Nhiều trang trại ở Hà Tĩnh “phớt lờ” quy định trong chăn nuôi

(Baohatinh.vn) - Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi là một trong những thủ tục bắt buộc, thế nhưng, 31/47 cơ sở chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn Hà Tĩnh hiện vẫn đang thiếu thủ tục quan trọng này.

66% trang trại thiếu chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi

Điều 55 của Luật Chăn nuôi 2018 và Điều 23, 24, Nghị định 13/2020/NĐ-CP quy định: Cơ sở chăn nuôi quy mô từ 300 vật nuôi trở lên phải được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi (GCNCN).

Hà Tĩnh hiện có 47 cơ sở chăn nuôi bắt buộc phải có loại giấy tờ quan trọng này, tuy nhiên đến nay, mới chỉ có 16 cơ sở được cấp giấy chứng nhận (15 cơ sở chăn nuôi lợn và 1 cơ sở chăn nuôi bò). Từ những số liệu trên cho thấy, có đến 66% cơ sở chăn nuôi ở Hà Tĩnh đang “phớt lờ” quy định.

Nhiều trang trại ở Hà Tĩnh “phớt lờ” quy định trong chăn nuôi

Năm 2011, HTX Nga Hải (xã Xuân Mỹ, Nghi Xuân) bắt đầu chăn nuôi lợn theo hình thức liên kết với Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, song đến nay vẫn chưa có GCNCN.

Các cơ sở chăn nuôi không đủ điều kiện sẽ bị xử lý theo quy định (Điều 26, Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng đối với hành vi thực hiện hoạt động chăn nuôi không có GCNCN). Ngoài ra, còn có nhiều bất lợi khác như: khi có dịch bệnh không nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của ngành chức năng; hạn chế trong việc xây dựng thương hiệu, cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là hình thành các mối liên kết, các chuỗi giá trị trong ngành chăn nuôi.

Kết quả điều tra của Cục Thống kê cho thấy, tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp của Hà Tĩnh hiện chiếm gần 54%. Thời gian gần đây, ngành chăn nuôi Hà Tĩnh phát triển mạnh cả về số lượng lẫn quy mô... tuy nhiên, hiện trạng chăn nuôi và giải pháp phát triển chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn còn nhiều bất cập, hạn chế. Trong đó, việc hàng loạt chủ cơ sở còn thờ ơ, chưa nhận thức được tầm quan trọng về các quy định trong chăn nuôi, ngang nhiên vi phạm pháp luật như hiện nay là một minh chứng.

Đây là rào cản làm cho ngành chăn nuôi Hà Tĩnh chưa thể khai phá hết những tiềm năng, lợi thế của tỉnh, chưa tạo ra được thương hiệu giá trị lớn.

Nhiều trang trại ở Hà Tĩnh “phớt lờ” quy định trong chăn nuôi

Hà Tĩnh hiện có 31/47 cơ sở chăn nuôi chưa có GCNCN.

Ông Trần Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh trao đổi: Để được cấp GCNCN, các doanh nghiệp, HTX phải đáp ứng 6 tiêu chí: vị trí xây dựng trang trại phù hợp với quy định của pháp luật; số đơn vị vật nuôi đáp ứng yêu cầu mật độ chăn nuôi của địa phương; có đủ nguồn nước đảm bảo cho hoạt động chăn nuôi; có giải pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; chuồng trại, trang thiết bị chăn nuôi phù hợp với từng loại vật nuôi; có hồ sơ ghi chép, lưu trữ quá trình hoạt động chăn nuôi.

Cần thêm sự đồng hành với người chăn nuôi

Với những quy định nêu trên, hành trình xin cấp GCNCN của các chủ trang trại là không hề đơn giản về mặt hồ sơ, thủ tục.

Một chủ trang trại ở Hương Khê đang đầu tư dự án chăn nuôi trên địa bàn chia sẻ: Riêng việc hoàn tất các báo cáo theo quy định đã tiêu tốn thời gian cả năm trời, đó là chưa kể các thủ tục về giấy phép xây dựng, đánh giá tác động môi trường... Ngót nghét năm trời hành trình ngược xuôi xin GCNCN, song đến nay, chủ trang trại này vẫn chưa thể sở hữu nó vì đang thiếu “Hợp đồng xử lý chất thải nguy hại” (Khoản C của tiêu chí số 6: Có giải pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật - PV).

Nhiều trang trại ở Hà Tĩnh “phớt lờ” quy định trong chăn nuôi

HTX Nông nghiệp Gia Phúc (xã Sơn Lộc, Can Lộc) là đơn vị đã được cấp GCNCN.

Xung quanh câu chuyện xin cấp GCNCN, ông Lê Vạn Hải - Giám đốc HTX Nông nghiệp Gia Phúc (xã Sơn Lộc, Can Lộc) chia sẻ: Để sở hữu tấm giấy trên cần thực hiện nhiều công đoạn, hồ sơ, báo cáo các loại. Nhất là các thủ tục liên quan đến tác động môi trường, các dữ liệu ghi chép quá trình chăn nuôi ít nhất trong thời gian 1 năm sau khi kết thúc chu kỳ chăn nuôi, hồ sơ đất đai, vị trí xây dựng trang trại phù hợp với quy định của pháp luật, quy hoạch của tỉnh... Điều đáng nói, mỗi loại giấy tờ lại do một cơ quan quản lý khác nhau nên mất khá nhiều thời gian.

“Hồ sơ phức tạp, mất nhiều tháng để hoàn tất nên nhiều cơ sở chăn nuôi ở Hà Tĩnh rất “ngán” khi đề cập đến vấn đề này. Có lẽ vì thế mà họ đành chấp nhận rủi ro, thậm chí là vi phạm quy định trong quá trình phát triển chăn nuôi" - ông Hải nhận xét thêm.

Nhiều trang trại ở Hà Tĩnh “phớt lờ” quy định trong chăn nuôi

Ông Lê Văn Bình - Giám đốc HTX Nông nghiệp Nga Hải đang trên hành trình xin cấp GCNCN cho HTX.

Còn ông Lê Văn Bình - Giám đốc HTX Nông nghiệp Nga Hải (xã Xuân Mỹ, Nghi Xuân) - người đang trên hành trình xin cấp GCNCN cho biết: Từ năm 2011, HTX đã chăn nuôi lợn theo hình thức liên kết với Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam. Bình quân mỗi năm HTX xuất chuồng từ 2.500 - 3.000 con lợn thương phẩm. Dù đã nhiều lần đi làm thủ tục cấp GCNCN, song đến nay, HTX vẫn chưa thể có loại giấy tờ bắt buộc này vì đang thiếu quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư để đánh giá tác động môi trường.

“Để được cấp giấy chứng nhận phải thực hiện cùng lúc nhiều hồ sơ, báo cáo các loại. Nếu không nhận được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các cấp, ngành thì khó mà hoàn thành. Bởi vậy, ở một số tiêu chí khó, HTX cần sự đồng hành, thậm chí là “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan quản lý nhằm đảm bảo hồ sơ phù hợp với yêu cầu của luật ”- ông Bình đề xuất.

Chắc chắn tới đây, sẽ còn nhiều doanh nghiệp, HTX có nhu cầu xin cấp GCNCN. Với những câu chuyện chia sẻ từ thực tế trong quá trình xin cấp GCNCN cho thấy, các cơ sở đang rất cần có sự đồng hành, vào cuộc của chính quyền các cấp.

Bên cạnh đồng hành với các cơ sở chăn nuôi, cơ quan quản lý cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nhất là những nội dung về phát triển, kinh doanh chăn nuôi an toàn, bền vững. Đồng thời, xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp, trang trại đang vi phạm quy định. Giải quyết dứt điểm những tồn tại này, tin rằng ngành chăn nuôi Hà Tĩnh sẽ phát triển hiệu quả, bền vững hơn trong tương lai.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast