Không tăng giá điện bán lẻ

Đa phần ý kiến đóng góp của người dân và các chuyên gia cho Đề án Cải tiến cơ cấu biểu giá bán điện sinh hoạt đồng tình với quan điểm cần cải tiến cơ cấu biểu giá điện hiện hành. Phương án tính giá điện mới không được làm tăng bán lẻ điện bình quân và không được làm tăng doanh thu của ngành điện.

Công nhân Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội triển khai mở rộng công suất trạm biến áp 110 kV Thường Tín. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN
Công nhân Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội triển khai mở rộng công suất trạm biến áp 110 kV Thường Tín. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN

Rút bớt bậc thang tính giá điện

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa tổng hợp để báo cáo Bộ Công Thương về ý kiến đóng góp của người dân và các chuyên gia cho Đề án Cải tiến cơ cấu biểu giá bán điện sinh hoạt. Theo báo cáo này, đơn vị tư vấn của EVN đã đề xuất 3 phương án về cải tiến Biểu cơ cấu giá bán điện cho sinh hoạt dựa trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế.

Đó là: Giữ nguyên 6 bậc như hiện tại, quy định một mức biểu giá điện sinh hoạt (đồng giá) ở mức 1.747 đồng/kWh và rút gọn biểu giá điện sinh hoạt từ 6 bậc xuống 3 hoặc 4 bậc theo 5 kịch bản trong đó sẽ tính toán chi tiết, đánh giá tác động tới các hộ sử dụng điện, phân tích rõ ưu nhược điểm của từng phương án và của từng kịch bản.

Ba phương án trên với những ưu nhược điểm nhất định đã tạo nên làn sóng tranh luận về phía các đại biểu tham dự. Theo đó, phương án thứ nhất không làm xáo trộn việc áp dụng biểu giá điện, thực hiện được chính sách tiết kiệm điện nhưng khoảng cách chênh lệch giữa các mức giá của một số bậc chưa thực sự hợp lý, dẫn đến có những khoảng thời gian nhu cầu tiêu dùng điện tăng cao (mùa nắng nóng) thì tốc độ tăng tiền điện cao hơn tốc độ sản lượng điện tiêu thụ.

Đối với phương án đồng giá, 3,7% số ý kiến cho rằng, đây là phương án dễ áp dụng, dễ kiểm tra và bình đẳng, ai dùng ít trả tiền ít, ai dùng nhiều trả tiền nhiều.

Trong khi đó, 96,29% số đại biểu tham dự hội thảo đồng thuận với phương án từ biểu cơ cấu giá bán điện hiện hành rút gọn lại 3 hoặc 4 bậc. Bởi, phương án này có thể khắc phục được phần lớn những nhược điểm của 2 phương án trên, đồng thời thỏa mãn được các tiêu chí của việc lựa chọn phương án là phải thực hiện tốt nhất chính sách giá điện theo quy định của Luật Điện lực, tạo điều kiện để quản lý, kiểm tra, giám sát việc sử dụng điện tốt hơn, ít nhược điểm nhất và tác động tăng giá thấp nhất (do phải dồn bậc) đến các đối tượng tiêu thụ điện ít và trung bình.

Về việc thực hiện phương án 3, số đông đại biểu đề nghị lựa chọn kịch bản 5, tức là biểu giá điện sẽ bao gồm 4 bậc thang nhưng phải giải quyết một số vấn đề bất hợp lý, đó là, cần xác định khoảng giãn cách mức giá giữa các bậc thang ở mức hợp lý, không để quá xa; hạn chế đến mức thấp nhất việc dồn bậc làm tác động tăng giá; tiếp tục nghiên cứu chênh lệch giữa các mức giá của các bậc thang sử dụng điện hợp lý hơn. Một số ý kiến khác đề xuất thay đổi mức sản lượng bậc thang đầu tiên là 0 - 100 kWh/tháng thay vì 0 - 50kWh/tháng như hiện nay.

Không thu tiền điện của các hộ dùng dưới 20kWh

Ngoài ra, tại hội thảo, các đại biểu còn đưa ra một số góp ý liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN như: Đề xuất EVN nên nghiên cứu cải tiến trong công nghệ đo đếm hoặc áp dụng biểu giá bán điện sinh hoạt theo thời gian sử dụng điện trong ngày để đưa ra tín hiệu sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả.

Được biết, trong tháng 10, EVN sẽ phối hợp với Cục Điều tiết Điện lực và Tư vấn tiếp tục lắng nghe ý kiến của công chúng, các chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan truyền thông để hoàn thiện Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện theo hướng phù hợp với chủ trương phát triển thị trường điện, nhằm tiếp tục thực hiện giá bán điện theo cơ chế thị trường có tính đến hỗ trợ cho hộ nghèo, hỗ chính sách xã hội. Sau khi tổng hợp toàn bộ các ý kiến, EVN sẽ báo cáo Bộ Công Thương để Bộ tổ chức họp lấy ý kiến các đơn vị liên quan , tổng hợp dự thảo Báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương): Đảm bảo lợi ích cho người dân

Bộ Công Thương đã giao cho Cục Điều tiết điện lực, EVN và các đơn vị liên quan nghiên cứu, đánh giá, khảo sát sự tác động của Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện đến nhóm khách hàng, đối tượng khách hàng sử dụng điện, đặc biệt là đối tượng khách hàng sử dụng điện sinh hoạt. Các chỉ đạo chung trong hoàn thành các Đề án này là phải đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh, giá bán điện cho từng bậc đảm bảo cao hơn giá thành sản xuất kinh doanh điện; khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và công bằng xã hội; đảm bảo thuận lợi cho các hộ sử dụng điện đồng thời đảm bảo cho quá trình quản trị doanh nghiệp; đảm bảo nâng cao tính công khai minh bạch trong việc thực hiện giá bán điện và giảm chồng chéo giữa các đối tượng khách hàng.

Riêng đối với nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, Bộ Công Thương đã có chỉ đạo EVN nghiên cứu, xem xét đề xuất và so sánh các phương án về số lượng, khoảng cách giữa các bậc thang giá điện, biểu giá điện áp dụng cho từng bậc đảm bảo phù hợp với thực tế sử dụng điện sinh hoạt trong thời gian của nhân dân. Đề án phải đánh giá được khả năng của ngân sách Nhà nước cho hỗ trợ hộ nghèo, hộ chính sách khi thiết kế biểu giá bán lẻ điện cho phù hợp.

Theo baotintuc.vn

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Đặc sản Vũ Quang "hút đơn" dịp Tết

Đặc sản Vũ Quang "hút đơn" dịp Tết

Những ngày giáp Tết, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP ở huyện miền núi Vũ Quang (Hà Tĩnh) tất bật chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ mùa kinh doanh sôi động nhất năm.
Thời tiết bất lợi, giá đào, quất năm nay có tăng?

Thời tiết bất lợi, giá đào, quất năm nay có tăng?

Do ảnh hưởng của các đợt mưa lũ trong năm 2024, sản lượng đào, quất tại các tỉnh, thành phía Bắc phục vụ thị trường tết Nguyên đán Ất Tỵ giảm sút đáng kể. Điều này đã tác động để mặt bằng giá một số loại hoa, cây cảnh chơi tết ở Hà Tĩnh.
Giá xăng, dầu cùng tăng

Giá xăng, dầu cùng tăng

Giá xăng, dầu cùng tăng 140-1.000 đồng một lít từ 15h hôm nay, sau điều chỉnh của liên Bộ Công thương - Tài chính.
Giá vàng hôm nay 16/1/2025: Bật tăng

Giá vàng hôm nay 16/1/2025: Bật tăng

Giá vàng hôm nay 16/1/2025: Cùng chiều với giá vàng thế giới, vàng trong nước cũng tăng theo với mức tăng 200.000 đồng, hiện ở mức 84,8 triệu đồng/lượng.