Sáng 9/12, Sở GTVT phối hợp với Công an tỉnh Hà Tĩnh tổ chức cuộc họp với các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn về việc kiểm tra xử lý “xe dù bến cóc”, “xe trá hình tuyến cố định”, “xe ghép, xe tiện chuyến”. Thượng tá Nguyễn Hồng Phong – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh và Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Tuấn chủ trì cuộc họp. |
Thượng tá Nguyễn Hồng Phong – Giám đốc Công an tỉnh và Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Tuấn chủ trì cuộc họp.
Trên địa bàn tỉnh có 18 đơn vị kinh doanh vận tải (KDVT) khách tuyến cố định với 192 đầu xe; 45 đơn vị KDVT khách bằng xe hợp đồng với 172 đầu xe, 10 đơn vị KDVT bằng xe taxi với 764 đầu xe và 2 đơn vị KDVT bằng xe buýt với đầu xe 128 xe.
Tính đến tháng 11/2022, Sở GTVT đã cấp 66 giấy phép KDVT hành khách, 1.256 phù hiệu xe khách. Tính từ đầu năm tới tháng 11/2022, đã có 30.569 lượt xe khách xuất bến, với 398.977 lượt hành khách.
Thời gian qua, Sở GTVT thường xuyên theo dõi tình hình hoạt động của các đơn vị KDVT khách được cấp giấy phép kinh doanh, phù hiệu xe qua thiết bị giám sát hành trình, camera giám sát trên xe ô tô để kịp thời phát hiện, nhắc nhở, chấn chỉnh trong quá trình hoạt động và thu hồi phù hiệu xe vi phạm. Tăng cường kiểm tra việc kiểm soát xe khách ra, vào bến trên địa bàn tỉnh, tuyệt đối không cho xuất bến đối với các phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật, điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật.
Giám đốc Công ty CP Vận tải ô tô Hà Tĩnh Trần Văn Sỹ: Tình trạng “xe dù bến cóc”, “xe trá hình tuyến cố định” đã diễn ra từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Đề nghị Công an tỉnh phối hợp với Sở GTVT có các giải pháp căn cơ để dẹp bỏ, đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Tính tới hết tháng 11/2022, Thanh tra Sở GTVT đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 52 trường hợp vi phạm quy định trong vận tải khách, xử phạt hơn 138 triệu đồng, tước có thời hạn 44 giấy phép lái xe, phù hiệu xe ô tô; ban hành 10 quyết định thu hồi 358 phù hiệu xe ô tô vận tải khách.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, nhìn chung, các đơn vị KDVT đã chấp hành tốt các quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, góp phần đảm bảo trật tự ATGT, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Ông Bùi Văn Viện - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại vận tải Hiếu Viện: Hiện có khá nhiều doanh nghiệp vận tải được Sở GTVT các tỉnh, thành phố khác ở phía Nam cấp phù hiệu hoạt động theo dạng hợp đồng nhưng thực tế lại đón, trả khách như tuyến cố định, gây ảnh hưởng tới hoạt động của các doanh nghiệp có xe chạy tuyến cố định như đơn vị chúng tôi.
Dù vậy, vẫn còn một số đơn vị, lái xe vi phạm các quy định, nhất là tình trạng xe dù, bến cóc, xe chạy sai tuyến đường, hành trình, lịch trình quy định, xe hợp đồng trá hình xe tuyến cố định…
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là ý thức tự giác chấp hành pháp luật của một số đơn vị, chủ xe, lái xe chưa cao khi cố tình vi phạm, chống đối; lực lượng cán bộ quản lý, thanh tra, kiểm tra còn mỏng; một số quy định của pháp luật về quản lý xe hợp đồng, xe đưa đón học sinh còn bất cập…
Phó Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Việt Thắng trả lời một số nội dung mà doanh nghiệp nêu lên xung quanh vấn đề vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh.
Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị chức năng của Sở GTVT và Công an tỉnh cùng doanh nghiệp KDVT đã thẳng thắn chỉ ra các tồn tại, hạn chế và nguyên nhân dẫn tới việc “xe dù bến cóc”, “xe trá hình tuyến cố định”, “xe ghép, xe tiện chuyến” vẫn còn diễn ra trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, bàn các giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng này, đảm bảo trật tự ATGT, quyền lợi cho hành khách cũng như doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Tuấn: Tình trạng xe dù, bến cóc, xe chạy sai tuyến đường, hành trình, lịch trình quy định, xe hợp đồng trá hình xe tuyến cố định, xe taxi dù vận tải khách… diễn ra khá phức tạp, gây mất trật tự ATGT, cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động KDVT hành khách bằng xe ô tô trên địa bàn.
Thượng tá Nguyễn Hồng Phong - Giám đốc Công an tỉnh nhìn nhận, tình trạng xe dù, bến cóc, xe chạy sai tuyến đường, hành trình, lịch trình quy định, xe hợp đồng trá hình xe tuyến cố định, xe taxi dù vận tải khách, ảnh hưởng tới trật tự ATGT, nguy cơ cao xảy ra TNGT, ảnh hưởng tới quyền lợi của doanh nghiệp KDVT hành khách trên địa bàn.
Thượng tá Nguyễn Hồng Phong - Giám đốc Công an tỉnh.
Để xử lý tình trạng này, Thượng tá Nguyễn Hồng Phong yêu cầu đơn vị chức năng Công an tỉnh tích cực phối hợp với Sở GTVT và lực lượng các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đơn vị KDVT, đội ngũ lái xe; tăng cường kiểm tra, xử lý đối với các phương tiện, nhà xe vi phạm.
Các đơn vị, doanh nghiệp phải tự giác chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, duy trì việc tập huấn nghiệp vụ vận tải cho đội ngũ cán bộ quản lý, lái xe, nhân viên phụ vụ trên xe theo quy định; tích cực tố giác các hoạt động vi phạm trong hoạt động KDVT để ngành chức năng có căn cứ xử lý..
Đại diện các doanh nghiệp ký cam kết chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ.