Hàng chục năm nay, người dân các thôn: Yên Sơn và Mỹ Sơn (xã Sơn Trung) đã tận dụng diện tích đất vườn và đất bãi bồi ven sông Ngàn Phố để trồng lá dong. Nhờ phù sa của dòng sông mà lá dong trồng ở đây luôn cho chất lượng tốt, lá to, xanh mướt, ít bị sâu bệnh.
Lá dong có thể cho thu hoạch 3 vụ/năm. Tuy nhiên, thu hoạch nhiều sẽ khiến cây cho lá nhỏ, chất lượng lá không cao. Vì vậy, hầu hết các hộ trồng cây lá dong ở Yên Sơn và Mỹ Sơn thường thu hoạch vào dịp tết để đảm bảo chất lượng của lá. Người dân ở 2 thôn bắt đầu cắt, bán lá dong từ trước Tết khoảng 2 tuần.
Nhanh tay bó lá dong để kịp xuất bán, bà Lê Thị Xanh (thôn Yên Sơn) cho biết: “Từ hơn 15 năm trước, gia đình đã trồng lá dong trên diện tích đất vườn và bãi bồi ven sông. Đến nay, gần 700m2 trồng lá dong đã cho thu hoạch ổn định, mang lại thu nhập đáng kể cho gia đình vào mỗi dịp Tết. Cùng với gia đình tôi, trong thôn đang có hơn 50 hộ trồng lá dong”.
Ngoài gần 700m2 trồng lá dong của gia đình, bà Xanh còn thu mua lá dong của các hộ trong thôn. Sau khi thu mua, bà xuất bán cho các thương lái trong huyện và một số huyện lân cận. Nhờ đó, mỗi dịp Tết, bà Xanh có thể “đút túi” khoảng 15 triệu đồng.
Cách nhà bà Xanh không xa, ông Thái Văn Bình (thôn Yên Sơn) cũng đang nhanh tay cắt lá dong để xuất bán.
“Những năm gần đây, nhờ thương hiệu và chất lượng đã được khẳng định mà giá cả luôn ổn định, thương lái thường đặt mua cả vườn theo giá sỉ. Riêng gia đình tôi năm nay có gần 300m2 lá dong đã được thương lái đặt mua từ giữa tháng Chạp. Gia đình đang tích cực cắt lá để trả hàng cho họ” - ông Thái Văn Bình chia sẻ.
Ngoài thôn Yên Sơn, thôn Mỹ Sơn cũng được xem là “vựa” lá dong của xã Sơn Trung. Trong thôn, có khoảng hơn 50 hộ dân trồng lá dong từ hàng chục năm nay.
Gia đình ông Thái Văn Dũng (thôn Mỹ Sơn) được xem là một trong những hộ có diện tích trồng lá dong nhiều nhất tại địa phương với gần 1.000m2. Tết này, gia đình dự kiến xuất bán gần 40 ngàn lá.
Ông Dũng cho biết: “Dịp cận Tết, gia đình luôn tất bật cắt lá dong để kịp xuất bán cho thương lái. Năm nay lá dong được giá, loại lá to, đẹp có dao động từ 65-75 nghìn đồng/100 lá (theo giá bán tại vườn). Việc trồng lá dong không mất quá nhiều công chăm sóc. Đây cũng là nguồn thu nhập ổn định hằng năm của người dân trong thôn. Nhờ lá dong, mỗi mùa Tết, gia đình tôi có thêm khoản thu nhập khoảng hơn 10 triệu đồng”.
Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, trên các trục đường làng ở thôn Yên Sơn và Mỹ Sơn nhộn nhịp hẳn lên do thương lái khắp nơi đổ về thu mua lá dong.
Bà Nguyễn Thị Xuân (xã Sơn Giang, Hương Sơn) cho biết: “Từ lâu, lá dong được trồng ven bãi bồi sông Ngàn Phố ở thôn Yên Sơn và Mỹ Sơn được biết đến có chất lượng tốt, lá to, dai, khi gói bánh chưng sẽ cho màu xanh bắt mắt. Do vậy, mỗi dịp cận Tết, tôi thường tới đây để đặt mua sỉ cả vườn. Năm nay, tôi đã thu mua được hơn 40 nghìn lá và xuất bán hết cho các cơ sở gói bánh chưng trên địa bàn huyện và các địa phương lân cận”.
Với người dân thôn Yên Sơn và Mỹ Sơn, lá dong không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà đó còn là biểu tượng của tết Nguyên đán, nhắc nhở về những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Vì lẽ đó mà hàng chục năm qua, người dân nơi đây vẫn gắn bó với loại lá này như một phần quan trọng trong đời sống.
Ông Nguyễn Tiến Thích - Chủ tịch UBND xã Sơn Trung cho biết: “Trên địa bàn xã có hơn 100 hộ dân trồng lá dong, chủ yếu tập trung ở thôn Yên Sơn và thôn Mỹ Sơn. Hộ ít có khoảng 200-300m2, hộ nhiều gần 1.000m2. Từ việc trồng và bán lá dong đã giúp cho người dân địa phương có thêm khoản thu nhập khá, góp phần đón một cái tết tươi vui, đầm ấm hơn.”