một bài phát biểu trên truyền hình vào trưa 15/11, Tổng thống lâm thời Merino đã yêu cầu 18 bộ trưởng mới tuyên thệ nhậm chức trong nội các của ông tạm thời tại nhiệm để tránh tình trạng “khoảng trống quyền lực”, mặc dù hầu hết trong số đó đã từ chức sau cuộc biểu tình gây thương vong hôm 14/11. Ông Merino nói rằng quyết định từ chức của mình là “không thể thay đổi được” đồng thời kêu gọi “hòa bình và thống nhất”.

Ngay sau tuyên bố từ chức của ông Merino, các nhà lập pháp Peru đã nhóm họp vào cuối ngày 15/11 để xác định ai sẽ là tổng thống tiếp theo của đất nước, hoặc ít nhất, bàn về cách người đó có thể được lựa chọn.

Nhiều người dân Peru đã đổ ra đường vào chiều 15/11 để ăn mừng quyết định từ chức của ông Merino. Họ vẫy cờ, hô vang và khua xoong nồi để bày tỏ sự hài lòng.

Trước đó, sau khi ông Manuel Merino được đề cử giữ chức tổng thống lâm thời, các cuộc biểu tình quy mô lớn đã được tổ chức tại thủ đô Lima và các thành phố khác trên toàn quốc. 2 người biểu tình đã tử vong do các vết thương bởi đạn bắn trong khi 102 người bị thương và 41 người vẫn mất tích, theo Điều phối viên Nhân quyền Quốc gia của Peru.

Peru rơi vào hỗn loạn chính trị trong bối cảnh quốc gia sản xuất đồng lớn thứ hai thế giới đang phải hứng chịu hậu quả của đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 nghiêm trọng được cho là sẽ gây suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong một thế kỷ.

(Theo Reuters)

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.