3 ngày trở lại đây, 7 cán bộ của Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở GTVT Hà Tĩnh) luôn trong tình trạng “mướt mồ hôi” để tìm cách xử lý hồ sơ cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX) theo Luật Trật tự ATGT đường bộ có hiệu lực từ 1/1/2025 hiện đang bị “tồn đọng” do phần mềm từ Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) cung cấp.
“Ngày thường, phòng cử 2 cán bộ phụ trách việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ cấp đổi GPLX theo luật mới cho người dân. Tuy nhiên, do phần mềm bị lỗi nên hồ sơ tiếp nhận của người dân từ đầu năm tới nay không thể xử lý. Hiện, cả 7 cán bộ của phòng, từ trưởng, phó phòng tới nhân viên đều đang tập trung xử lý số hồ sơ cấp đổi GPLX đang tồn đọng”, ông Nguyễn Quang Sơn – Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở GTVT Hà Tĩnh) vừa nói vừa nhập số liệu vào phần mềm máy tính.
Theo ông Nguyễn Quang Sơn, dù “dồn toàn lực” cho việc xử lý, tuy nhiên, do phần mềm của Cục Đường bộ Việt Nam cung cấp vẫn đang bị lỗi nên hiệu quả công việc mang lại không cao. Hiện vẫn còn hơn 300 hồ sơ cấp đổi GPLX chưa được xử lý và nhiều khả năng không thể trả kết quả đúng thời hạn cho người dân.
Thông tin về việc thực hiện cấp đổi GPLX theo luật mới, từ ngày 2/1/2025 tới nay, Sở GTVT Hà Tĩnh tiếp nhận 1.085 hồ sơ trực tiếp và 341 hồ sơ trực tuyến toàn phần (cấp độ 4) nhưng mới trả được 701 GPLX đổi trực tiếp và 83 GPLX đổi trực tuyến.
Việc chậm trễ xử lý, trả GPLX cho người dân xuất phát từ hệ thống phần mềm cấp đổi GPLX của Cục Đường bộ Việt Nam bị lỗi trong quá trình thao tác.
“Sở GTVT Hà Tĩnh đã có báo cáo tình trạng này lên Cục Đường bộ Việt Nam và Bộ GTVT. Cục Đường bộ Việt Nam sau đó cũng cung cấp thêm một số phiên bản mới cho phần mềm. Tuy nhiên, các lỗi vẫn liên tục xuất hiện, thậm chí, có phiên bản mới cập nhật lỗi còn nhiều hơn phiên bản cũ, đơn cử như việc hiện có 95 hồ sơ cấp đổi trực tuyến đã tiếp nhận nhưng sau khi cập nhật phần mềm lại bị “thất lạc trên mạng” khiến anh em không biết xử lý ra sao”, ông Nguyễn Quang Sơn nói thêm.
Việc phần mềm cấp đổi GPLX bị lỗi cũng ảnh hưởng tới nhiều tỉnh, thành trên cả nước, tuy nhiên, theo nắm bắt, số lượng hồ sơ tồn đọng chưa thể trả cho người dân từ Sở GTVT Hà Tĩnh lớn hơn các địa phương khác.
Nguyên nhân của việc này là do người dân chưa nắm rõ các nội dung liên quan tới việc cấp đổi GPLX theo luật mới nên có tâm lý lo lắng, dẫn tới số lượng người dân tới làm thủ tục cấp đổi GPLX qua mạng tăng đột biến, gấp 2-3 lần so với ngày thường.
“Theo quy định, những trường hợp phải cấp đổi lại GPLX là khi bị hư hỏng không còn sử dụng, đến thời hạn đổi hoặc quá thời hạn đổi, bị mất hoặc thay đổi thông tin ghi trên GPLX. Tuy nhiên, từ đầu năm tới nay, không ít trường hợp GPLX còn thời hạn sử dụng, không bị hỏng, vẫn có thể tiếp tục được sử dụng, chưa bắt buộc phải đổi nhưng người dân vẫn đi cấp đổi lại. Sở GTVT đã từng tuyên truyền, hướng dẫn nhưng người dân vẫn không nắm rõ”, Phó Giám đốc Sở GTVT Phan Văn Trung thông tin.
Ông Nguyễn Quang Sơn – Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở GTVT Hà Tĩnh) cho hay: Theo quy định, với hồ sơ cấp đổi GPLX trực tiếp, trong 3 ngày sẽ xử lý xong, trong khi đó, thời gian xử lý với hồ sơ tiếp nhận trực tuyến là 10 ngày. Tuy nhiên, phần mềm bị lỗi, hồ sơ nộp nhiều ngày nhưng vẫn không được xử lý trong khi GPLX cũ đã hết hạn, hư hỏng không thể sử dụng khiến người dân bức xúc. Nhiều người dân đã phản ánh tình trạng này lên đường dây nóng của Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Giám đốc Sở GTVT, cán bộ phòng chuyên môn, cán bộ phụ trách cấp đổi GPLX.
“Đơn vị hiểu và chia sẻ với người dân, nhất là với GPLX sắp và đã tới hạn cấp đổi. Tuy nhiên, do cán bộ ít, lượng hồ sơ cấp đổi GPLX đầu năm tăng đột biến trong khi phần mềm bị lỗi, phải tăng thời gian xử lý, sắp xếp để tránh thất lạc và cũng phải tiếp nhận, trả lời ý kiến phản ánh của người dân nên anh em trong phòng rất mệt mỏi, nhưng cũng không thể làm được gì do không thể can thiệp vào phần mềm”, ông Nguyễn Quang Sơn nói thêm.
Hiện nay, Sở GTVT Hà Tĩnh đang liên hệ với Sở GTVT Thanh Hóa nhờ hỗ trợ bởi địa phương này cũng từng gặp tình trạng tương tự và sau đó có xử lý được một số hồ sơ. Tuy nhiên, phương án này khả năng chỉ xử lý được một số hồ sơ chứ không thể giải quyết toàn bộ hồ sơ cấp đổi GPLX đang tồn đọng.
Sở GTVT Hà Tĩnh cũng cắt cử cán bộ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Cục Đường bộ Việt Nam để bổ sung, chỉnh sửa các phần mềm cấp đổi GPLX và xử lý các GPLX đã tiếp nhận bị lỗi, bị thất lạc trên môi trường số.
“Người dân cần kiểm tra lại GPLX xem đã cần thiết để cấp đổi hay chưa. Trường hợp GPLX còn thời hạn sử dụng dài, không bị hỏng, vẫn có thể tiếp tục được sử dụng, chưa bắt buộc phải đổi thì không nên làm thủ tục cấp đổi trong thời gian này”, ông Nguyễn Quang Sơn – Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở GTVT Hà Tĩnh) nói.
Trong thời gian các phần mềm cấp đổi GPLX trực tiếp và trực tuyến chưa hoàn chỉnh, Sở GTVT Hà Tĩnh đang đề nghị Bộ GTVT, UBND tỉnh cho phép dừng cấp đổi GPLX từ ngày 22/1 cho đến khi các phần mềm được hoàn thiện.
Nói về thời điểm có thể triển khai việc cấp đổi GPLX như bình thường, Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở GTVT Hà Tĩnh) nói rằng: “còn tùy thuộc vào hiệu quả việc xử lý, khắc phục lỗi phần mềm từ Cục Đường bộ Việt Nam”.
Hiện nay, khi người dân tới nộp hồ sơ cấp đổi GPLX trực tiếp, Sở GTVT sẽ cấp “giấy xác nhận” cho người dân là đã tới nộp hồ sơ cấp đổi. Với hồ sơ cấp đổi GPLX trực tuyến, đơn vị này chưa tiếp nhận vì không thể xử lý.
Các lỗi trong phần mềm cấp đổi GPLX trực tiếp đó là chọn in GPLX có thời hạn thì lại in ra GPLX không thời hạn, chỉ chọn in 1 GPLX A1 lại in ra cả GPLX ô tô và là không thời hạn; chọn in GPLX C1 (theo quy định là đổi từ GPLX B1 số sàn và B2) lại ra kết quả GPLX hạng B; chọn in đổi GPLX hạng E cũ sang hạng D mới thì chỉ in ra hạng D2, chọn in ghép GPLX hạng D với FC hay E với FC thì chỉ in ra được 1 hạng...
Riêng phần mềm cấp đổi GPLX trực tuyến toàn trình (cấp độ 4) thì có một số ngày tiếp nhận xong, quay lại để duyệt thì không tìm thấy hồ sơ ở đâu, một số hồ sơ tiếp nhận xong, in ra thì gặp lỗi tương tự như phần mềm cấp đổi GPLX trực tiếp.