Tài sản các tỷ phú Việt Nam tăng vọt từ đâu?

Không chỉ có số tỷ phú được công nhận cao nhất từ trước đến nay, tài sản các tỷ phú Việt cũng tăng thêm nhiều tỷ USD trong năm Covid-19.

Tài sản các tỷ phú Việt Nam tăng vọt từ đâu?

6 tỷ phú Việt Nam nằm trong danh sách của Forbes năm nay. Đồ họa: Tạ Lư

Tạp chí Forbes (Mỹ) vừa công bố danh sách tỷ phú thế giới năm 2021 với con số kỷ lục 2.755 người, tăng 660 so với năm ngoái. Trong một năm mà đại dịch khiến kinh tế toàn cầu rơi vào khủng hoảng, những người giàu nhất thế giới tăng sở hữu lên 13.100 tỷ USD, so với 8.000 tỷ USD trong danh sách 2020. Sự gia tăng về tài sản và số lượng cũng là xu hướng của giới siêu giàu Việt Nam.

Nếu chỉ tính riêng 4 tỷ phú Việt có mặt trong danh sách năm 2020, tài sản của những người này khi Forbes thống kê cho năm 2021 tăng 3,1 tỷ USD, lên 13,3 tỷ USD. Danh sách năm nay cũng đánh dấu sự trở lại của ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát và ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan Group sau những năm vắng bóng.

Dù tài sản mang tính cá nhân, những con số này phần nào phản ánh hiện trạng của những doanh nghiệp gắn liền với tên tuổi những tỷ phú Việt. Sự gia tăng một phần do mức nền thấp của năm 2020, bởi thời điểm “chốt sổ” giá cổ phiếu năm ngoái trùng vào nhịp rơi của thị trường chứng khoán. Nhưng một phần lý do cũng đến từ sự vươn lên của những tập đoàn lớn trong năm đầu đại dịch.

Năm nay, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup được Forbes ghi nhận tài sản 7,3 tỷ USD, là mức cao nhất trong 9 năm xuất hiện trong danh sách này kể từ lần đầu năm 2013.

Với Vingroup, năm 2020 mang đến nhiều thách thức. Tập đoàn quy mô càng lớn, ảnh hưởng từ những biến cố “thiên nga đen” như Covid-19 càng mạnh. Mảng kinh doanh dịch vụ khách sạn, du lịch, vui chơi giải trí là một ví dụ khi doanh thu chỉ bằng 50% cùng kỳ. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn, những cấu phần chính của tập đoàn vẫn phát huy được vai trò trụ đỡ.

Là nhà phát triển lớn nhất thị trường, doanh thu chuyển nhượng bất động sản của Vingroup vẫn cao hơn cùng kỳ với nhiều giao dịch bán buôn quy mô lớn. Doanh thu từ hoạt động sản xuất, công nghệ và các dịch vụ liên quan - trụ cột mới của tập đoàn - tăng gần 90% với những bước tiến trong việc giành thị phần. Những thương hiệu ôtô của Vingroup thậm chí đã xuất hiện trong top đầu thị phần dù mới “chào sân”. Thoái vốn khỏi mảng bán lẻ cũng giúp tập đoàn giảm bớt gánh nặng lỗ vài nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Kết quả là doanh thu trong năm 2020 của Vingroup thậm chí còn tăng so với cùng kỳ nếu loại trừ mảng bán lẻ. Lợi nhuận trước thuế cả năm vẫn đạt gần 14.000 tỷ đồng.

Nếu nói về tác động của Covid-19, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet, tỷ phú đứng thứ hai tại Việt Nam, có lẽ là người hiểu rõ nhất. Hàng không được xếp cùng với du lịch, là những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề do Covid-19. Các biện pháp hạn chế đi lại, đóng cửa giữa các quốc gia, khiến ngành này chịu đòn giáng mạnh. Vietjet cũng không phải ngoại lệ.

Doanh thu cả năm của hãng chỉ bằng chưa tới một nửa cùng kỳ. Vietjet chịu lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, nhờ hoạt động khác, tính cả năm 2020, Vietjet vẫn đạt lợi nhuận sau thuế hợp nhất 70 tỷ đồng, là một trong số ít các hãng hàng không trên thế giới không sa thải nhân viên và hoạt động có lợi nhuận. Công ty cũng ghi nhận cơ cấu doanh thu phụ trợ đạt gần 50%.

So với đầu tháng 4/2020, cổ phiếu của VIC và VJC đến nay đều tăng trên 30%. Ông Vượng có thêm 1,7 tỷ USD, còn tài sản của bà Thảo cũng tăng thêm 0,7 tỷ USD.

Trường hợp tăng tài sản tích cực nhất phải kể đến Chủ tịch Hòa Phát, ông Trần Đình Long . So với thời điểm thị trường chạm đáy năm ngoái, đến nay VN-Index đã tăng hơn 66%, còn cổ phiếu HPG tăng tới 212%.

Sự trở lại của “Vua Thép” đến từ tăng trưởng của hoạt động kinh doanh, sự gia tăng thị phần trong một năm mà ngành thép được đánh giá là một trong những ngành hưởng lợi nhất. Việc gia tăng đầu tư công nhằm giảm bớt ảnh hưởng của Covid-19 tới kinh tế đã gián tiếp làm tăng nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng.

Dự án Dung Quất cũng giúp Hòa Phát khép kín chuỗi giá trị các sản phẩm thép, từ quặng sắt đến phôi thép, thép xây dựng, thép chất lượng cao, thép cuộn cán nóng, ống thép, tôn mạ, thép dự ứng lực. So với các doanh nghiệp khác, điều này giúp Hòa Phát có lợi thế đáng kể.

Khi thị trường tăng trưởng tốt, việc giữ trọn chuỗi giá trị giúp Hòa Phát có biên lợi nhuận tốt hơn. Nếu cần thiết, Hòa Phát cũng có căn cứ để tham gia cuộc chiến về giá khi muốn gia tăng thị phần. Khi đầu ra khó khăn, Hòa Phát có thể bán phôi thép cho các nhà sản xuất khác, giúp đảm bảo khả năng tiêu thụ.

Lũy kế cả năm 2020, Hòa Phát đạt doanh thu 91.279 tỷ đồng, tăng 41% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế cả năm đạt hơn 13.500 tỷ đồng, tăng 80%.

Ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Techcombank được Forbes ghi nhận với khối tài sản 1,6 tỷ USD trong khi của ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Hội đồng quản trị Masan là 1,2 tỷ USD.

Năm nay đánh dấu sự trở lại của ông Quang sau khi rời khỏi danh sách của Fobes năm 2020, còn tài sản của ông Hùng Anh tăng thêm 0,6 tỷ USD so với năm trước.

Ông Quang và ông Hùng Anh là hai tỷ phú có mối liên hệ với nhau và nguồn gốc tài sản cùng đến từ khối cổ phần tại hai doanh nghiệp trong top vốn hóa sàn chứng khoán là Techcombank và Masan.

Tài sản các tỷ phú Việt Nam tăng vọt từ đâu?

Ông Nguyễn Đăng Quang (bên phải) và ông Hồ Hùng Anh được xem là “bộ đôi” gắn bó lâu năm. Ảnh: Tạ Lư.

Phần giới thiệu của Forbes về ông Hùng Anh cho biết, ông và ông Quang là “hai đối tác kinh doanh thân thiết” và có “mối liên hệ đan xen với nhau”. Ông Quang và ông Hùng Anh đều là du học sinh Nga, sớm bén duyên với việc buôn bán, trở về Việt Nam giai đoạn đầu thập niên 90, cùng đầu tư vào Techcombank và sau đó hợp tác xây dựng lên Masan Group của ngày hôm nay.

Khác với lĩnh vực phi tài chính có sự phân hóa mạnh trong năm 2020 do tác động của đại dịch, ngành ngân hàng vẫn “thắng lớn”. Với Techcombank, lãi trước thuế của nhà băng này tăng hơn 20% lên 15.800 tỷ, nhờ nguồn thu từ lãi và nguồn thu ngoài lãi đều tăng trưởng tốt. Kết quả là cổ phiếu TCB tăng từ vùng đáy 16.000-17.000 đồng đầu năm ngoái lên mức trên 42.000 đồng hiện nay.

Với Masan, Covid-19 khiến thu nhập của người dân bị ảnh hưởng khiến ngành bán lẻ ít nhiều bị tác động, đặc biệt là Masan Consumer. Tuy nhiên, do các mặt hàng chủ yếu thuộc phân khúc thiết yếu, với mức giá không quá cao, Masan Consumer vẫn tăng trưởng ở hầu hết phân khúc. Doanh thu thuần của công ty này tăng hơn 26% lên 23.343 tỷ đồng. Năm 2020 cũng là năm đầu tiên, doanh thu Masan Consumer vượt ngưỡng 1 tỷ USD.

Ngoài ra lợi thế của Masan còn đến từ việc sở hữu chuỗi Vinmart sau thương vụ với Vingroup. Từ khi hợp nhất VinCommerce và tiếp nhận khoản lỗ, các chỉ tiêu tài chính của Masan biến động mạnh. Doanh thu thuần năm ngoái tăng gần 40.000 tỷ đồng so với 2019, nhưng lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông công ty mẹ giảm trên 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty đã đạt mục tiêu đưa EBITDA của VinCommerce về mức hòa vốn vào cuối 2020 và dự kiến dương trong quý đầu năm nay.

Là doanh nghiệp chưa niêm yết, biến động tài sản của Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương có phần khiêm tốn hơn. Ông Dương trong danh sách mới nhất của Forbes được ghi nhận tài sản 1,6 tỷ USD, xếp thứ 1.931 thế giới và tăng 0,1 tỷ USD so với năm trước.

Công ty Ôtô Trường Hải (Thaco) do ông Dương thành lập ban đầu chỉ bán xe, sau đó dần lắp ráp cho các thương hiệu nước ngoài, như Kia, Mazda và Peugeot và sản xuất xe bus, xe tải thương hiệu Việt.

Theo Minh Sơn/VnExpress

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast