Kết cục của kẻ tội đồ

(Baohatinh.vn) - “Thể hiện bản lĩnh” bằng hành vi hung hăng, côn đồ, Võ Xuân Nghĩa (SN 1995, trú xóm 2, xã Kỳ Thư, Kỳ Anh) đã nhẫn tâm tước đoạt mạng sống của người thanh niên vô tội. Sự ra tay tàn độc ấy cuối cùng phải nhận lấy kết cục đắt giá khi cánh cửa tương lai của y đã khép lại với bản án sau song sắt.

Kết cục của kẻ tội đồ ảnh 1

Vẻ mặt đầy sợ hãi, đau khổ của Võ Xuân Nghĩa khi chứng kiến nỗi mất mát của gia đình nạn nhân trong phiên tòa

Phiên tòa còn chưa diễn ra nhưng tiếng khóc rấm rứt đã bao trùm chốn nghị trường. Lặng người ngẫm về khoảnh khắc người thân của nạn nhân Lê Hồng Sơn (xã Kỳ Ninh, Kỳ Anh) chìm trong đau đớn, khiến lòng người bồn chồn không yên. Vậy nhưng, trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, tiếng khóc đầy u uất, tiếc thương ấy lại là của một “cậu bé” đang đau khổ, rúm ró trong góc phòng. Và, “cậu bé” đó không ai khác là Võ Xuân Nghĩa - kẻ đã nhẫn tâm cướp đi sinh mạng của nạn nhân.

Khoảng 17h ngày 2/1/2014, Lê Hồng Sơn chở Nguyễn Quyết Tiến (cùng trú xã Kỳ Ninh) trên đường đi học về. Đến đường liên thôn (xóm 2, Kỳ Thư), thấy xe của Sơn và Tiến sắp va vào xe mình, Nghĩa liền quay lại, chặn trước xe đối phương. Mặc dù Sơn đã tha thiết xin lỗi nhưng do còn hậm hực vô cớ, Nghĩa xông tới tát vào mặt nạn nhân.

Tới ngã tư, Nghĩa tiếp tục chờ Sơn, hung hăng chặn đánh. Quá sợ hãi, Lê Hồng Sơn xuống xe, quỳ xuống van xin bỏ qua nhưng Nghĩa vẫn không buông tha, tiếp tục tát vào mặt nạn nhân. Sợ bị đánh tiếp, Sơn và Tiến vội vàng nhảy lên xe bỏ chạy. Đến khu vực chợ Điếm (xóm 3, xã Kỳ Thư), khi đã đuổi kịp xe Sơn, Nghĩa dùng chân đạp vào xe đối phương, khiến Sơn mất lái, đâm vào cột điện bên đường. Hậu quả, Lê Hồng Sơn tử vong do chấn thương sọ não, Nguyễn Quyết Tiến ngồi sau, thương tích 19%.

Nghe tin dữ, mẹ nạn nhân Lê Hồng Sơn quay cuồng trong cơn đau đớn. Người phụ nữ tội nghiệp không thể ngờ, khi Sơn chào mẹ đi học lại là lần cuối cùng chị được gặp con trai. Trong ký ức của người mẹ, Sơn vẫn luôn là đứa con ngoan ngoãn, bé bỏng. Một thời gian dài đối diện với nỗi đau mất con, chị cứ ngỡ mọi thứ trôi qua chỉ là cơn ác mộng. Đến tận giây phút theo dõi toàn bộ diễn biến phiên tòa, trong tâm can người mẹ gợn lên bao cảm xúc. Mọi người bắt gặp người phụ nữ chít vành khăn trắng chốc chốc lại mở ảnh con trai ra, để rồi, kìm nén cảm xúc đang chợt ùa về.

Bị cáo với khuôn mặt nhăn nhó, thỉnh thoảng đưa ánh mắt lấm lét dõi về phía người thân bị hại, thăm dò phản ứng. Những câu hỏi của Hội đồng xét xử liên tục vang lên, khiến bị cáo mất phương hướng, không thể nói trọn vẹn một lời nào. Không thù, không oán, chỉ vì sự tức giận vô cớ, bị cáo đã gây nên cái chết cho người thanh niên vô tội. Theo lời bộc bạch của Võ Xuân Nghĩa, hành động của bị cáo chỉ đơn thuần là trút giận lên đối phương, nhưng cái chết ngoài ý muốn của Sơn đã khiến kẻ sát nhân thức tỉnh. Sợ hãi, hốt hoảng và nơm nớp lo sợ, đó là cảm xúc rất thật của Nghĩa trong giây phút chứng kiến nạn nhân mãi mãi ra đi.

Được nói lời sau cùng, Võ Xuân Nghĩa không nén được cảm xúc, khóc òa. Tiếng khóc đầy ân hận, tiếc nuối và cả những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt non nớt của bị cáo, khiến Hội đồng xét xử và người dự khán cảm thấy đau xót. Một phút thiếu kiềm chế đã dẫn tới bi kịch “người mất, người đi tù”, để lại hậu quả đau đớn, xót xa cho cả 2 gia đình. Bị cáo vẫn đang ở độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời. Rồi đây, khi phải sống tiếp quãng đời còn lại trong nỗi dằn vặt, liệu bị cáo có thể vượt qua? Giọt nước mắt như nói lên nỗi lòng bị cáo chất chứa bao lâu, để tan dần với bao ưu tư, phiền muộn trong lòng người.

Càng thương con trai bao nhiêu, chị lại càng căm giận kẻ đã gây án bấy nhiêu. Nhưng, chứng kiến cảnh đứa trẻ mới lớn phải đối diện với pháp luật vì bàn tay đã trót dính bùn đen, khiến lòng mẹ nạn nhân như chùng xuống. Là một người mẹ, chị thấu hiểu được nỗi mất mát của người phụ nữ khi không còn được bên cạnh đứa con dứt ruột đẻ ra. Sự ân hận của Nghĩa như liều thuốc tinh thần, giúp chị đứng lên, xin Hội đồng xét xử cho bị cáo một con đường để quay về làm lại cuộc đời. Hơn thế, lời của mẹ nạn nhân còn thể hiện sự bao dung, răn dạy: “Người đã mất rồi không thể sống lại, vậy nên, quãng đời còn lại, cháu phải sống thế nào để không hổ thẹn với lương tâm. Và, cuộc đời của cháu sau này, phải sống thay phần của con trai bác nữa”.

Mẹ nạn nhân vừa dứt lời, trước vành móng ngựa, 2 vai bị cáo khẽ run lên.

Phiên tòa khép lại bằng bản án 23 năm tù về 2 tội danh giết người và cố ý gây thương tích dành cho bị cáo. Đồng thời, bị cáo phải bồi thường cho gia đình em Lê Hồng Sơn 103 triệu đồng và bị hại Nguyễn Quyết Tiến 6 triệu đồng. Phiên xét xử kết thúc cũng là lúc những giận hờn, thù oán được chôn chặt khi sự hung hăng, ngỗ ngược đã trở thành giọt nước mắt thức tỉnh.

Giá như ngày đó, Nghĩa biết kiềm chế!

Đọc thêm

“Đi bão” - khi không còn là hiện tượng?

“Đi bão” - khi không còn là hiện tượng?

Thời gian gần đây, một số nhóm thanh thiếu niên tụ tập đi xe máy mang theo hung khí, lạng lách, đánh võng, rú ga trên một số tuyến đường ở Hà Tĩnh đã gióng lên hồi chuông báo động.
Hứa… không giữ lời hứa!

Hứa… không giữ lời hứa!

Lừa góp vốn đầu tư làm ăn rồi chiếm đoạt của một bị hại ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) số tiền 1,6 tỷ đồng, nhưng bị cáo Nguyễn Đức Hứa (trú tỉnh Bình Dương) vẫn quanh co chối tội.
Đội quân tiên phong trên mặt trận pháp lý

Đội quân tiên phong trên mặt trận pháp lý

Nhiệm kỳ qua, Hội Luật gia Hà Tĩnh đã phát huy trí tuệ, trách nhiệm trong việc tích cực tham gia xây dựng chính sách pháp luật; góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu KT-XH, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
“Phông bạt” để lừa đảo

“Phông bạt” để lừa đảo

Không có chức quyền trong xã hội nhưng Tô Thị Vĩnh vẫn “phông bạt”, tự tạo cho mình một vỏ bọc hoàn hảo để lừa đảo, kết cục là bị Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tuyên 18 năm tù giam.