Nông dân "rục rịch" tái đàn sau tết
Là một trong những hộ chăn nuôi bò quy mô lớn trên địa bàn xã Thượng Lộc (Can Lộc), thời điểm này, anh Nguyễn Viết Lam đã vệ sinh hệ thống chuồng trại và nhập thêm 10 con bò trị giá gần 170 triệu đồng để về nuôi vỗ béo.
Anh Lam cho biết: “Việc tái đàn thường được tập trung vào khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 3 âm lịch hằng năm, đây cũng là thời điểm giao mùa, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp nên càng cần phải cẩn trọng. Con giống được tuyển chọn kỹ, đã thực hiện tiêm phòng vắc-xin viêm da nổi cục theo kế hoạch của xã”.
Đang tu sửa lại chuồng trại để mở rộng quy mô nuôi gà thả đồi, chị Phạm Thị Lan (thôn Thái Xá 1, xã Mỹ Lộc, Can Lộc) cho biết: “Vừa qua, giá gà ổn định cả trong tết và dịp rằm tháng Giêng (duy trì ở mức 110 - 130.000 đồng/kg) đem lại nguồn thu tốt cho gia đình. Nhờ vậy, tôi mạnh dạn mở rộng thêm 1 chuồng nuôi để nâng tổng đàn lên hơn 600 con”.
Là địa phương có hoạt động chăn nuôi nông hộ phát triển, người chăn nuôi huyện Thạch Hà cũng đang "rục rịch" tái đàn nhằm sớm ổn định lại hoạt động chăn nuôi.
Với quy mô chuồng trại rộng hơn 2.000 m2, hiện gia đình chị Trần Thị Xuân (thôn Đông Châu, xã Thạch Ngọc, huyện Thạch Hà) đã mua đàn lợn giống gần 40 con. Theo chị Xuân, để chăn nuôi an toàn, hiệu quả, gia đình tôi để trống chuồng gần 2 tháng nay, thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng. Đối với con giống, tôi nhập từ những công ty, trang trại uy tín và được tiêm phòng vắc-xin đầy đủ.
Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạch Hà Nguyễn Văn Duy, hiện nay, trên địa bàn huyện không có phát sinh các loại dịch bệnh nguy hiểm đối với đàn gia súc, gia cầm, đây là điều kiện tốt để người chăn nuôi yên tâm tái đàn. Huyện đã yêu cầu các địa phương rà soát, thống kê số lượng, sản lượng; đánh giá cơ cấu đàn gia súc, gia cầm để làm cơ sở xây dựng kế hoạch, tránh tái đàn tự phát, ồ ạt. Đồng thời, thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh phát sinh để có khuyến cáo kịp thời cho bà con nông dân.
Chú trọng các giải pháp phòng, chống dịch bệnh
Hiện nay, ở nước ta, dịch viêm da nổi cục trên trâu bò, dịch chó dại, dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp. Tại Hà Tĩnh, dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò đã xuất hiện tại 3 huyện (Can Lộc, Lộc Hà, Nghi Xuân). Cùng với đó, diễn biến thời tiết bất lợi làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển; miễn dịch bảo hộ của các loại vắc-xin trong tiêm phòng đợt 2/2023 đã hết; các hoạt động vận chuyển, buôn bán để tái đàn gia tăng, nên nguy cơ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm phát sinh, lây lan trong thời gian tới là rất cao.
Vì thế, để việc tái đàn được thuận lợi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khuyến cáo các cơ sở, hộ chăn nuôi cần thực hiện nghiêm quy trình tái đàn và công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Bà Hoàng Thị Ngọc Diệp - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh cho biết: "UBND các huyện, thành phố, thị xã cần chỉ đạo UBND cấp xã rà soát tổng đàn, triển khai công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm đợt 1/2024, đặc biệt đối với các mũi vắc-xin phòng bệnh dại chó, viêm da nổi cục trên trâu, bò và cúm gia cầm; triển khai thực hiện “Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 1 năm 2024, trong thời gian từ ngày 1 - 31/3/2024”.
Về con giống, người chăn nuôi nên duy trì đàn giống bố mẹ để bảo đảm nguồn con giống có chất lượng; đối với những cơ sở, hộ chăn nuôi nhập con giống bên ngoài, cần tìm hiểu các cơ sở có uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch.
Sau khi mua con giống, cần chủ động tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh và áp dụng các quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để hạn chế dịch bệnh. Trong quá trình nuôi, cần thường xuyên theo dõi, giám sát sức khỏe đàn vật nuôi để chủ động các biện pháp phòng và trị bệnh.
Người chăn nuôi cũng cần tìm hiểu thông tin về dự báo và diễn biến thị trường của sản phẩm chăn nuôi về lượng cung cầu để có kế hoạch đầu tư số lượng đàn sao cho phù hợp, không tái đàn ồ ạt.