Khủng hoảng chưa từng có chực chờ Bangladesh

Cắt điện hơn 12 giờ mỗi ngày, giá nhiên liệu tăng sốc, nợ nước ngoài gấp đôi dự trữ ngoại hối là những dấu hiệu cho thấy Bangladesh đang đối mặt khủng hoảng toàn diện.

Đợt tăng sốc giá xăng và dầu diesel hồi cuối tuần trước là chỉ dấu mới nhất cho thấy Bangladesh đang rơi vào cuộc khủng hoảng được đánh giá tồi tệ chưa từng có. Những tuần qua, quốc gia Nam Á đã liên tục gõ cửa các tổ chức tín dụng quốc tế để tìm kiếm hỗ trợ tài chính, tránh viễn cảnh vỡ nợ.

Dấu hiệu khủng hoảng

Cuối tháng 7, chính phủ Bangladesh cầu cứu Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), đề nghị khoản vay trị giá 4,5 tỷ USD.

Bangladesh là quốc gia thứ ba tại khu vực Nam Á, sau Sri Lanka và Pakistan, phải cầu cứu IMF. Trong khi cuộc khủng hoảng tại Pakistan và Sri Lanka được biết tới rộng rãi, tình hình tại Bangladesh ít được chú ý hơn bởi chính phủ nước này liên tục bác bỏ khả năng xảy ra khủng hoảng.

Chính quyền Thủ tướng Sheikh Hasina liên tục tán dương những thành tựu kinh tế của đất nước, thậm chí mới đây còn khánh thành một cây cầu lớn nhất Bangladesh, coi đây là biểu tượng của khả năng tự cường.

“Chúng ta có tiền để nhập khẩu ngũ cốc và các sản phẩm thiết yếu khác trong ít nhất 3 tháng nếu xảy ra khủng hoảng”, Thủ tướng Hasina tuyên bố hôm 27/7, theo Diplomat.

Bangladesh đã siết chặt nhập khẩu một số hàng hóa. Ảnh: AFP

Nhưng các dấu hiệu của khủng hoảng kinh tế toàn diện đã bắt đầu xuất hiện. Đà tăng giá của đồng USD khiến tỷ giá giữa USD và đồng nội tệ Taka xấu đi theo từng tuần. Hồi tháng 5, tỷ giá ở mức 1 USD đổi 85 Taka. Lúc này, đồng nội tệ Bangladesh đã trượt giá còn 1 USD đổi 112 Taka.

Dự trữ ngoại hối của Bangladesh đã tụt xuống dưới 40 tỷ USD lần đầu tiên trong vòng 2 năm qua, chủ yếu do thâm hụt cán cân thương mại. Trong năm tài khóa 2021-2022, Bangladesh nhập siêu kỷ lục 33 tỷ USD. Nguyên nhân chủ yếu do giá hàng hóa, năng lượng tăng vọt vì chiến sự ở Ukraine.

Bangladesh là nước xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ 2 thế giới. Lúc này, nhu cầu tiêu dùng chậm lại trên toàn cầu cùng cuộc khủng hoảng năng lượng đang đe dọa nghiêm trọng ngành kinh tế chủ lực của quốc gia Nam Á, theo Al Jazeera .

Tập đoàn may mặc hàng đầu của Bangladesh là Plummy Fashions năm nay mất tới 20% số đơn đặt hàng mới so với cùng kỳ 2021.

“Các nhà bán lẻ ở cả châu Âu và Mỹ đang đặt hàng chậm lại, thậm chí không đặt hàng. Lạm phát tăng ở các thị trường xuất khẩu gây tác động nghiêm trọng lên chúng tôi”, Fazlul Hoque, CEO của Plummy Fashions, cho biết.

Ngành dệt may đóng góp 10% GDP và tạo ra 4,4 triệu việc làm cho Bangladesh, vì thế việc số đơn đặt hàng giảm mạnh gây ra rủi ro cho toàn bộ nền kinh tế.

Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn khi chính phủ Bangladesh tiến hành cắt điện luân phiên nhằm tiết kiệm nhiên liệu, điều này ảnh hưởng tiêu cực tới công suất hoạt động của các nhà máy.

“Dòng điện liên tục không gián đoạn là then chốt để giao hàng đúng hạn. Lúc này, chúng tôi đối mặt hàng loạt vấn đề cả từ bên trong và bên ngoài đất nước”, ông Hoque cho biết.

Ngành năng lượng điêu đứng

Khủng hoảng năng lượng đã nổ ra, khiến chi phí sản xuất tại Bangladesh tăng chóng mặt.

Tập đoàn Standard Group, một trong các nhà sản xuất hàng dệt may lâu đời nhất Bangladesh, cho biết họ phải chạy máy phát điện ít nhất 3 giờ mỗi ngày để phục vụ hệ thống máy nhuộm và giặt tại trung tâm sản xuất ở ngoại ô thủ đô Dhaka.

“Chi phí chạy máy phát điện cao gấp 3 lần so với điện từ lưới điện quốc gia bởi giá dầu diesel rất đắt. Chúng tôi không thể để các nhà máy nhuộm và giặt dừng hoạt động ngay cả khi mất điện, bởi nếu thế thì toàn bộ vải sẽ bị hỏng”, Atiqur Rahman, chủ tịch tập đoàn Standard Group, cho biết.

Hôm 5/8, chính phủ Bangladesh thông báo giá bán lẻ xăng tăng 51,7%, giá dầu diesel tăng 42,5%. Đây là mức tăng kỷ lục mà quốc gia Nam Á này từng ghi nhận. Biểu tình đã nổ ra ở một số thành phố sau quyết định tăng giá nhiên liệu.

Những tuần gần đây, nhiều nhà máy điện chạy bằng diesel, công suất 1.500 megawatt, đã bị đóng cửa do thiếu nhiên liệu. Một số khu vực ở Bangladesh bị cắt điện tới 13 giờ mỗi ngày.

Một số nơi ở Bangladesh cắt điện 13 giờ mỗi ngày. Ảnh: TRT

Vấn đề của ngành năng lượng Bangladesh hiện nay không đơn thuần từ cuộc khủng hoảng toàn cầu, theo tổ chức tư vấn chính sách Atlantic Council.

Tháng 3/2022, chính phủ tuyên bố mạng lưới điện đã được mở rộng ra toàn quốc, nhưng cái giá thực sự của thành công này rất đắt.

Việc mở rộng mạng lưới điện phần lớn nhờ việc hình thành mạng lưới các nhà máy điện cho thuê nhanh (QRPP) trong ngành tư nhân. Các QRPP ra đời từ 2009, được coi là biện pháp ngắn hạn nhằm khắc phục tình trạng thiếu điện trong khi chính phủ tìm kiếm giải pháp lâu dài.

Nhưng QRPP đã dần trở thành trụ cột trong hệ thống phát điện của Bangladesh, đi kèm với đó là những lợi ích bất minh.

Trong giai đoạn 2010-2021, ngành điện Bangladesh nhận 7,1 tỷ USD trợ cấp. Hợp đồng mua điện giữa chính phủ với các nhà sản xuất tư nhân có điều khoản bắt buộc chính phủ trả khoản tiền có tên “phí công suất điện” ngay cả khi các nhà máy không sản xuất điện.

Nhiều nhà máy điện thuộc sở hữu bởi các công ty có liên hệ với quan chức chính phủ. Trong 10 năm qua, 12 công ty nhận tổng cộng 5,5 tỷ USD tiền phí công suất điện.

Sắp vỡ nợ?

Từ khi nắm quyền năm 2009, chính quyền Thủ tướng Hasina đã triển khai hàng loạt siêu dự án cơ sở hạ tầng sử dụng vốn vay của nước ngoài.

Trong số này đáng chú ý có dự án Cầu Padma, một trong số dự án lớn nhất cả nước, trị giá 3,6 tỷ USD. Năm 2007, dự án định giá chỉ 1,16 tỷ USD.

Một dự án tham vọng khác là nhà máy điện hạt nhân Rooppur, đến này đã tiêu tốn của Bangladesh 12,65 tỷ USD. Tổng chi phí đầu tư cho nhà máy điện hạt nhân sẽ không thể ước tính hết cho đến khi dự án này hoàn tất.

Hàng loạt dự án tỷ USD đã đội vốn gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi khác như dự án tàu điện ngầm Metro Rail ở thủ đô Dhaka trị giá 3,3 tỷ USD, hay dự án Kênh đào Karnaphuli trị giá 1,03 tỷ USD.

Người dân vây quanh trạm xăng hôm 5/8. Ảnh: AFP

Lúc này, nợ nước ngoài của Bangladesh đã lên đến 90 tỷ USD, trong khi dự trữ ngoại hối chưa đầy 40 tỷ USD. Nợ nước ngoài đã tăng gấp đôi trong vòng 5 năm qua, nguyên nhân chủ yếu vì Bangladesh triển khai hàng loạt siêu dự án cơ sở hạ tầng.

Trong năm nay, ngoài khoản vay 4,5 tỷ USD từ IMF, chính phủ Bangladesh cũng đề nghị Ngân hàng Thế giới (WB) cho vay 1 tỷ USD, và thêm 2,5 tỷ USD từ các chủ nợ quốc tế khác.

Các dự án xây dựng khổng lồ hiện trở thành nỗi lo chính của chính phủ Bangladesh. Dhaka đang phải tìm kiếm thêm các khoản hỗ trợ tài chính từ nước ngoài để trả nợ.

“Bangladesh sẽ đối mặt cú sốc lớn vào năm 2024 khi phải trả nợ cho 20 siêu dự án”, Debapriya Bhattacharya, chuyên gia Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển Bangladesh, cảnh báo. Số nợ nói trên lên đến 43 tỷ USD, chủ yếu thuộc về Trung Quốc, Nga và Nhật Bản.

Bangladesh nằm trong danh sách 30 quốc gia rửa tiền nhiều nhất thế giới. Các chuyên gia nhận định rửa tiền là “căn bệnh ung thư của nền kinh tế” đất nước.

Theo tổ chức tư vấn chính sách Global Financial Integrity, khoảng 7,53 tỷ USD tiền bẩn từ Bangladesh được rửa mỗi năm thông qua giao dịch quốc tế và chảy ra nước ngoài.

Tình trạng tiền các cá nhân Bangladesh gửi tại ngân hàng Thụy Sĩ tăng nhanh là bằng chứng tài sản đang bị đưa ra khỏi đất nước. Chỉ trong năm 2021, các cá nhân ở Bangladesh gửi thêm vào các ngân hàng ở Thụy Sĩ 912 triệu USD, tăng 55,1% so với 2020.

“Các khoản nợ khổng lồ do đầu tư cơ sở hạ tầng, lãng phí nguồn lực trong ngành năng lượng, cùng lượng lớn tài sản tháo chạy ra nước ngoài góp phần tạo ra cuộc khủng hoảng tồi tệ chưa từng có mà Bangladesh đang đối mặt”, Atlantic Council nhận định.

Với viễn cảnh khủng hoảng kinh tế toàn diện đã ở trước mắt, chính phủ Bangladesh bắt đầu triển khai các biện pháp nhằm cắt giảm chi tiêu ngoại hối.

Ngân hàng Trung ương Bangladesh đã siết chặt quy định về nhập khẩu hàng loạt sản phẩm xa xỉ và không thiết yếu như dụng cụ thể thao, máy giặt, điều hòa nhiệt độ.

Chính quyền Thủ tướng Hasina cũng hủy bỏ tất cả chuyến công tác nước ngoài của quan chức chính phủ. Các cơ quan nhà nước bị buộc cắt giảm 20% tiêu thụ điện và hạn chế sử dụng xe công.

Theo Zing

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.