Bánh chưng xanh Bộc Nguyên – Sản phẩm OCOP 3 sao

(Baohatinh.vn) - Với chất lượng thơm ngon, mang đặc trưng của ẩm thực truyền thống, sản phẩm bánh chưng xanh Bộc Nguyên đã được UBND huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.

Năm 2017, sau khi tốt nghiệp ngành Cơ điện tử - Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh, anh Nguyễn Công Sơn (SN 1996), trú tại thôn Na Trung, xã Cẩm Thạch (Cẩm Xuyên) thành lập HTX Dịch vụ Nông nghiệp Hoàng Sơn với hoạt động chính là cung cấp các dịch vụ và thu mua sản phẩm nông nghiệp.

bqbht_br_u5.jpg
Anh Nguyễn Công Sơn sinh ra trong gia đình có truyền thống làm bánh chưng.

Lớn lên trong gia đình có truyền thống làm bánh chưng, lại có "cơ duyên" gắn bó với các mặt hàng nông nghiệp, anh Sơn luôn tìm tòi hướng đi để phát triển các sản phẩm. “Trước đây, gia đình tôi thường làm bánh chưng số lượng nhỏ để tặng bạn bè, người thân, buôn bán trong dịp lễ, tết. Sau khi được mọi người nhận xét bánh "nhà làm" có hương vị thơm ngon, mẫu mã đẹp, tôi đã ấp ủ ý định xây dựng thương hiệu bánh chưng riêng cho gia đình” – anh Sơn kể.

Đầu năm 2024, để định vị thương hiệu, phát triển kinh tế và giúp người tiêu dùng có địa chỉ uy tín để tiếp cận bánh chưng truyền thống, anh Sơn quyết định đầu tư quy trình sản xuất bài bản, lấy thương hiệu “Bánh chưng xanh Bộc Nguyên” và tham gia chương trình OCOP. Tên gọi “Bộc Nguyên” xuất phát từ tên gọi một hồ tự nhiên trên địa bàn xã Cẩm Thạch.

bqbht_br_u6.jpg
Đơn hàng đều đặn, Cơ sở bánh chưng xanh Bộc Nguyên duy trì hoạt động sản xuất hằng ngày.

Với chi phí hơn 350 triệu đồng, anh Sơn đầu tư xây dựng hệ thống nhà xưởng với diện tích 300 m2, chia thành các khu vực: nhà kho, sơ chế nguyên liệu, gói bánh, đóng gói sản phẩm,… Để nâng cao năng suất, anh Sơn đầu tư thêm các máy móc như: máy hút chân không, nồi áp suất điện công suất lớn…

Được sự đồng hành, hướng dẫn, hỗ trợ của chính quyền các cấp, anh Sơn xây dựng lại quy trình sản xuất bánh chưng một cách bài bản hơn, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Anh Nguyễn Công Sơn chia sẻ: “Để có được một chiếc bánh thơm ngon, khâu lựa chọn nguyên liệu là quan trọng nhất. Tại cơ sở chúng tôi, gạo được chọn để gói bánh là loại nếp N98, các loại đỗ, thịt, lá dong… đều là sản phẩm do các cơ sở kinh doanh, người dân địa phương sản xuất, được chọn lọc kỹ lưỡng”.

bqbht_br_u1.jpg
Nguyên liệu sản xuất bánh chưng xanh được tuyển chọn kỹ càng.

Để có được một chiếc bánh chuẩn vị truyền thống, bên cạnh khâu lựa chọn nguyên liệu, khâu sơ chế cũng hết sức quan trọng. “Gạo sau khi ngâm được vớt ra trộn gia vị theo tiêu chuẩn. Thịt ba chỉ được rửa sạch, thái từng miếng vừa phải, ướp đều với hành, tiêu, gia vị. 100% sản phẩm bánh chưng xanh Bộc Nguyên được gói trực tiếp bằng tay, sử dụng khuôn tuỳ theo loại bánh để hình dáng được vuông vắn. Bánh sau khi gói được xếp vào nồi điện, nấu trong thời gian 4,5-5 tiếng. Khi bánh chín sẽ được vớt ra, để nguội, dán tem nhãn, hút chân không, đóng gói và xuất ra thị trường” – anh Sơn cho biết.

Với chất lượng thơm ngon, sự đầu tư kỹ lưỡng về mẫu mã, bao bì, sản phẩm bánh chưng xanh Bộc Nguyên đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao vào tháng 12/2024.

"Được công nhận đạt chuẩn OCOP đã mở ra nhiều cơ hội phát triển cho sản phẩm bánh chưng xanh Bộc Nguyên. Nếu như trước đây, trung bình mỗi ngày cơ sở chỉ sản xuất 50-60 bánh, chủ yếu bán lẻ tại các chợ dân sinh, quán hàng trên địa bàn, thì nay lượng đơn hàng đã tăng từ 80-100 bánh ngày thường. Vào dịp lễ, tết, lượng bánh tiêu thụ tăng cao, dao động khoảng 500 - 700 bánh/ngày. Đặc biệt, thời điểm này, cơ sở đang nhận được rất nhiều đơn đặt hàng dịp tết Ất Tỵ. Dự kiến từ ngày 25 tháng Chạp, chúng tôi sẽ huy động nhân lực, “tăng tốc” sản xuất với số lượng 2.000 bánh/ngày" - anh Sơn cho hay.

Hiện nay, bánh chưng xanh Bộc Nguyên bán ra thị trường có giá từ 25.000 - 35.000 đồng/bánh, tuỳ vào kích thước và yêu cầu của khách hàng; cung cấp ra thị trường ước khoảng 18.000 - 20.000 bánh/năm, lợi nhuận khoảng 150-200 triệu đồng.

bqbht_br_u4.jpg
bqbht_br_u3.jpg
Chứng nhận OCOP giúp bánh chưng xanh Bộc Nguyên đến gần hơn với người tiêu dùng.

Không chỉ mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm bánh truyền thống chất lượng, thơm ngon, cơ sở của anh Sơn còn tạo việc làm ổn định cho 5 lao động thường xuyên với mức thu nhập từ 3-4 triệu đồng/tháng. Vào các đợt cao điểm, lượng hàng hoá tăng cao, cơ sở phải huy động hơn 20 lao động thời vụ tại địa phương để đảm bảo dây chuyền sản xuất.

Nói về định hướng phát triển trong thời gian tới, anh Sơn chia sẻ: "Bánh chưng xanh Bộc Nguyên đã thành công đến với người tiêu dùng nhiều địa phương trong tỉnh và từng bước tiếp cận thị trường các tỉnh/thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Thừa Thiên - Huế, Đắk Lắk... Hiện tại, gia đình tôi cũng đang xây dựng cửa hàng giới thiệu các sản phẩm OCOP để đưa những mặt hàng chất lượng đến tay người tiêu dùng".

Video: Sản xuất bánh chưng xanh Bộc Nguyên đạt chuẩn OCOP 3 sao.

Chủ đề Sản phẩm OCOP Hà Tĩnh

Đọc thêm

“Bến đỗ” của những dự án nghìn tỷ

“Bến đỗ” của những dự án nghìn tỷ

2024 tiếp tục là năm thắng lợi của Hà Tĩnh khi được nhiều doanh nghiệp, tập đoàn tin tưởng “rót vốn” đầu tư các dự án quy mô lớn. 22 dự án có tổng vốn gần 25.000 tỷ đồng được chấp thuận chủ trương đầu tư là “cú hích” tạo niềm tin và động lực tăng trưởng bền vững cho tỉnh nhà trong giai đoạn mới.
Formosa Hà Tĩnh nỗ lực thực hiện mục tiêu kép!

Formosa Hà Tĩnh nỗ lực thực hiện mục tiêu kép!

Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã nỗ lực để thực hiện mục tiêu kép: vừa ổn định sản xuất để tăng doanh thu, vừa chăm lo, đảm bảo cuộc sống cho người lao động.