“Không có quy chế dân chủ, không thể làm nông thôn mới”!

(Baohatinh.vn) - Đó là khẳng định của nhiều cán bộ địa phương ở Hà Tĩnh mà tôi có dịp gặp khi bàn về thực hiện quy chế dân chủ cơ sở (QCDCCS). Dân chủ cơ sở không còn là mục tiêu mà đã trở thành “chìa khóa” tập hợp khối đại đoàn kết và huy động sức mạnh tổng hợp trong nhân dân.

khong co quy che dan chu khong the lam nong thon moi

Người dân tổ dân phố 6, thị trấn Cẩm Xuyên “khoe” công trình đường tổ dân phố được mở rộng gấp 3 lần theo phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Điều này được minh chứng bằng những việc làm cụ thể hàng ngày trên những con đường chúng ta qua và những làng quê chúng ta đến ở khắp mọi địa phương. Xây dựng NTM cũng như đô thị văn minh, đều hướng đến chủ thể là người dân. Người dân ý thức rất rõ về điều này nên mọi việc đều được “dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra”…

Đang tham gia làm mương thoát nước bên đường Nguyễn Đình Liễn, bà Nguyễn Thị Lan (tổ dân phố 3, thị trấn Cẩm Xuyên), vui vẻ: “Mọi chủ trương ở đây đều được thông qua dân và để dân bàn nên khi thực hiện rất nhanh. Như con đường này, trước đây, chỉ có 3m, giờ mở rộng lên đến hơn 10m nhưng các hộ bên đường đều vui vẻ tự nguyện hiến đất và tất cả các hộ trong thôn (trừ người ốm yếu) đều tham gia ngày công làm đường và mương thoát nước”...

Thị trấn Cẩm Xuyên là một trong những đơn vị đang tập trung làm “cách mạng” giao thông. Bí thư, Chủ tịch UBND thị trấn Cẩm Xuyên Hoàng Văn Chương cho biết: “Muốn chỉnh trang đô thị thì trước hết phải làm được “cách mạng” giao thông. Ban đầu cũng rất khó khăn nhưng nhờ phát huy QCDCCS nên hiệu quả rất tốt. Thị trấn thực hiện công bố rộng rãi quy hoạch cho người dân biết, đồng thời, các chủ trương, chính sách liên quan đều được đưa về tận các tổ dân phố phổ biến cho dân nghe và bàn bạc. Chẳng hạn như việc làm đường, các tuyến đường mở rộng bao nhiêu, trách nhiệm của người dân đến đâu, thị trấn hỗ trợ phần nào... đều công bố rất rõ ràng. Và khi dân biết, dân bàn và thống nhất thì việc hiện thực hóa chủ trương rất thuận lợi. Các hộ dân đã hiến hàng ngàn m2 đất. Đến nay, tất cả các tuyến đường trong thị trấn đều đã được mở rộng từ 3m lên 8-12m”…

khong co quy che dan chu khong the lam nong thon moi

Phát huy quy chế dân chủ cơ sở, xã Cẩm Thạch (Cẩm Xuyên) huy động nội lực nhân dân xây dựng nhà văn hóa thôn theo tiêu chí nông thôn mới.

Ngay cả những xã đã về đích các tiêu chí xây dựng NTM cách đây nhiều năm như xã Thạch Tân (Thạch Hà), việc thực hiện QCDCCS vẫn đang là giải pháp bao trùm để đưa các tiêu chí đã đạt được đi vào chiều sâu. Chủ tịch UBND xã Thạch Tân Nguyễn Hoành Mai cho biết: “Nếu không có quy chế thì không xây dựng được NTM. Mọi chủ trương, chính sách liên quan, các văn bản pháp luật từ cấp huyện đến cấp tỉnh, xã đều cho phổ biến rộng rãi về tận mọi người dân với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Riêng xã, hiện nay đang thực hiện khá nhiều chính sách hỗ trợ liên quan đến NTM. Các chủ trương, chính sách này đều cho dân biết và bàn trước nên khi đi vào thực hiện rất tốt. Ngay cả những vấn đề còn bất cập như việc vận chuyển và xử lý rác thải, dân được biết rõ tất cả các vấn đề liên quan, do vậy, họ rất chia sẻ và đồng hành. Hiện, xã Thạch Tân đang tập trung mọi giải pháp để phấn đấu đạt xã NTM kiểu mẫu vào năm 2020”.

Theo thống kê của Văn phòng NTM tỉnh, thời gian qua, có trên 85% hạng mục công trình xây dựng NTM được người dân bàn bạc, lựa chọn, xác định mức độ tham gia, đóng góp và tổ chức thực hiện. Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bùi Nhân Sâm cho biết: “Qua giám sát chuyên đề về xây dựng NTM năm 2015 cho thấy, việc thực hiện QCDCCS trong xây dựng NTM rất tốt. Thông qua đó đã huy động được sức mạnh nội lực và tạo được niềm tin trong dân. Đối với một số vấn còn hạn chế, vướng mắc, đoàn giám sát đã có kiến nghị xử lý kịp thời, tránh ảnh hưởng đến niềm tin trong nhân dân...”.

Có thể khẳng định, phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã thực sự đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nói riêng và phát triển KT-XH nói chung. Mặt khác, việc thực hiện QCDCCS ở xã, phường, thị trấn đã góp phần quan trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, tạo được niềm tin, sự đồng thuận để người dân tự giác, tích cực hỗ trợ, hiến kế, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng vững mạnh.

(Còn nữa)

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Vấn đề hôm nay: Sắp xếp ĐVHC cấp xã - từ đề án đến hành động

Vấn đề hôm nay: Sắp xếp ĐVHC cấp xã - từ đề án đến hành động

Hà Tĩnh sắp xếp 209 xã, phường, thị trấn thành 69 đơn vị (9 phường, 60 xã). Đây không phải là lần đầu tiên Hà Tĩnh thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nhưng là lần sắp xếp có tính chất lịch sử, khi tiến hành bỏ cấp huyện, vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
[Motion Graphics] Diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử

[Motion Graphics] Diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử

Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là một trong những đỉnh cao chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Chiến dịch này đã giáng đòn quyết định, tạo bước ngoặt làm thay đổi cục diện chiến tranh, trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Geneve chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Điện Biên Phủ - khúc tráng ca bất tử

Điện Biên Phủ - khúc tráng ca bất tử

Cách đây 71 năm, ngày 7/5/1954, Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử Việt Nam, mãi mãi là niềm tự hào, kiêu hãnh của một dân tộc anh hùng, không bao giờ khuất phục trước mọi kẻ thù.