Máy múc được huy động tới khu vực sạt lở dời dọn số đất, đá gây ách tắc giao thông trên QL8
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, vào sáng 26/9, tại Km82+950 trên tuyến QL8 đoạn qua xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn xảy ra sạt lở mái taluy dương khiến 500m3 đất đá từ trên núi tràn xuống lòng đường, song, nhờ huy động nhân lực, máy móc tiến hành dời dọn kịp thời nên phương tiện vẫn có thể lưu thông.
Tuy nhiên, do mưa lớn tiếp tục kéo dài nên từ đêm 26/9, một số vị trí trên tuyến QL8 xảy ra sạt lở mái taluy dương, trong đó, tại khu vực Km82+800 đoạn qua xã Sơn Kim 1, bị nặng nhất với khoảng 1.000 m3 đất, đá tràn xuống, chắn ngang đường, khiến phương tiện không thể lưu thông.
Tới 11h ngày 27/9, tuyến QL8 qua huyện Hương Sơn đã được thông xe.
Ngay khi xảy ra sự cố sạt lở, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo phối hợp với Phòng CSGT Công an tỉnh, cơ quan quản lý đường bộ và chính quyền địa phương tiến hành đặt biển cảnh báo, phân luồng giao thông, không để phương tiện ùn ứ gần khu vực bị sạt lở. Do trời tối, thời tiết xấu, ngành chức năng không thể huy động máy móc, nhân lực để dọn đất, đá mà phải chờ tới sáng 27/9 mới có thể triển khai.
Với việc huy động 2 máy xúc cùng nhiều công nhân, sau nhiều nỗ lực, tới 11h ngày 27/9, số đất, đá tràn xuống tuyến QL8 được dời dọn, giúp phương tiện lưu thông bình thường trở lại.
Video: Tuyến QL8 được thông xe sau nhiều giờ dời dọn đất, đá tràn xuống lòng đường.
“Bao quanh tuyến QL8 qua huyện Hương Sơn là địa hình đồi núi nên khi mưa lớn kéo dài sẽ khiến đất, đá ngấm no nước, gây nên nguy cơ sạt lở cao, nhất là khu vực ở xã Sơn Kim 1 (gần eo Cô Gái). Sự cố sạt lở vừa gây ách tắc giao thông vừa nguy hiểm cho người, phương tiện qua lại. Để đảm bảo an toàn vào mùa mưa lũ, đơn vị luôn cắt cử nhân lực trực gác, kiểm tra và lên phương án ứng phó mỗi khi có sạt lở xảy ra”, ông Trần Thế Thành – Phó trưởng Văn phòng Quản lý đường bộ II.3 cho hay.
Mưa ngập chia cắt nhiều tuyến giao thông ở Hương Khê ngày 26/9.
Trong khi đó, mưa lớn từ đêm 25 tới sáng 27/9 cũng đã gây ngập 287 vườn nhà dân, 21 ha bưởi Phúc Trạch, chia cắt 8 hội quán thôn của huyện Hương Khê. Nhiều tuyến đường giao thông, công trình cầu, cống bị sạt lở, hư hỏng; 6 hộ dân ở 2 xã Hương Lâm, Hương Thủy phải di dời đến nơi an toàn.
Thời điểm xảy ra mưa lớn gây ngập úng nhiều nơi, huyện Hương Khê đã nhanh chóng triển khai lực lượng xung kích phòng chống thiên tai kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực trũng thấp, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân.
Với các tuyến đường, ngầm tràn bị ngập, chính quyền địa phương cũng lắp đặt biển cảnh báo, cắt cử người canh gác không để người dân đi qua.
Ngành y tế kiểm tra và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sau lũ tại địa bàn huyện Hương Khê
Từ trưa ngày 27/9, khi mưa giảm, nước rút, huyện Hương Khê đã phối hợp với các lực lượng tiến hành dọn dẹp vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả sau mưa lũ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Phan Kỳ cho hay: Do ảnh hưởng của mưa lớn, huyện đã cho gần 7.800 học sinh và 1.700 cán bộ, giáo viên, nhân viên không phải tới trường. Đồng thời, chỉ đạo Phòng GD&ĐT huyện, các trường, tùy theo diễn biến thời tiết và điều kiện cụ thể để sắp xếp phương án dạy học phù hợp. Địa phương cũng đang phối hợp với ngành y tế xử lý môi trường, đảm bảo vệ sinh cho các hộ dân bị ảnh hưởng mưa ngập”.
Tuyến đường quốc phòng ven biển đoạn qua xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên bị sạt lở.
Tại huyện Cẩm Xuyên, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, trên tuyến đường quốc phòng ven biển qua xã Cẩm Lĩnh cũng bị sạt lở mái taluy dương với 200 m3 đất đá tràn xuống đường.
Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên Lê Ngọc Hà thông tin: Do tuyến đường này ít người qua lại nên địa phương đã đặt biển cảnh báo và chờ thời tiết khô ráo mới dời dọn số đất, đá tràn xuống đường. Bên cạnh đó, gió to, sóng lớn cũng khiến khu vực kè biển ở xã Cẩm Nhượng xuất hiện điểm sạt lở mới với diện tích 40m2. Huyện đã tiến hành gia cố tạm thời, hạn chế khu vực sạt lở bị lan rộng.
“Địa phương đang tính toán phương án xử lý đảm bảo an toàn cho tuyến kè biển Cẩm Nhượng. Trường hợp chỉ có mưa thì điểm sạt lở không quá đáng ngại nhưng nếu có bão hoặc áp thấp nhiệt đới gây sóng to, gió lớn, điểm sạt lở có thể thêm nghiêm trọng”, ông Lê Ngọc Hà cho thiết thêm.
Các địa phương, đơn vị cần chú trọng xử lý môi trường sau mưa lũ.
Ông Trần Đức Thịnh - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, đợt mưa lớn kéo dài từ đêm 25 đến sáng 27/9 đã gây ra đợt lũ vừa trên các sông, xảy ra ngập úng, sạt lở đất, gây ảnh hưởng tới giao thông và cuộc sống của một số hộ dân trên địa bàn tỉnh.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đề nghị các địa phương, đơn vị tiếp tục theo dõi sát tình hình thời tiết, chỉ đạo triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả, có phương án khôi phục sản xuất phù hợp; tiếp tục bố trí lực lượng hỗ trợ Nhân dân, các nhà trường sửa chữa nhà cửa, vệ sinh môi trường để sớm ổn định cuộc sống, hoạt động dạy học. Đặc biệt, cần chú trọng xử lý nguồn nước, môi trường sau ngập lụt, không để xảy ra dịch bệnh.
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Hà Tĩnh, ngày 28/9, khu vực Hà Tĩnh có mưa vừa, mưa to và dông, lượng mưa phổ biến 40 - 70mm, có nơi trên 100mm. Từ đêm 28/9 mưa rải rác. Lũ trên các sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố đã đạt đỉnh và đang ở xu thế xuống. |