Nông dân Hà Tĩnh sẵn sàng cung ứng thực phẩm phục vụ thị trường Tết

(Baohatinh.vn) - Tết Nguyên đán đến gần, nông dân Hà Tĩnh đang tập trung chăm sóc, vỗ béo đàn vật nuôi, sẵn sàng cung ứng nguồn thực phẩm phục vụ nhu cầu tăng cao của thị trường.

Từ giữa tháng 7/2024, Hợp tác xã Thắng Lợi (xã Xuân Thành, Nghi Xuân) đã bắt đầu thả đàn mới gần 300 con lợn thịt để cung ứng cho thị trường cuối năm. Hiện nay, trung bình lợn đạt trọng lượng gần 120kg/con. Dù sắp đến ngày xuất bán, công tác chăm sóc và phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi vẫn được HTX hết sức quan tâm.

bqbht_br_1.jpg
HTX Thắng Lợi có gần 300 con lợn xuất chuồng, phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán.

Bà Nguyễn Thị Nghĩa – Giám đốc HTX Thắng Lợi cho biết: “Tổng đàn lợn của HTX hiện khoảng 1.200 con, trong đó có gần 300 con sẽ bán trước Tết. Để lợn phát triển tốt và đồng đều, chúng tôi luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình phòng dịch, bổ sung dinh dưỡng, đảm bảo chế độ ăn cho vật nuôi. Lợn của HTX chủ yếu phục vụ thị trường trong tỉnh và Nghệ An. Trong năm 2024, giá lợn hơi ở mức khá cao, hiện nay đang là 68.000 đồng/kg nên chúng tôi rất phấn khởi. Dự kiến trong vài ngày tới, chúng tôi sẽ xuất chuồng lứa lợn tết và tập trung chăm sóc cho những lứa tiếp theo”.

Tại Tổ hợp tác chăn nuôi gà Cổ Đạm (xã Cổ Đạm, Nghi Xuân), đàn gà cũng đang được đẩy mạnh “vỗ béo” để đạt chất lượng và trọng lượng xuất bán ra thị trường vào dịp Tết.

Chị Nguyễn Thị Khuyên chia sẻ: “Tổ hợp tác có 7 thành viên, dịp tết này có hơn 2.000 con gà bán ra thị trường. Gà của tổ hợp tác được chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP, đảm bảo vệ sinh chuồng trại, thức ăn gồm các sản phẩm nông nghiệp và thức ăn tổng hợp, chất lượng thịt thơm ngon nên dễ tiêu thụ. Gà khi xuất bán có trọng lượng khoảng 3kg/con, giá từ 110 – 120.000 đồng/kg. Hiện nay, chúng tôi chủ yếu bán cho các quán ăn, nhà hàng và người dân địa phương. Những ngày gần đây, khá nhiều khách hàng đã đến tìm hiểu để mua gà về bán và sử dụng dịp tết”.

bqbht_br_2.jpg
Chị Nguyễn Thị Khuyên dự kiến sẽ xuất bán đồng loạt đàn gà từ sau ngày 20/12 âm lịch.

Theo chị Khuyên, với kinh nghiệm lâu năm, lứa gà Tết, các thành viên của tổ hợp tác đều nuôi thời gian lâu hơn và ưu tiên gà trống do nhu cầu của người dân làm cỗ cúng, lễ tết. Ngoài ra, ngay từ thời điểm chọn giống nuôi, người dân đã chọn giống gà có đuôi dài, mồng đỏ, hình thức đẹp, phù hợp nhu cầu thị trường và bán được giá cao hơn.

Thời điểm này, chị Nguyễn Thị Hằng (xã Kỳ Hoa, TX Kỳ Anh) cũng đang tập trung chăm sóc đàn lợn để chuẩn bị bán dịp Tết. Là hộ chăn nuôi nhiều năm nên gia đình chị đã có kinh nghiệm tính toán thời gian nuôi để bán đúng vào thời điểm Tết.

Chị Nguyễn Thị Hằng chia sẻ: “Tôi chăn nuôi theo hướng nông hộ, số lượng đàn không nhiều nhưng lại là lợn thịt ngon, do đó dù giá có cao hơn lợn nuôi đàn nhưng người mua vẫn ưa chuộng. Để có thịt lợn ngon, tôi đã bắt đầu nuôi lứa này từ tháng 7 và nguồn thức ăn chủ yếu tận dụng sản phẩm tự nhiên như ngô, cám, chuối. Trong quá trình chăm sóc, tôi cũng luôn chú ý vệ sinh chuồng trại, phòng bệnh cho vật nuôi. Dự kiến trọng lượng lợn đạt từ 80 – 100kg/con, khoảng sau ngày 20/12 âm lịch sẽ xuất bán”.

bqbht_br_6.jpg
Là hộ chăn nuôi nhiều năm nên gia đình chị Nguyễn Thị Hằng đã có kinh nghiệm tính toán thời gian nuôi lợn bán dịp Tết.

Tại các vùng nuôi gà với tổng đàn lớn như Thạch Văn (TP Hà Tĩnh), Yên Hòa (Cẩm Xuyên), từ khoảng tháng 9, tháng 10/2024, người dân đã chủ động tăng đàn để bán dịp Tết. Quá trình nuôi, bà con chú trọng việc chăm sóc để đàn gà sinh trưởng tốt, tránh các yếu tố rủi ro do dịch bệnh.

Hiện nay, thương lái cũng đã tìm đến các hộ chăn nuôi để lựa chọn, tham khảo giá cả và đặt hàng. Tuy nhiên, thời điểm cuối năm, giá gà có xu hướng giảm mạnh khiến người chăn nuôi lo lắng vì có nguy cơ phải chịu lỗ. Theo ông Nguyễn Văn Bằng – Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Văn (TP Hà Tĩnh), hiện tổng đàn gà trên địa bàn xã hơn 100.000 con trở lên, trong đó những hộ nuôi ít khoảng 500 con, nhiều hộ nuôi đến 3.000 – 4.000 con. Tuy nhiên, thời điểm này, giá bán thấp, chỉ từ 45 – 55.000 đồng/kg, trong khi trước đó giá 65 - 70.000 đồng/kg nên bà con đang hết sức lo lắng. Hi vọng trong những ngày cận Tết, giá gà sẽ “nhích” thêm để tăng thêm nguồn thu nhập cho bà con.

bqbht_br_7.jpg
Người dân Thạch Văn kỳ vọng giáp Tết giá gà sẽ “nhích” lên để tăng thêm nguồn thu nhập.

Theo thống kê, Hà Tĩnh hiện có gần 200 trang trại lợn quy mô lớn và vừa, 48 trang trại chăn nuôi gà, các HTX nuôi bò và hàng ngàn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Dự kiến tổng lượng cung ứng các mặt hàng nông sản sản xuất trong tỉnh phục vụ người dân dịp cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 gồm hơn 20.500 tấn thịt lợn, 2.700 tấn thịt bò và 6.500 tấn thịt gà.

Để bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp các địa phương, ngành chức năng tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động mua bán, giết mổ động vật; giám sát về chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ các sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm tươi sống, đảm bảo an toàn nguồn thực phẩm cung ứng cho thị trường.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Mục sở thị quy trình nuôi tằm trong phòng điều hòa

Mục sở thị quy trình nuôi tằm trong phòng điều hòa

Vượt qua những khó khăn ban đầu, HTX Mật ong Cường Nga (Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã làm chủ kỹ thuật nuôi tằm và xây dựng được chuỗi liên kết tiêu thụ ổn định, mở ra hướng phát triển kinh tế hiệu quả cho người dân.
Nông dân Cẩm Xuyên trồng sả tía cho thu nhập cao

Nông dân Cẩm Xuyên trồng sả tía cho thu nhập cao

Phát huy tiềm năng kinh tế vùng bán sơn địa, xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đã tập trung phát triển mô hình trồng sả tía trên đất vườn đồi. Từ một vài hộ trồng thí điểm ban đầu đến nay, toàn xã đã có hơn 30ha trồng sả tía, đưa lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương.
Nguy cơ thiếu nước cục bộ: Áp lực lớn cho sản xuất hè thu tại Hà Tĩnh

Nguy cơ thiếu nước cục bộ: Áp lực lớn cho sản xuất hè thu tại Hà Tĩnh

Hiện đang là cao điểm thu hoạch lúa vụ xuân nhưng lịch sản xuất vụ hè thu cũng đã cận kề. Trong điều kiện nhiều công trình thủy lợi vừa và nhỏ, hệ thống kênh tưới bị xuống cấp, tạo ra áp lực cho tiến độ, diện tích và năng suất vụ sản xuất hè thu tại một số địa phương.
Nông dân Thạch Hà vào vụ thu hoạch lạc xuân

Nông dân Thạch Hà vào vụ thu hoạch lạc xuân

Thạch Hà luôn đứng tốp đầu của Hà Tĩnh cả về diện tích lẫn năng suất lạc vụ xuân. Những ngày này, người dân địa phương đã bắt đầu thu hoạch trên các cánh đồng gieo trỉa sớm.
Chống hạn sớm cho cây chè

Chống hạn sớm cho cây chè

Nông dân Hà Tĩnh đã tập trung áp dụng nhiều giải pháp chống hạn cho hơn 1.200 ha cây chè nguyên liệu nhằm duy trì sản lượng, chất lượng ổn định trong mùa nắng nóng.
Chống hạn cho cây chè Kỳ Anh

Chống hạn cho cây chè Kỳ Anh

Chính quyền huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân khoan giếng, lắp đặt thêm hệ thống tưới tự động... để chống hạn cho cây chè.
Hà Tĩnh - đồng thơm hương lúa mới

Hà Tĩnh - đồng thơm hương lúa mới

Tháng năm về mang theo hương lúa chín lan xa trên khắp cánh đồng ở Hà Tĩnh. Tiếng máy gặt hòa cùng nhịp lao động hối hả của người dân tạo nên bức tranh quê sinh động.
Nông dân Hà Tĩnh vào mùa gặt

Nông dân Hà Tĩnh vào mùa gặt

Người dân các địa phương ở Hà Tĩnh đang tập trung thu hoạch lúa xuân chín sớm. Năm nay, mặc dù thời tiết không thuận lợi nhưng nhờ gieo cấy đúng lịch thời vụ, chăm sóc đúng kỹ thuật nên lúa vẫn phát triển tốt.
Giữ màu xanh cho những cánh rừng

Giữ màu xanh cho những cánh rừng

Ban Quản lý (BQL) Rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh luôn kiên trì thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của mình để bảo vệ cho những cánh rừng luôn xanh tươi, an toàn.
Triển vọng chăn nuôi hươu sao ở Cẩm Xuyên

Triển vọng chăn nuôi hươu sao ở Cẩm Xuyên

Chăn nuôi hươu sao đang mở ra nhiều triển vọng phát triển kinh tế cho người dân huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) khi nhiều địa phương nhân rộng mô hình theo tổ hợp tác, hợp tác xã...