Trong bài phát biểu dài hơn 45 phút của mình, ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục chống tham nhũng - đã nêu nhiều ý kiến, báo cáo và cả những trăn trở về công tác phòng chống tham nhũng.
3 “không” trong phòng, chống tham nhũng
Theo Cục trưởng Cục phòng chống tham nhũng, trong năm qua công tác phòng chống tham nhũng tại nhiều địa phương còn đặt ra những vấn đề lớn. Trong đó, nhiều địa phương không phát hiện ra trường hợp nào sai phạm về tặng quà và quà tặng, không phát hiện trường hợp nào kê khai tài sản không trung thực và có những địa phương không xử lý trường hợp nào về tham nhũng…
Ông Phạm Trọng Đạt Cục trưởng, Cục Chống tham nhũng. Ảnh Trần Vương |
Lấy ví dụ về vấn đề này, ông Đạt cho hay, qua theo dõi cho thấy, quy định về việc nộp lại quà tặng và tặng quà sai quy định chưa phát hiện các trường hợp vi phạm. Cả nước chỉ có UBND tỉnh An Giang phát hiện sai phạm trong việc tặng quà và nhận quà trái quy định thông qua thanh tra, kiểm tra. Điều này cho thấy quy định này còn hình thức, không quy định về chế tài, thiếu khả thi.
Về việc xác định việc minh bạch tài sản, các địa phương đã triển khai thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập. Theo tổng hợp báo cáo từ các địa phương về việc đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016 thì qua xác minh tài sản, thu nhập của các cơ quan có thẩm quyền, không phát hiện trường hợp nào kê khai không trung thực.
Cũng theo Cục trưởng, Cục Chống tham nhũng trong năm 2016 có tới 17 tỉnh không xử lý trường hợp tham nhũng nào như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Điện Biên, Quảng Nam, Bình Thuận, Bình Dương, Tây Ninh, Trà Vinh, Bến Tre, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Cà Mau, Bà Rịa-Vũng Tàu… Tình trạng này cho thấy ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong việc triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống tham nhũng chưa cao, không thể hiện quyết tâm phòng chống tham nhũng.
Khoảng cách phòng chống tham nhũng giữa các địa phương rất xa
Theo ông Phạm Trọng Đạt, công tác phòng chống tham nhũng cấp tỉnh năm 2016 bộc lộ một số đặc điểm cần lưu ý như việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng ở những địa phương không đồng đều, có khoảng cách rất xa. Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này là do kết quả thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng ở các địa phương có sự khác biệt lớn. Tình trạng này phản ánh thực chất về nhận thức và biện pháp tổ chức thực hiện công tác phòng, chống, tham nhũng giữa các địa phương có sự khác biệt.
Các đại biểu tham gia hội nghị tổng kết công tác phòng chống tham nhũng. Ảnh T.V |
Công tác quản lý về phòng chống tham nhũng ở các cấp tỉnh có sự khác biệt lớn giữa các địa phương và bộc lộ những vấn đề cần phải giải quyết. Hầu hết các chỉ đạo của các tỉnh mới triển khai thực hiện chỉ đạo từ Trung ương, những chỉ đạo xuất phát từ chính yêu cầu thực tiễn của địa phương chưa nhiều; thiếu chương trình, kế hoạch phối hợp hành động chưa đồng bộ; công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng chống tham nhũng cần có sự sáng tạo hơn và có giải pháp đánh giá hiệu quả tác động của hoạt động tuyên truyền, giáo dục, phổ biến về phòng, chống, tham nhũng.
Việc thực hiện công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong một số lĩnh vực vẫn chưa đảm bảo yêu cầu; vẫn còn nhiều nội dung định mức, tiêu chuẩn, chế độ chưa phù hợp với thực tế, nhất là chế độ lương, phụ cấp, công tác phí lạc hậu, việc thanh tra, kiểm tra còn chưa thường xuyên.
Mục tiêu của việc kê khai tài sản không đạt được yêu cầu do công tác xác minh chưa được chú trọng. Việc chuyển đổi vị trí công tác, việc thực hiện quy định về nộp lại quà tặng đạt hiệu quả thấp.
Phát hiện và xử lý tham nhũng là khâu yếu trong công tác phòng chống tham nhũng của các địa phương, giữa các địa phương cũng có khoảng cách lớn, thậm chí có địa phương không đạt điểm xử lý nào. Việc kiểm tra, phát hiện tham nhũng thông qua giải quyết, tố cáo hiệu quả thấp, nhìn chung việc phát hiện tham nhũng ở các địa phương chủ yếu thông qua tiến hành tranh tra, điều tra.