“Nhiệm kỳ của đại sứ Thụy Điển tại Tehran đã kết thúc và theo lệnh của Tổng thống, cho tới khi Thụy Điển có hành động nghiêm túc đối với hành vi báng bổ kinh Koran, chúng tôi mới chấp nhận đại sứ mới của họ”, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian nói trên truyền hình nhà nước hôm 21/7.
Ngoại trưởng Iran cho biết thêm nước này cũng sẽ không cử đại sứ tới Thụy Điển.
Ông Amir-Abdollahian cùng ngày cũng đã nói chuyện với người đồng cấp Thụy Điển Tobias Billstrom, nhấn mạnh rằng người xúc phạm kinh Koran phải bị bắt và chịu trách nhiệm hình sự về hành động của mình.
Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian tại Tehran hôm 19/3. Ảnh: Reuters
Hàng trăm người Iran rạng sáng 20/7 vây kín đại sứ quán Thụy Điển ở thủ đô Tehran, phóng hỏa, ném cà chua và trứng vào tòa nhà, kêu gọi trục xuất đại sứ Thụy Điển khỏi Iran.
Các cuộc biểu tình phản đối Thụy Điển cũng diễn ra khắp các thành phố lớn ở Iran như Tabriz ở phía tây bắc, Mashhad ở phía đông bắc và Isfahan ở miền trung. Đám đông biểu tình vẫy quốc kỳ Iran , mang theo các cuốn Kinh Koran. Một số người còn đốt cờ Thụy Điển.
Thủ tướng Iraq Mohamed Shia al-Sudani sau đó yêu cầu đại sứ Thụy Điển tại Baghdad rời khỏi lãnh thổ nước này, do chính phủ Thụy Điển “nhiều lần cho phép đốt kinh Koran, xúc phạm sự thiêng liêng của đạo Hồi, và đốt cờ Iraq”.
Căng thẳng giữa Thụy Điển và các nước Hồi giáo diễn ra sau khi Salwan Momika, người tị nạn Iraq sống ở Thụy Điển, đốt kinh Koran bên ngoài nhà thờ Hồi giáo ở Stockholm hồi tháng trước. Trong sự việc mới nhất xảy ra hôm 20/7, Momika tiếp tục dẫm lên cuốn kinh Koran, gây phẫn nộ khắp thế giới Hồi giáo.
Chính phủ Thụy Điển hồi đầu tháng chỉ trích vụ người biểu tình đốt kinh Koran ở Stockholm, gọi đây là hành động “bài Hồi giáo”. Tuy nhiên, Thụy Điển vẫn cho phép tổ chức các cuộc biểu tình có hành vi báng bổ kinh Koran, với lý do người dân ở nước này có “quyền tự do hội họp, ngôn luận và biểu tình được bảo vệ theo hiến pháp”.