Chủ tịch UBND tỉnh: Tăng cường quản lý khai thác, chế biến khoáng sản

(Baohatinh.vn) - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường quản lý khai thác, chế biến khoáng sản nhằm đảm bảo nguồn cung vật liệu xây dựng ổn định phục vụ họat động đầu tư, xây dựng trên địa bàn trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND tỉnh: Tăng cường quản lý khai thác, chế biến khoáng sản

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh chủ trì cuộc họp

Chiều 10/3, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh chủ trì cuộc họp bàn một số nội dung trên lĩnh vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường trên địa bàn tỉnh.

Về quy hoạch khoáng sản trên địa bàn tỉnh, theo Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, toàn tỉnh có 191 khu vực mỏ làm VLXD thông thường. Trong đó, đá làm VLXD: 39 khu vực, tổng diện tích 738,6 ha, tài nguyên dự báo 119.170.000 m3; đất làm vật liệu san lấp: 94 khu vực, tổng diện tích 1.083,1 ha, tài nguyên dự báo 132.267.000m3; cát, sỏi xây dựng: 37 khu vực, tổng diện tích 382,5 ha, tài nguyên dự báo 14.735.000m3; đất, sét gạch ngói: 21 khu vực, tổng diện tích 170,5 ha, tài nguyên dự báo 7.381.000m3.

Chủ tịch UBND tỉnh: Tăng cường quản lý khai thác, chế biến khoáng sản

Giám đốc Sở TN&MT Lê Ngọc Huấn: Đề nghị UBND tỉnh thống nhất chủ trương về lập kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản năm 2023 đối với 10 mỏ khoáng sản làm VLXD thông thường đáp ứng các yêu cầu, điều kiện liên quan để cấp phép hoạt động.

Ngoài nguồn khoáng sản làm VLXD thông thường nêu trên, trong Khu kinh tế Vũng Áng còn có các loại cát, vật chất nạo vét của các bến cảng, luồng lạch, nhà máy nhiệt điện; các loại chất thải rắn (tro bay, tro đáy, xỉ thép) có thể làm vật liệu san lấp.

Công tác cấp giấy phép hoạt động khoáng sản thời gian qua được thực hiện theo đúng quy định của Luật Khoáng sản; khu vực cấp phép phù hợp với quy hoạch khoáng sản và các quy hoạch khác đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và không nằm trong các khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản.

Chủ tịch UBND tỉnh: Tăng cường quản lý khai thác, chế biến khoáng sản

Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Quốc Hà: Tỉnh cần thành lập đoàn kiểm tra giá trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, kinh doanh VLXD; tổ chức đẩy nhanh đấu giá quyền khai thác và tiến hành khai thác các mỏ để đẩy trữ lượng lên nhằm đảm bảo hoạt động xây dựng.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 77 giấy phép khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường còn hiệu lực và 8 mỏ khoáng sản đã đấu giá nhưng chưa cấp giấy phép khai thác.

Về dự báo tình hình nhu cầu đất san lấp, cát xây dựng trong năm 2023 và các năm tiếp, đối với cát xây dựng: từ năm 2023 đến năm 2025, mỗi năm nhu cầu sử dụng khoảng 2.459.000m3. Ngoài tổng công suất khai thác của các mỏ đã cấp phép khai thác (142.123m3/năm) thì nhu cầu cát xây dựng còn thiếu khoảng 2,3 triệu m3/năm.

Chủ tịch UBND tỉnh: Tăng cường quản lý khai thác, chế biến khoáng sản

Ông Trần Văn Tùng - Giám đốc BQL Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh: Cần xem xét cho đấu giá, cấp quyền các mỏ đồng đều giữa các vùng miền; các sở, ngành có liên quan nên thẩm định giá sát mặt bằng giá đất, cát xây dựng hiện nay.

Đối với đất san lấp: từ năm 2023 đến năm 2025, mỗi năm nhu cầu sử dụng khoảng 5.439.000m3. Ngoài tổng công suất khai thác của các mỏ đã cấp phép (2.563.156m3/năm) thì nhu cầu đất san lấp còn thiếu khoảng 2,5-3,0 triệu m3/năm.

Do chênh lệch cung cầu lớn, giá các loại đất san lấp và cát xây dựng tăng cao, dẫn đến một số mỏ hình thành nên tính độc quyền, tăng giá bán hoặc không bán để chờ thời cơ, trên cơ sở đó sẽ làm chậm tiến độ các công trình đang thi công. Giá đất, cát xây dựng tăng cao tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm tiếp theo.

Chủ tịch UBND tỉnh: Tăng cường quản lý khai thác, chế biến khoáng sản

Ông Phan Xuân Hồng - Giám đốc Công ty CP Xây dựng - Thương mại Trung Hậu (thị xã Kỳ Anh): Đối với một số doanh nghiệp còn nợ đọng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, đề nghị UBND tỉnh sớm có phương án xử lý phù hợp trên cơ sở thực tiễn sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Về dự kiến kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoảng sản năm 2023, trên cơ sở kết quả rà soát thực địa, có 10 khu vực mỏ (2 mỏ đá xây dựng, 7 mỏ đất san lấp và 1 mỏ cát) đáp ứng các quy định, điều kiện liên quan để lập kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản năm 2023.

Đánh giá về cung - cầu khoáng sản, tổng công suất khai thác khoáng sản hằng năm theo hồ sơ thiết kế là lớn, nhưng công suất khai thác thực tế rất thấp. Nguyên nhân là do các mỏ đá, đất có công suất, diện tích lớn tập trung ở khu vực Kỳ Anh (đá: 3.469.000m3/năm; đất: 855.000m3/năm), nhưng nhu cầu trong khu vực này thời gian qua không lớn (cung lớn hơn cầu) nên hầu hết các mỏ khu vực này đang tạm ngừng hoạt động khai thác (có mỏ chưa đủ điều kiện khai thác), chỉ có một số mỏ là hoạt động cầm chừng nhằm phục vụ dân sinh.

Chủ tịch UBND tỉnh: Tăng cường quản lý khai thác, chế biến khoáng sản

Ông Nguyễn Hồng Phong - Giám đốc Công an tỉnh: Đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với sở, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trong thời gian tới.

Riêng về đất san lấp, tổng công suất khai thác hiện nay theo thiết kế là 2.563.156m3/năm (khu vực phía Nam Hà Tĩnh là 855.000m3/năm, Bắc Hà Tĩnh là 1.708.156m3/năm). Với công suất này, thời gian tới sẽ không đáp ứng nhu cầu để phục vụ các dự án ưu tiên.

Ngoài ra, tại địa bàn huyện Can Lộc, đến năm 2027 có 4 mỏ hết thời hạn khai thác, chấm dứt hoạt động để bảo vệ cảnh quan, môi trường. Theo đó, nguồn cung về đá xây dựng khu vực phía Bắc Hà Tĩnh sẽ giảm mạnh, có thể làm mất cân bằng về cung - cầu.

Chủ tịch UBND tỉnh: Tăng cường quản lý khai thác, chế biến khoáng sản

Ông Hoàng Chiến Thắng - Giám đốc điều hành 2 dự án thành phần cao tốc đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi và Hàm Nghi - Vũng Áng (BQL dự án Thăng Long – Bộ GTVT): Khó khăn về nguồn vật liệu xây dựng (đất đắp và cát các loại) khiến việc thi công các hợp phần dự án cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh bị chậm tiến độ.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận các nội dung quan trọng liên quan đến vấn đề quản lý khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh như: đấu giá quyền khai thác khoáng sản; chủ trương cấp phép khai thác các mỏ đã trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhưng chưa được cấp giấy phép khai thác khoáng sản; gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản; mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; phương án xử lý nợ đọng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản…

Nhiều ý kiến đề xuất cần sớm tổ chức đẩy nhanh đấu giá quyền khai thác và tiến hành khai thác các mỏ để đẩy trữ lượng lên, đảm bảo hoạt động xây dựng; tập trung quản lý giá vật liệu xây dựng (đất, cát, đá).

Chủ tịch UBND tỉnh: Tăng cường quản lý khai thác, chế biến khoáng sản

Ông Trương Quang Long - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh: Đơn vị sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xác minh hóa đơn, xử lý vi phạm trong việc chấp hành nghĩa vụ kê khai, nộp thuế đối với các đơn vị có hoạt động khai thác khoáng sản; kiểm tra, giám sát chặt chẽ các nguồn thu từ khoáng sản…

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp tăng cường công tác quản lý Nhà nước về khai thác, chế biến khoáng sản nhằm đảm bảo nguồn cung VLXD ổn định phục vụ hoạt động đầu tư, xây dựng; không để giá VLXD tăng đột biến.

Chủ tịch UBND tỉnh: Tăng cường quản lý khai thác, chế biến khoáng sản

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải kết luận cuộc họp.

Theo đó, Sở TN&MT tham mưu xử lý kịp thời các hồ sơ đăng ký khai thác khoáng sản, hồ sơ công suất khai thác để phục vụ dự án đường cao tốc Bắc - Nam và các dự án trên địa bàn; có giải pháp quy hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản để tạo nguồn cung VLXD phục vụ hoạt động đầu tư, xây dựng; tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động khai thác, ký quỹ phục hồi môi trường, công tác phục hồi môi trường và đóng cửa mỏ, đảm bảo đúng quy định.

Thực hiện cấp phép, kiểm tra, kiểm soát nghiêm việc sử dụng vật liệu nổ công nghiệp tại các mỏ đá; tổ chức thẩm định thiết kế đảm bảo công nghệ tiên tiến, bảo vệ môi trường và phù hợp quy hoạch khoáng sản; theo dõi sát thị trường để cập nhật, công bố giá vật liệu xây dựng; thường xuyên kiểm tra các mỏ đất đang khai thác, bãi kinh doanh cát, sỏi nằm trong hồ sơ phục vụ dự án đường cao tốc Bắc - Nam, khả năng cung ứng VLXD trên địa bàn tỉnh…

Tăng cường thẩm tra nguồn gốc VLXD khi thanh quyết toán; không thanh quyết toán đối với khối lượng VLXD là khoáng sản mà không xuất trình được các chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Chủ động thực hiện công tác nghiệp vụ cơ bản, thường xuyên nắm tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh có hiệu quả, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong khai thác, chế biến khoáng sản như: buôn lậu, đầu cơ, gian lận thương mại, trốn thuế, mua bán hóa đơn trái phép…

Thực hiện các biện pháp để đôn đốc các đơn vị nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường… đúng thời hạn quy định; áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo quy định đối với các đơn vị nợ đọng kéo dài, chây ỳ.

Các địa phương kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý theo thẩm quyền các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để tình trạng khai thác khoáng sản trái phép kéo dài; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản…

Các chủ mỏ phải tổ chức khai thác, chế biến khoáng sản theo đúng công suất; thực hiện đầy đủ các thủ tục, hồ sơ sau cấp phép; thông báo giá bán vật liệu xây dựng đúng quy định.

Chủ đề Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Chủ đề Công nghiệp, Tiểu thủ Công nghiệp, xây dựng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast