Kế hoạch của Joe Biden nhằm kiểm soát đại dịch Covid-19 ở Mỹ

Chiến lược kiểm soát đại dịch Covid-19 của ông Joe Biden sẽ bao gồm việc xét nghiệm trên diện rộng và yêu cầu người dân đeo khẩu trang. Ông cũng sẽ đưa nước Mỹ tái gia nhập WHO.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Joe Biden nhiều lần cáo buộc Tổng thống Donald Trump không có kế hoạch đưa nước Mỹ thoát khỏi đại dịch Covid-19.

Ông Biden đã thúc đẩy một kế hoạch riêng từ ngày 12/3 – một ngày sau khi ông Trump nói rằng virus SARS-CoV-2 không dấy lên nhiều rủi ro với người dân Mỹ - và không ngừng kêu gọi tiến hành xét nghiệm trên diện rộng cũng như yêu cầu đeo khẩu trang.

Kế hoạch của Joe Biden nhằm kiểm soát đại dịch Covid-19 ở Mỹ

Ông Joe Biden phát biểu tại cơ sở sản xuất nhôm ở Manitowoc, Wisconsin tháng 9/2020. Ảnh: Getty

Nhiều chuyên gia dự báo số ca mắc Covid-19 tại Mỹ sẽ còn tiếp tục tăng mạnh và số ca tử vong do dịch bệnh này cũng cao nhất thế giới.

“Chúng ta sắp bước vào một mùa đông đen tối”, ông Biden nói tại cuộc tranh luận tổng thống hồi tháng 10.

Đến thời điểm ông Biden nhậm chức vào tháng 1/2021, nhiều khả năng ông sẽ “thừa hưởng” một cuộc khủng hoảng còn tệ hơn hiện nay.

Các kế hoạch của ông Biden nhằm kiểm soát đại dịch Covid-19 chắc chắn sẽ có nhiều khác biệt so với chính quyền đương nhiệm của Tổng thống Trump

Xét nghiệm trên diện rộng

Ông Biden cam kết sẽ triển khai chương trình xét nghiệm trên diện rộng thông qua một cơ chế do chính phủ hỗ trợ. Ông cũng có ý định tăng cường sản xuất các bộ kit xét nghiệm nhanh, xét nghiệm tại nhà và thiết lập ít nhất 10 điểm xét nghiệm drive-through (người xét nghiệm có thể ngồi trên ô tô) ở mỗi bang.

Bên cạnh đó, việc xét nghiệm sẽ được miễn phí đối với tất cả người dân Mỹ - những người đã trở thành ca bệnh, trong đó có cả những người không có bảo hiểm.

Yêu cầu đeo khẩu trang

Ông Biden nói rằng ông có thể cân nhắc yêu cầu đeo khẩu trang trên toàn quốc, dù các chuyên gia pháp lý nói rằng ông chỉ có thẩm quyền buộc người dân đeo khẩu trang ở các khu vực liên bang và trong các tòa nhà liên bang. Dù vậy, ông Biden vẫn có thể phối hợp với các thống đốc nhằm thực hiện yêu cầu này.

“Trước tiên, tôi sẽ tìm đến các thống đốc để kêu gọi họ ban hành quy định đeo khẩu trang ở các bang. Nếu họ từ chối, tôi sẽ tìm tới các thị trưởng, lãnh đạo các hạt để việc đeo khẩu trang có thể được thực hiện trên toàn quốc”, ông Biden nói hồi tháng 10.

Phong tỏa các điểm nóng

Ông Biden sẽ khó áp lệnh đóng cửa trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, ông Biden nhiều lần nói rằng ông sẽ tuân thủ các khuyến cáo từ giới khoa học.

Trang web chiến dịch của ông Biden trước đây cũng từng nói rằng nếu đắc cử, ông Biden sẽ cân nhắc về hướng dẫn mở cửa trở lại đối với các cộng đồng khác nhau tùy vào mức độ lây nhiễm. Điều này đồng nghĩa với việc các trường học, các cơ sở kinh doanh có thể được phép mở cửa trở lại ở những khu vực có mức độ lây nhiễm thấp.

Bên cạnh đó, ông Biden dự kiến phân bổ ngân sách liên bang để thúc đẩy an toàn ở các cơ sở được phép hoạt động trở lại như phân phát khẩu trang, cải thiện tình trạng thông gió ở các trường học, hoặc lắp đặt các tấm chắn bằng nhựa ở các nhà hàng.

Khôi phục thẩm quyền của CDC

Cách tiếp cận của chính quyền Trump nhiều lần bất đồng với các hướng dẫn của Trung tâm ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC). Các nhà khoa học của CDC nói rằng nhiều lời khuyên của họ về việc phong tỏa và xét nghiệm đã bị chính quyền liên bang phớt lờ.

“Việc đưa ra một bộ hướng dẫn quốc gia và các hướng dẫn rõ ràng từ CDC sẽ có hiệu quả thực sự khi trao quyền cho các cơ quan địa phương”, Giáo sư Leana Wen, một giáo sư về sức khỏe cộng đồng tại Đại học George Washington nói.

Hồi tháng 2, chưa đầy 2 tuần sau khi WHO tuyên bố Covid-19 là vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu, ông Trump đã đề xuất cắt giảm 16% ngân sách cấp cho CDC trong năm tài khóa 2021.

Tái gia nhập WHO

Hồi tháng 4/2020, ông Trump đã dừng tất cả các khoản đóng góp cho WHO. Đến tháng 7, Mỹ chính thức rút khỏi tổ chức này, dù quyết định này phải đến tháng 7/2021 mới chính thức hoàn tất.

Ông Biden nói rằng, ông sẽ đưa nước Mỹ tái gia nhập WHO trong ngày đầu tiên ông nhậm chức.

“Người dân Mỹ sẽ an toàn hơn khi nước Mỹ cam kết vào việc đẩy mạnh y tế toàn cầu”, ông Biden tuyên bố trên Twitter hồi tháng 7/2020.

Ít nhất 100.000 nhân viên truy vết lịch sử tiếp xúc

Theo một khảo sát chung do NPR và Đại học Johns Hopkins tiến hành, tính đến tháng 10, Mỹ có 50.000 nhân viên theo dõi lịch sử tiếp xúc. Điều này có nghĩa là phần lớn các bang đều không có đủ nhân viên truy vết tiếp xúc để điều tra các ca mắc Covid-19 ở các bang.

Chính quyền Trump đã tìm cách ngăn chặn việc bổ sung ngân sách cho việc truy vết tiếp xúc hồi tháng 7. Ông Biden cam kết tăng lực lượng truy vết lịch sử tiếp xúc này lên 100.000 người.

Thêm máy thở và đồ bảo hộ cho các bệnh viện

Ông Biden đã cam kết dựa nhiều hơn vào Đạo luật sản xuất quốc phòng (DPA), trong đó cho phép tổng thống yêu cầu các doanh nghiệp ưu tiên nhu cầu chuỗi cung ứng của chính phủ liên bang. Ông Trump cũng đã viện dẫn đạo luật này, nhưng ông Biden muốn sử dụng nhiều hơn để đáp ứng đồ bảo hộ, máy thở và các trang thiết bị khác mà các bệnh viện cần để đối phó Covid-19.

Miễn phí điều trị Covid-19 cho tất cả người dân Mỹ

Ở thời điểm hiện nay, việc điều trị Covid-19 có thể được miễn phí tùy vào từng bang, công ty bảo hiểm và chủ sử dụng lao động. Ông Biden cam kết sẽ những người dân Mỹ có bảo hiểm sẽ được miễn phí điều trị Covid-19. Ông cũng cam kết hoàn trả cho các nhà cung cấp chăm sóc sức khỏe chi phí điều trị Covid-19 cho các bệnh nhân có bảo hiểm.

Đảm bảo vaccine an toàn và miễn phí

Chương trình Operation Warp Speed (OWS) của chính quyền Trump hiện đang sản xuất vaccine với số lượng lớn trong khi các thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành. Chương trình này cũng cấp tiền cho việc nghiên cứu và phát triển các ứng viên vaccine tiềm năng. Quốc hội cũng trực tiếp phân bổ 10 tỷ USD theo đạo luật Đạo Luật Hỗ trợ, Cứu trợ và An Ninh Kinh Tế (CARES) cho OWS.

Ông Biden chưa công khai xác nhận sẽ thúc đẩy chương trình này khi ông nhậm chức, nhưng 2 công ty được cấp ngân sách theo OWS hồi tháng 10 cho biết họ đã liên lạc với các cố vấn của ông Biden. Ông Biden cũng đã cam kết đầu tư 25 tỷ USD vào việc sản xuất và phân phối vaccine.

Trong một bài phát biểu vận động tranh cử, ông Biden nói rằng người dân Mỹ sẽ không phải chịu phí vaccine dưới thời chính quyền của ông. Ông Trump cũng đã đưa ra cam kết như vậy.

“Một khi chúng ta có được loại vaccine an toàn và hiệu quả, nó sẽ được cung cấp miễn phí cho mọi người, cho dù người đó có bảo hiểm hay không”, ông Biden nói.

Ông Biden tuyên bố, bất cứ ứng viên vaccine tiềm năng nào cũng phải được giới khoa học xác nhận là an toàn và hiệu quả trước khi phân phối tới người dân Mỹ. Ông cũng đã kêu gọi công khai dữ liệu thử nghiệm vaccine.

Theo VOV

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.