Kiều bào trong mạch nguồn phát triển của quê hương Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Trong thành tựu của đất nước nói chung, quê hương Hà Tĩnh nói riêng luôn có sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng kiều bào. Họ là một bộ phận máu thịt không thể tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Giáo sư - Viện sỹ Nguyễn Huy Hoàng - Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại Nga: Gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống cho thế hệ mai sau.

Kiều bào trong mạch nguồn phát triển của quê hương Hà Tĩnh

Giáo sư - Viện sỹ Nguyễn Huy Hoàng trao đổi cùng phóng viên Báo Hà Tĩnh.

Người Việt tại Nga là một cộng đồng kiều bào có lịch sử lâu đời, nhiều thế hệ và hoạt động trên nhiều lĩnh vực, do đó, việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đất nước, của quê hương rất được quan tâm. Hà Tĩnh là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, là một trong những thành tố quan trọng cấu thành nên giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của Việt Nam. Và người Hà Tĩnh ở Nga rất có ý thức gìn giữ, phát huy những giá trị quý báu đó trong đời sống thông qua việc giữ gìn ngôn ngữ, dạy thế hệ con cháu học tiếng Việt; lan tỏa các tác phẩm âm nhạc, văn học nghệ thuật của quê hương...

Trân trọng những giá trị văn hóa của quê hương, những năm qua, Hội Đồng hương Nghệ Tĩnh tại Liên bang Nga cũng đã triển khai quyên góp kinh phí tài trợ xây dựng, sửa chữa nhiều công trình văn hóa, di tích lịch sử trên địa bàn Hà Tĩnh như: gần 6 tỷ đồng xây dựng công trình đài phun nước tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc), hơn 3 tỷ đồng xây dựng Văn Miếu Hà Tĩnh (TP Hà Tĩnh), 5.000 USD kinh phí để dịch “Truyện Kiều” sang tiếng Nga...

Ông Bùi Quang Hùng - Giám đốc Công ty TNHH Đào tạo MV (Đức): Khát vọng nâng tầm nông sản quê hương.

Kiều bào trong mạch nguồn phát triển của quê hương Hà Tĩnh

Ông Bùi Quang Hùng luôn có khát vọng nâng tầm nông sản quê hương bằng các dự án nông nghiệp công nghệ cao.

Tôi lớn lên ở một vùng quê nghèo khó của huyện Cẩm Xuyên. Tuổi thơ của chúng tôi gắn liền với ruộng lúa, bờ ao nên dù đã rời quê sang Đức gần 40 năm nay nhưng hình ảnh quê hương vẫn luôn trong ký ức, trái tim tôi. Khi sang Đức học tập, làm việc trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nông sản, tôi nhận thấy những tiến bộ vượt bậc về nền nông nghiệp của đất nước bạn và các nước trên thế giới.

Với khát khao nâng tầm nông sản Việt, đưa các sản phẩm của quê hương đến với thị trường quốc tế, tôi đã đầu tư 2 dự án về nông nghiệp công nghệ cao ở Hà Tĩnh là: “Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn” với diện tích 16 ha, tổng mức đầu tư 6,75 tỷ đồng; “Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất bưởi và gừng” (xã Kỳ Tây - huyện Kỳ Anh) trên diện tích 60 ha, tổng mức đầu tư 190,17 tỷ đồng. Các dự án đã giải quyết việc làm cho gần 40 lao động tại các địa phương.

Dù các dự án mới triển khai, chưa có sản phẩm xuất khẩu nhưng chúng tôi tin tưởng, với quy trình sản xuất tiên tiến, nông sản Hà Tĩnh sẽ được thị trường các nước đón nhận, góp phần phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh nhà.

Ông Nguyễn Ngọc Chu - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt kiều tại Hungary: Nguyện làm cầu nối giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài.

Kiều bào trong mạch nguồn phát triển của quê hương Hà Tĩnh

Với vai trò của mình trong hội doanh nghiệp, doanh nhân, ông Nguyễn Ngọc Chu có nhiều đóng góp quan trọng trong việc kết nối doanh nghiệp Hà Tĩnh với các doanh nghiệp nước ngoài.

Tôi không sinh ra ở Hà Tĩnh nhưng với tôi, Hà Tĩnh có một mối duyên sâu đậm và tôi coi Hà Tĩnh như quê hương thứ hai của mình. Gần 40 năm sinh sống và làm việc ở Hungary, với vai trò của mình trong hội doanh nghiệp, doanh nhân, hội đồng hương, tôi đã kết nối tổ chức nhiều diễn đàn hợp tác đầu tư tại Hungary với sự tham dự của lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và các doanh nghiệp trên địa bàn. Cùng đó, tôi cũng dẫn nhiều đoàn doanh nghiệp của Hungary về khảo sát đầu tư tại Hà Tĩnh và các tỉnh thành trong cả nước; mang nhiều sản phẩm của Hà Tĩnh giới thiệu sang thị trường Hungary và Châu Âu.

Ngoài ra, với vai trò là Ủy viên Ủy ban Olympic Hungary, tôi cũng góp phần kết nối để đưa các bộ môn thể thao của Việt Nam như: bóng đá, bơi, đấu kiếm, thể dục dụng cụ... tham dự các giải đấu quốc tế. Không chỉ bản thân tôi mà cộng đồng doanh nhân người Việt tại Hungary cũng một lòng hướng về quê hương, có nhiều hoạt động kết nối doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, góp phần xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp, hội nhập quốc tế sâu rộng.

Ông Đinh Ngọc - Chủ tịch Hội đồng hương Nghệ Tĩnh tại Cộng hòa Séc: Xây dựng cộng đồng xa quê gắn kết bền chặt, luôn hướng về quê hương

Kiều bào trong mạch nguồn phát triển của quê hương Hà Tĩnh

Bằng trách nhiệm và tâm huyết, ông Đinh Ngọc luôn mong muốn kết nối bền chặt các thế hệ kiều bào tại Séc.

Hội Đồng hương Nghệ Tĩnh tại Cộng hòa Séc hiện có trên 10.000 người - là một trong những cộng đồng kiều bào đông nhất tại nước sở tại. Hơn 20 năm thành lập, Hội Đồng hương Nghệ Tĩnh đã trở thành nơi kết nối những người con quê hương trên đất nước bạn. Không chỉ hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong học tập, lao động và hội nhập với đời sống ở Séc, chúng tôi còn triển khai khá tốt hoạt động quyên góp ủng hộ từ thiện tại Việt Nam, đặc biệt là trên địa bàn 2 tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An.

Để tạo sân chơi văn hóa tinh thần cho cộng đồng người Nghệ Tĩnh tại Séc, hội đồng hương đã tổ chức nhiều hoạt động bổ ích, trong đó, tiêu biểu là hoạt động của đội bóng đá “Sông Lam xứ Nghệ”, các câu lạc bộ dân ca ví, giặm. Đáng mừng là nhiều thành viên của các câu lạc bộ là các bạn trẻ, có những bạn là thế hệ thứ hai được sinh ra trên đất nước bạn. Điều đó cho thấy sợi dây kết nối các thế hệ kiều bào, gắn kết tình đồng hương rất bền chặt. Chúng tôi mong muốn xây dựng một cộng đồng người Việt nói chung, người Nghệ Tĩnh nói riêng trên đất Séc giàu mạnh, đoàn kết và luôn hướng về quê hương.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Chủ đề Người Hà Tĩnh ở nước ngoài

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast