Sáng 22/10, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cùng lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương liên quan đi kiểm tra công tác khắc phục lũ lụt tại Thạch Hà và cơ sở sấy lúa tại Can Lộc. |
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cùng lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương kiểm tra, chỉ đạo công tác vệ sinh môi trường, phun tiêu độc khử trùng tại Trường THCS Hàm Nghi
Kiểm tra, chỉ đạo công tác vệ sinh môi trường, phun tiêu độc khử trùng tại Trường THCS Hàm Nghi và Trạm Y tế xã Thạch Đài (Thạch Hà), Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng chia sẻ những khó khăn của các đơn vị, đồng thời ghi nhận công tác khẩn trương khắc phục, dọn dẹp vệ sinh đảm bảo đi vào hoạt động ngay sau khi lũ rút của các đơn vị, địa phương.
Theo báo cáo của lãnh đạo xã Thạch Đài, trận mưa lũ vừa qua, trên 100% số hộ dân và cơ sở trường học, trạm y tế, hạ tầng giao thông của địa phương bị ngập sâu từ 1 - 2m.
Ngay sau khi lũ rút, huyện Thạch Hà đã điều động lực lượng từ các trường học ở những địa bàn không bị ngập lụt đến phối hợp giúp đỡ các trường học bị ngập tổng dọn vệ sinh môi trường.
Đến sáng nay, công việc dọn dẹp vệ sinh môi trường tại trường học, trạm y tế tại các xã đã cơ bản hoàn tất.
Ngay sau khi lũ rút, huyện Thạch Hà đã điều động lực lượng từ các trường học ở những địa bàn không bị ngập lụt đến phối hợp giúp đỡ các trường học bị ngập tổng dọn vệ sinh môi trường.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng lưu ý, sau mưa lũ sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát, đe dọa sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là các dịch bệnh phổ biến như: Sốt xuất huyết, sốt rét, tay chân miệng, các bệnh đường tiêu hóa, bệnh nước ăn chân, cảm cúm, đau mắt đỏ…
Vì vậy, đề nghị chính quyền địa phương tiếp tục phương châm “nước rút tới đâu làm vệ sinh môi trường tới đó”, đảm bảo điều kiện an toàn khi học sinh đến trường. Huy động lực lượng, phân công cán bộ xuống ngay các địa bàn để giúp dân dọn dẹp vệ sinh môi trường.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng trao 1 cơ số thuốc hỗ trợ Trạm y tế xã Thạch Đài (Thạch Hà)
Các trạm y tế y tế nhanh chóng triển khai biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các khu vực nước lũ vừa rút; tiêu độc khử trùng, xử lý nước sạch sinh hoạt; cấp thuốc điều trị, khám chữa bệnh và kiểm soát không để dịch bệnh bùng phát, lây lan sau lũ xảy ra.
Cũng trong sáng nay, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng đã đến kiểm tra công tác hỗ trợ người dân sấy lúa tại 2 cơ sở sấy lúa trên địa bàn xã Phú Lộc và xã Vượng Lộc (Can Lộc).
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng cùng đoàn kiểm tra, động viên chủ cơ sở lò sấy Nguyễn Xuân Chính ở Vượng Lộc (Can Lộc) đã chia sẻ khó khăn, giúp đỡ người dân sấy lúa.
Theo báo cáo của các cơ sở sấy lúa, bắt đầu từ sáng nay, các cơ sở đã “đốt lò” phục vụ sấy lúa cho bà con các địa phương bị ngập trong trận lụt vừa qua. Trong sáng nay, các cơ sở này đã sấy trên 100 tấn lúa cho người dân Cẩm Xuyên và các xã trên địa bàn. Chi phí sấy lúa, được các cơ sở hỗ trợ 50%.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng ghi nhận, đánh giá cao tinh thần chia sẻ khó khăn với người dân của các chủ cơ sở lò sấy.
CBCS Công an huyện Can Lộc giúp người dân sấy lúa.
Chủ tịch UBND tỉnh thông tin, trận lũ lụt vừa qua có trên 95.000 tấn lúa của người dân Cẩm Xuyên, Thạch Hà, TP Hà Tĩnh bị ngập, ướt. Vì vậy, cùng với việc tranh thủ thời tiết thuận lợi, người dân cần đưa lúa ra phơi thì việc các cơ sở sấy lúa trên địa bàn đã hỗ trợ, giúp đỡ người dân sây lúa có ý nghĩa rất quan trọng.
Đây là vấn đề đảm bảo an ninh lương thực cho những tháng tới. Tỉnh sẽ có chính sách hỗ trợ giá sấy lúa cho bà con.