Iran bắt đầu quy trình đăng ký ứng cử viên tranh cử tổng thống

Theo Bộ trưởng Nội vụ Iran, quá trình rà soát lý lịch sẽ kéo dài 7 ngày, bắt đầu từ 4/6, và những ứng cử viên đủ tiêu chuẩn sẽ có 14 ngày để tiến hành vận động tranh cử.

Tổng thống lâm thời Iran Mohammad Mokhber (thứ 2, trái) chủ trì cuộc họp nội các khẩn tại thủ đô Tehran, sau khi cơ quan chức năng xác nhận Tổng thống Ebrahim Raisi và Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian tử nạn trong vụ rơi trực thăng ở tỉnh Đông Azerbaijan, ngày 20/5/2024. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống lâm thời Iran Mohammad Mokhber (thứ 2, trái) chủ trì cuộc họp nội các khẩn tại thủ đô Tehran, sau khi cơ quan chức năng xác nhận Tổng thống Ebrahim Raisi và Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian tử nạn trong vụ rơi trực thăng ở tỉnh Đông Azerbaijan, ngày 20/5/2024. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 30/5, hãng thông tấn chính thức IRNA của Iran đưa tin, quá trình đăng ký ứng cử viên tranh cử tổng thống của đất nước đã bắt đầu từ sáng 30/5 (theo giờ địa phương) và sẽ kéo dài 5 ngày, cho đến 3/6.

Cuộc bầu cử tổng thống Iran dự kiến diễn ra ngày 28/6 tới.

Trước đó, hôm 26/5, Bộ trưởng Nội vụ Iran Ahmad Vahidi đã ban hành chỉ thị bắt đầu quá trình bầu cử tổng thống.

Theo thông báo trên trang web của bộ, tất cả những người muốn đăng ký ứng cử viên cần phải đến trụ sở của Bộ Nội vụ ở thủ đô Tehran.

Theo Bộ trưởng Vahidi, quá trình rà soát lý lịch sẽ kéo dài 7 ngày, bắt đầu từ 4/6. Sau đó, những ứng cử viên đủ tiêu chuẩn sẽ có 14 ngày để tiến hành chiến dịch vận động tranh cử.

Trong thông báo ngày 26/5, cơ quan bầu cử Iran đã nêu rõ các quy định và trình độ mà những người đăng ký ứng cử phải đáp ứng.

Cụ thể, những người đăng ký phải là người gốc Iran, có quốc tịch Iran, độ tuổi từ 40-75, cũng như có thành tích và danh tiếng tốt, đồng thời cam kết tuân thủ các nguyên tắc của Iran cũng như tôn giáo chính thức của đất nước là đạo Hồi.

Hội đồng Giám hộ sẽ công bố danh sách ứng viên đủ điều kiện vào ngày 11/6.

Theo kế hoạch ban đầu, Iran tổ chức cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 14 vào năm 2025.

Tuy nhiên, cuộc bầu cử đã được lên kế hoạch sớm hơn là vào cuối tháng 6 năm nay, sau khi Tổng thống Ebrahim Raisi và đoàn tùy tùng thiệt mạng trong vụ tai nạn trực thăng hôm 19/5 tại khu vực miền núi thuộc tỉnh Đông Azarbaijan, Tây Bắc Iran.

Ngày 20/5, lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei đã bổ nhiệm Phó Tổng thống thứ nhất của đất nước Mohammad Mokhber làm tổng thống lâm thời.

Theo quy định của Hiến pháp Iran, Tổng thống lâm thời Mohammad Mokhber cần tiến hành cuộc bầu cử tổng thống mới trong vòng tối đa 50 ngày.

Các phương tiện truyền thông Iran đưa tin ông Mohammad Mokhber, Chủ tịch Quốc hội Mohammad Bagher Ghalibaf và một số cựu quan chức nổi tiếng đang cân nhắc ra tranh cử tổng thống.

Trong số các ứng cử viên, cựu nhà đàm phán hạt nhân Saeed Jalili nổi lên như một trong những ứng cử viên đầu tiên tuyên bố tranh cử tổng thống.

Những gương mặt đáng chú ý khác bao gồm cựu Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif và cựu Chủ tịch Quốc hội Ali Larijani./.

vietnamplus.vn

Đọc thêm

Dịch vụ thuê bà ngoại gây 'sốt' ở Nhật Bản

Dịch vụ thuê bà ngoại gây 'sốt' ở Nhật Bản

Bạn có bao giờ ước rằng mình có một người lớn tuổi, từng trải để trò chuyện, chia sẻ hay nấu cho mình một bữa cơm nhà ấm cúng? Tại Nhật Bản, điều tưởng chừng xa vời đó lại hoàn toàn khả thi nhờ dịch vụ thuê bà ngoại theo giờ – mang tên OK Grandma.
Ông Trump ra tối hậu thư với Nga

Ông Trump ra tối hậu thư với Nga

Tổng thống Mỹ Trump ra tối hậu thư đề nghị Nga giải quyết cuộc xung đột Ukraine trong 50 ngày hoặc đối mặt mức thuế cao.
Hiểm họa từ việc AI rơi vào tay khủng bố

Hiểm họa từ việc AI rơi vào tay khủng bố

Suốt nhiều năm qua, các cơ quan chống khủng bố ví việc theo sát các tổ chức khủng bố trên không gian số và mạng xã hội như một trò “đuổi bắt bất tận” – xử lý xong chỗ này thì chỗ khác lại nổi lên. Vấn đề này ngày càng rối rắm do sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI).
Thuế quan của Mỹ: Lợi ích ngắn hạn, thiệt hại lâu dài

Thuế quan của Mỹ: Lợi ích ngắn hạn, thiệt hại lâu dài

Trước thời điểm ngày 1/8 - mốc áp thuế mới mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra - nhiều quốc gia châu Á và Liên minh châu Âu (EU) đang gấp rút đàm phán với Mỹ nhằm tránh các mức thuế quan cao kỷ lục có thể “giáng đòn” mạnh vào xuất khẩu và chuỗi cung ứng toàn cầu.