Khó khăn, vướng mắc thực hiện chính sách người có công ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Thời gian qua, Hà Tĩnh đã nỗ lực thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công, nhưng trong quá trình triển khai phát sinh một số khó khăn, vướng mắc cần được bộ, ngành quan tâm tháo gỡ.

Sau gần 3 năm, thực hiện Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ về quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 ngày 9/12/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ưu đãi người có công với cách mạng, huyện Thạch Hà đã triển khai kế hoạch thực hiện đúng quy định, đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho các đối tượng được hưởng thụ góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

bqbht_br_dsc-7829-copy-2064.jpg
Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Võ Hồng Hải tặng quà ông Vương Khả Thìn - bệnh binh, thương binh 4/4 ở thôn Nguyên (xã Thạch Kênh, Thạch Hà) nhân dịp ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7/2024. Ảnh tư liệu

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị định 131, trên địa bàn huyện Thạch Hà đã gặp một số vướng mắc về thủ tục hành chính, ảnh hưởng đến việc giải quyết chế độ chính sách và quyền lợi của một số người có công với cách mạng.

Ông Tạ Hữu Yên – Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Thạch Hà cho biết: “Quy định về thủ tục hành chính tại Điều 157, Nghị định 131 về thủ tục thăm viếng mộ liệt sĩ có các giấy tờ liên quan: chứng nhận gia đình thân nhân liệt sĩ; quyết định thờ cúng liệt sĩ; giấy báo tin mộ... Nhưng hiện nay, người dân lưu giữ các giấy tờ này không đầy đủ nên khó khăn trong việc giới thiệu đi thăm viếng".

Về khó khăn đối với thủ tục thăm viếng mộ liệt sĩ quy định tại Điều 157 (Nghị định 131), lãnh đạo Phòng LĐ-TB&XH huyện Thạch Hà đề nghị: "Giảm bớt thủ tục giấy tờ chứng nhận gia đình thân nhân liệt sĩ; quyết định thờ cúng liệt sĩ; giấy báo tin mộ. Vì UBND cấp xã khi ký giấy giới thiệu đã nắm rõ người làm đơn là thân nhân hoặc người thờ cúng liệt sĩ. Còn giấy báo tin mộ không cần thiết, bởi ban quản lý nghĩa trang liệt sĩ sẽ chịu trách nhiệm khi ký tên, đóng dấu xác nhận".

bqbht_br_dt-dsc3635.jpg
Sở LĐ-TB&XH phối hợp với UBND huyện Thạch Hà tập huấn, đối thoại về thực hiện chính sách ưu đãi người có công.

Tại huyện Can Lộc trong quá trình thực hiện giải quyết chính sách ưu đãi cho người có công cũng nảy sinh một số khó khăn vướng mắc. Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Can Lộc cho rằng, tại Khoản 8, Điều 17 của Nghị định 131, quy định trường hợp được công nhận liệt sĩ qua đời do vết thương tái phát, ngoài các giấy tờ theo quy định phải có biên bản kiểm thảo tử vong. Biên bản này được lập khi bệnh nhân chết ở bệnh viện. Tuy nhiên thông thường trong trường hợp này các bệnh nhân được đưa về gia đình mới mất nên không thể có biên bản kiểm thảo tử vong. Dẫn đến việc công nhận liệt sĩ cho đối tượng không thể thực hiện được.

Để đảm bảo quyền lợi cho đối tượng được hưởng thụ chính sách, bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga kiến nghị: "Đối với trường hợp được công nhận liệt sĩ qua đời do vết thương tái phát quy định tại Khoản 8, Điều 17 (Nghị định 131) cần giảm bớt thành phần hồ sơ “Biên bản kiểm thảo tử vong”. Vì bệnh án điều trị đã thể hiện bệnh nhân chết là do vết thương tái phát".

bqbht_br_11-8709.jpg
Người có công ở Hà Tĩnh chia sẻ băn khoăn vướng mắc về chế độ chính sách.

Không chỉ huyện Thạch Hà, Can Lộc mà nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh cũng phát sinh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách ưu đãi cho người có công theo Nghị định 131.

Ông Đặng Công Nam - Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: "Thực hiện Nghị định 131, bên cạnh những kết quả đạt được, trên địa bàn Hà Tĩnh đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện quy trình, thủ tục hồ sơ và các chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân người có công. Đó là thủ tục xác lập hồ sơ để xem xét công nhận liệt sĩ đối với trường hợp ghi danh liệt sĩ lên nhà bia, đài tưởng niệm liệt sĩ cấp xã nhưng UBND cấp xã, thân nhân không còn lưu giữ giấy tờ, hồ sơ theo quy định dẫn đến không thể xác lập hồ sơ công nhận liệt sĩ".

Vướng mắc khi thực hiện chính sách ưu đãi cho đối tượng đó là Nghị định 131 quy định: "Thân nhân liệt sĩ, người được thân nhân liệt sĩ ủy quyền, người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ (tối đa 3 người) được hỗ trợ di chuyển hài cốt liệt sĩ". Tuy nhiên, trường hợp người thờ cúng liệt sĩ vì lý do bất khả kháng như tuổi cao, sức yếu, khuyết tật hoặc ốm đau đột xuất... không thể trực tiếp di chuyển hài cốt liệt sĩ thì không được ủy quyền cho người khác đi thay và người đi thay cũng không được hỗ trợ kinh phí.

Tại điểm a Khoản 2 Điều 56 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP quy định: "Trường hợp người hoạt động kháng chiến có con đẻ đã hưởng chế độ chất độc hóa học mà bố (mẹ) chưa được công nhận là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học thì cá nhân lập bản khai theo quy định gửi UBND cấp xã nơi thường trú", điều này dẫn đến khó khăn cho cán bộ trong việc tiếp nhận, thẩm định hồ sơ...

Để giải quyết chế độ chính sách và quyền lợi của người có công trên địa bàn tỉnh, đồng thời tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện Nghị định 131, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với các sở, ngành liên quan, các địa phương tập trung giải quyết chế độ, chính sách kịp thời cho các đối tượng.

Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB&XH đã đề xuất, kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH tham mưu trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131 để giải quyết chế độ, chính sách cho một số nhóm đối tượng người có công một cách kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Ông Đặng Văn Dũng – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH

Chủ đề Người có công với cách mạng

Đọc thêm

Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Đa dạng hỗ trợ các mô hình sinh kế, đẩy mạnh đào tạo nghề..., huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên xóa nghèo.