Để cung cấp thông tin cho người tiêu dùng, phóng viên Báo Hà Tĩnh đã có cuộc trò chuyện với ông Phan Văn Dũng – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản (Sở NN&PTNT).
Cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra chất lượng hải sản tại các điểm bán an toàn
- Xin ông cho biết, trước sự cố môi trường vừa qua, ngành Nông nghiệp đã kiểm soát chất lượng hải sản như thế nào?
Ngay sau khi có hiện tượng cá chết bất thường trên diện rộng, để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng và giúp ngư dân tiêu thụ hải sản để tiếp tục bám biển, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và UBND tỉnh, Chi cục Quản lý nông, lâm và thủy sản đã khẩn trương cấp giấy chứng nhận khai thác hải sản xa bờ và cung cấp, dán tem chứng nhận hải sản được đánh bắt ở vùng an toàn kịp thời cho ngư dân.
Đồng thời, tiến hành làm việc với các kho đông lạnh trên địa bàn có nguồn dự trữ lớn để kiểm tra nguồn gốc các lô hàng, phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng liên quan cấp giấy chứng nhận sản phẩm an toàn cho hải sản đông lạnh đảm bảo ATVSTP; về vấn đề thu mua hải sản cho ngư dân theo chính sách hỗ trợ của tỉnh. Tính đến thời điểm này, Chi cục Quản lý nông, lâm và thủy sản đã cấp 519 giấy chứng nhận sản phẩm an toàn cho 51 lô hàng thủy, hải sản với khối lượng 465 tấn.
Đối với các điểm bán lẻ (do Sở Công thương quản lý), cấp giấy chứng nhận và tem theo lô hàng, trong đó, ghi rõ các thông tin về tên chủ hộ, nguồn gốc, số lượng sản phẩm, tên người bán hàng và khối lượng lô hàng nhận về. Trong đợt này, các kho đông lạnh trên địa bàn đã thu mua khoảng 200 tấn. Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản thực hiện giám sát chặt chẽ, lấy mẫu từng lô hàng gửi phân tích các chỉ số đảm bảo ATVSTP.
- Đến thời điểm này, người tiêu dùng đã có thể yên tâm với chất lượng hải sản đánh bắt hàng ngày trên biển, thưa ông?
Từ khi xảy ra sự cố môi trường, cùng với Chi cục đảm bảo VSATTP Sở Y tế, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản Sở NN&PTNT liên tục lấy các mẫu hải sản trên địa bàn gửi các trung tâm kiểm nghiệm chất lượng VSATTP ở trung ương phân tích các chỉ số ATVSTP. Qua theo dõi kết quả phân tích mà chi cục đã trực tiếp lấy cho thấy, các mẫu có các chỉ số đảm bảo ATVSTP ngày một tăng. Đến thời điểm này, có thể khẳng định, các chỉ số đã trở lại hoàn toàn bình thường như khi chưa xảy ra sự cố môi trường.
Cụ thể, ngày 24/4, chi cục tiến hành lấy 27 mẫu hải sản, kết quả phân tích chỉ có 4 mẫu an toàn, còn lại tất cả các mẫu có nhiễm kim loại nặng. Ngày 27/4, chi cục tiếp tục lấy 25 mẫu phân tích thì đã có đến 13 mẫu an toàn. Ngày 30/4, lấy 17 cũng đã có đến 13 mẫu an toàn. Ngày 13/5, chi cục tiếp tục lấy 12 mẫu và gửi ra trung ương phân tích, kết quả 10/12 mẫu đảm bảo các chỉ số ATVSTP. Và từ đó đến nay, tất cả các mẫu hải sản được lấy trên các vùng biển Hà Tĩnh gửi ra trung ương phân tích cơ bản đều đảm bảo các chỉ số ATVSTP theo quy định; chỉ còn 1 hoặc 2 mẫu còn có chỉ số vượt ngưỡng nhưng với mức độ rất nhẹ. Điều này cũng rất đương nhiên vì kể cả những khi bình thường nhất, trong các mẫu hải sản cũng có thể có kết quả đó xảy ra.
Đối chiếu sự ổn định trở lại của các mẫu hải sản với kết quả phân tích các mẫu muối của Sở NN&PTNT và kết quả phân tích các mẫu nước biển của Sở TN&MT trong thời gian gần đây đều rất tương đồng.
Tiếp tục đảm bảo chất lượng ATVSTP cho người tiêu dùng cũng như để bà con yên tâm dùng hải sản, đưa thị trường trở lại hoạt động bình thường, cùng với các ngành chức năng liên quan, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản tiếp tục triển khai lấy mẫu hải sản và theo dõi các chỉ số đảm bảo ATVSTP liên tục trong 3 tháng tới, thực hiện khuyến cáo kịp thời với ngư dân và người tiêu dùng.