Kết cục tất yếu của “siêu” lừa chạy việc

(Baohatinh.vn) - “Chớ dại cả tin để rồi sập bẫy kẻ xấu” là lời cảnh báo không bao giờ thừa mà các chủ tọa gửi gắm qua những phiên tòa xét xử tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, do tâm lý nôn nóng sớm có một công việc ổn định và không tìm hiểu kỹ từ nhà tuyển dụng, không ít người đã tự biến mình thành nạn nhân của các vụ lừa đảo.

ket cuc tat yeu cua sieu lua chay viec

Dưới chức danh vị quan huyện có quen biết với nhiều lãnh đạo để chiếm đoạt tài sản, Nguyễn Danh Thu đã khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang”.

Hiểu rõ tâm lý sốt sắng xin việc làm của người dân giữa thời buổi “tìm việc khó hơn lên trời”, trong thời gian từ tháng 2 - tháng 9/2014, Nguyễn Danh Thu (46 tuổi, trú tại Tiến Lộc, Can Lộc) tìm đến các gia đình có con tốt nghiệp đại học nhưng chưa có việc làm ở trong và ngoài tỉnh. Y tự xưng mình là cán bộ huyện, quen biết với nhiều quan chức cấp tỉnh và có khả năng chạy việc cho những ai có nhu cầu.

Lời giới thiệu như rót mật vào tai của kẻ lừa đảo khiến nhiều gia đình “mừng như bắt được vàng”, các sinh viên mới ra trường chìm vào giấc mơ “xí” một vị trí trong các cơ quan nhà nước. Kẻ ít, người nhiều, họ chạy vạy, vay mượn khắp nơi để có đủ chi phí lót tay cho vị quan huyện rởm. Số tiền chạy việc dao động từ 50-250 triệu đồng. Chỉ trong vòng 7 tháng, Thu đã đưa 19 gia đình “vào tròng” với tổng giá trị tài sản hơn 2 tỷ đồng.

Vậy nhưng, “cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra”, sau khi lừa cả “núi” tiền, Nguyễn Danh Thu bỏ trốn vào các tỉnh phía Nam, thay tên, đổi họ và xin vào làm tại một số nông trường cà phê. Sau thời gian dài chờ đợi không có kết quả, vị “quan huyện” cũng không còn liên lạc được, nhiều người chột dạ khi bắt đầu nhận ra mình đã bị lừa và làm đơn tố cáo lên cơ quan chức năng.

Sau khi nhận được đơn tố cáo, Cơ quan CSĐT Công an huyện Can Lộc đã tiến hành điều tra, xác minh; đồng thời, ra quyết định truy nã đối với Nguyễn Danh Thu về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau thời gian sống chui lủi dưới thân phận khác, biết không thể trốn tránh pháp luật, ngày 28/4/2015, “siêu” lừa đã đến Công an huyện xin đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Số tiền chiếm đoạt, y đã tiêu xài hết vào mục đích cá nhân.

Theo trình bày của Nguyễn Danh Thu tại phiên xét xử sơ thẩm, bị cáo xuất thân trong cảnh cơ hàn. Do công việc “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhiều năm nhưng cuộc sống vẫn khó khăn nên bị cáo nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản để có tiền tiêu xài. Thông qua tìm hiểu, được biết, thiếu việc làm đang là bài toán khó cho nhiều gia đình có con vừa tốt nghiệp đại học, Thu đã lợi dụng tâm lý sốt sắng của các nạn nhân để thực hiện hành vi lừa đảo. Để kế hoạch trót lọt, bị cáo “nổ” rằng, mình là người quan hệ rộng và có khả năng tìm việc tại các cơ quan nhà nước với chi phí lót tay khá “dễ chịu”. Chiêu trò của Thu dù không mới nhưng vì quá cả tin, nhiều người đã mất cảnh giác và sập bẫy.

Nhiều bị hại đến tham dự phiên tòa với tâm trạng hoang mang, lo lắng. Chị N.T.H ở Hộ Độ (Lộc Hà) là một trong những nạn nhân của Nguyễn Danh Thu. Sau 3 năm tốt nghiệp Khoa Kế toán Trường Đại học Thái Nguyên, chị vẫn tích cực tìm kiếm và mỏi mòn chờ đợi cơ hội việc làm đến với mình. Tháng 8/2014, nghe thông tin huyện Can Lộc chuẩn bị thành lập ban chiếu sáng quản lý công trình đô thị, người nhà chị H. nhanh chóng nộp hồ sơ và khấp khởi chờ đợi. Nắm bắt được thông tin này, Thu gặp chị H. rồi tự giới thiệu là trưởng ban chiếu sáng và quản lý công trình đô thị huyện Can Lộc, hứa sẽ làm việc với phòng tổ chức để bố trí chị này vào làm công việc đúng với nguyện vọng.

Để lấy lòng tin, bị cáo còn “dày công” mời cha con chị H. về nhà mình. Nắm chắc con mồi đã sập bẫy, bị cáo thông báo hồ sơ đã thẩm định xong, cần 10 triệu đồng tiền “cảm ơn”. Thấy mọi việc quá dễ dàng, Thu còn vay gia đình nạn nhân 40 triệu đồng và bặt vô âm tín sau khi nhận được tiền.

Trước những chứng cứ được đưa ra tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Danh Thu cúi đầu nhận tội và không đưa ra được bất cứ lời bào chữa nào. Với hành vi bất chấp đạo lý, lừa đảo trên mồ hôi, công sức của người lao động, hội đồng xét xử tuyên phạt Nguyễn Danh Thu mức án 16 năm tù giam.

Phiên tòa xét xử Nguyễn Danh Thu một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả mọi người về nạn lừa đảo chạy việc. Vẫn biết, nhu cầu việc làm là chính đáng và cấp thiết nhưng mọi người hãy tỉnh táo trước những lời đề nghị, thậm chí là dụ dỗ xin việc làm của kẻ không quen biết, tránh tình trạng “gửi trứng cho ác”, lâm vào cảnh tiền mất, việc chẳng thấy đâu.

Đọc thêm

“Đi bão” - khi không còn là hiện tượng?

“Đi bão” - khi không còn là hiện tượng?

Thời gian gần đây, một số nhóm thanh thiếu niên tụ tập đi xe máy mang theo hung khí, lạng lách, đánh võng, rú ga trên một số tuyến đường ở Hà Tĩnh đã gióng lên hồi chuông báo động.
Hứa… không giữ lời hứa!

Hứa… không giữ lời hứa!

Lừa góp vốn đầu tư làm ăn rồi chiếm đoạt của một bị hại ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) số tiền 1,6 tỷ đồng, nhưng bị cáo Nguyễn Đức Hứa (trú tỉnh Bình Dương) vẫn quanh co chối tội.
Đội quân tiên phong trên mặt trận pháp lý

Đội quân tiên phong trên mặt trận pháp lý

Nhiệm kỳ qua, Hội Luật gia Hà Tĩnh đã phát huy trí tuệ, trách nhiệm trong việc tích cực tham gia xây dựng chính sách pháp luật; góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu KT-XH, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
“Phông bạt” để lừa đảo

“Phông bạt” để lừa đảo

Không có chức quyền trong xã hội nhưng Tô Thị Vĩnh vẫn “phông bạt”, tự tạo cho mình một vỏ bọc hoàn hảo để lừa đảo, kết cục là bị Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tuyên 18 năm tù giam.