Sở hữu trí tuệ nâng tầm giá trị sản phẩm

(Baohatinh.vn) - Bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ là công cụ đắc lực nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, cần được tiến hành đồng bộ gắn với nâng cao năng suất, chất lượng, đặc biệt là trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Việc triển khai đồng bộ, có hệ thống hoạt động sở hữu trí tuệ (SHTT) cho các ngành hàng, sản phẩm của Hà Tĩnh nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, gia tăng chuỗi giá trị hàng hóa, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, người sản xuất và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo sự chủ động hội nhập kinh tế quốc tế là yêu cầu cấp bách hiện nay. Thời gian gần đây, ngành khoa học Hà Tĩnh đang nỗ lực đẩy mạnh hoạt động SHTT.

Trưởng phòng Quản lý công nghệ - SHTT (Sở KH&CN) Nguyễn Huy Trọng cho biết, cuối năm 2015, UBND tỉnh đã ban hành đề án hỗ trợ và phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn

2015-2020. Đến nay, ngành khoa học đang nỗ lực thực hiện công tác bảo hộ thương hiệu đối với các sản phẩm trên địa bàn tỉnh. Phát triển tài sản trí tuệ đối với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ là một trong những mũi đột phá tập trung trong năm 2016 và thời gian tiếp theo.

Các kênh phân phối đặc sản bưởi Phúc Trạch tại Hà Tĩnh, Vinh, Hà Nội... được đông đảo người tiêu dùng đón nhận

Các kênh phân phối đặc sản bưởi Phúc Trạch tại Hà Tĩnh, Vinh, Hà Nội... được đông đảo người tiêu dùng đón nhận

SHTT có vai trò quan trọng trong thời kỳ hội nhập, tuy nhiên, người dân trên địa bàn tỉnh chưa quan tâm đúng mức. Do đó, thời gian qua, ngành KH&CN Hà Tĩnh không chỉ tổ chức làm việc trực tiếp với từng địa phương mà còn đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn đến từng doanh nghiệp, HTX, hộ SXKD… hướng dẫn trực tiếp theo hình thức “cầm tay chỉ việc”, hỗ trợ làm thủ tục, thiết kế logo, nhãn mác… sản phẩm. Nhờ đó, ý thức, trách nhiệm của người SXKD và tiêu dùng về quyền SHTT được nâng lên. Đến nay, hàng trăm đơn vị, cá nhân đã được hướng dẫn các trình tự, thủ tục xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp, nhãn hiệu. Kể từ tháng 10/2015, có hơn 40 nhãn hiệu được xây dựng hồ sơ, xác lập quyền SHTT.

Không ít người sản xuất, doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của thương hiệu, nhưng kiến thức về SHTT vẫn còn hạn chế. Ông Lê Xuân Hồng (xã Gia Hanh, Can Lộc) chia sẻ, cam Thượng Lộc bắt đầu được người tiêu dùng biết đến, chất lượng cao nhưng giá cả trên thị trường vẫn còn thấp. Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quan trọng hơn là có giải pháp giữ và phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường, để phòng và xử lý các sản phẩm nhái thương hiệu; áp dụng tiến bộ KHKT giúp người dân nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm”.

Các sản phẩm được bảo hộ quyền SHTT góp phần nâng cao chất lượng, quá trình kiểm tra, quản lý nghiêm ngặt, tăng khả năng cạnh tranh, nhiều sản phẩm khẳng định chỗ đứng trên thị trường như: cu đơ Phong Nga, bưởi Phúc Trạch, gạo Đức Lâm, doanh nghiệp Phú Tài…

Sản phẩm cu đơ Hà Tĩnh đang được ngành KH-CN tỉnh phối hợp xây dựng nhãn hiệu tập thể

Sản phẩm cu đơ Hà Tĩnh đang được ngành KH-CN tỉnh phối hợp xây dựng nhãn hiệu tập thể

Nhờ làm tốt công tác quản lý chỉ dẫn địa lý, thương hiệu bưởi Phúc Trạch (Hương Khê) đã được khẳng định, sản phẩm được phân phối, quảng bá bằng nhiều hình thức, giá trị ngày càng được nâng cao, tạo động lực cho người dân phát triển sản xuất. Anh Hà Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh bưởi Phúc Trạch cho biết, sau khi được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý và có hệ thống chỉ dẫn địa lý nên bưởi Phúc Trạch hiện có giá bán cao gấp 1,5-2 lần so với trước đây. Bên cạnh đó, có tem, nhãn nên hạn chế được tình trạng nhái thương hiệu, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Huy Trọng cho biết thêm, với những đổi mới trong cách thực hiện đề án, năm 2016, Sở KH&CN phấn đấu phối hợp, hỗ trợ xây dựng, xác lập quyền SHTT đối với 400-500 nhãn hiệu trên địa bàn tỉnh, trong đó, có 3-4 nhãn hiệu hàng hóa được đăng ký ra nước ngoài. Đặc biệt, sở tổ chức làm việc trực tiếp với các địa phương cấp huyện để xây dựng các dự án phát triển, bảo hộ nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý với các sản phẩm đặc trưng, làng nghề, dịch vụ như: cu đơ Hà Tĩnh, đồ gỗ Thái Yên, dê Hương Sơn, giò Hà Tĩnh, hải sản Thạch Kim…; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên và con người Hà Tĩnh, thông qua công cụ SHTT để quảng bá, nâng cao giá trị sản phẩm, nâng tầm hình ảnh của Hà Tĩnh trong thời kỳ hội nhập.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast