Doanh nghiệp vận tải hành khách đồng loạt hạ giá cước!

(Baohatinh.vn) - Sau khi đoàn liên ngành kiểm tra việc chấp hành Luật Giá, Luật Thuế, Luật Kế toán đối với các doanh nghiệp (DN) vận tải và ban hành các văn bản hướng dẫn, đôn đốc DN điều chỉnh hạ giá cước, đến thời điểm hiện tại, 32/32 DN vận tải trên địa bàn đã chấp hành giảm giá cước từ 3-17%. Theo đánh giá của Sở Tài chính thì mức giảm này khá sát với mức giảm giá xăng dầu trong thời gian vừa qua.

Ông Trần Đình Sỹ - Phó Giám đốc Sở Tài chính (cơ quan thường trực), Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành cho biết: “Sở Tài chính đã ban hành 3 văn bản hướng dẫn, đôn đốc DN kê khai lại giá cước vận tải giảm theo biến động giá nhiên liệu. Trong đợt 1 (13/1 - 29/1), đoàn tiến hành kiểm tra 21 DN vận tải hành khách tuyến đường dài cố định. Điều đáng mừng là việc làm này đã tạo hiệu ứng tích cực. Hiện nay, 32/32 DN vận tải hành khách trên địa bàn (cả tuyến nội địa và đường dài) đều chủ động điều chỉnh giảm 3-17% giá cước.

Doanh nghiệp vận tải hành khách đồng loạt hạ giá cước! ảnh 1

Các doanh nghiệp vận tải hành khách đồng loạt giảm giá cước từ 3-17%.

Đoàn liên ngành cũng đã kiểm tra việc chấp hành Luật Thuế, Luật Kế toán của DN, nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về giá, góp phần bình ổn thị trường. Đây còn là dịp phổ biến pháp luật, giúp DN nhận thức sâu sắc những quy định của pháp luật về đăng ký kê khai, niêm yết và bán theo giá niêm yết. Chúng tôi tiếp tục kiểm tra mức giảm của từng DN. Nếu chưa hợp lý, đoàn sẽ đề nghị điều chỉnh”.

Đối tượng vận tải hành khách nhạy bén nhất trong việc tăng, giảm giá cước khi giá xăng dầu biến động là các hãng taxi. Tại Hà Tĩnh, lần này, các hãng taxi cũng là đối tượng tiên phong thực hiện giảm giá cước sau khi giá xăng dầu giảm sâu. Ngay trong tháng 11/2014, hầu hết các DN vận tải taxi đã đăng ký điều chỉnh giảm giá cước từ 3-10% so với giá cũ. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, mức giảm này chưa hợp lý, bởi xăng dầu chiếm 35-45% giá thành, trong khi tỷ lệ giảm giá xăng dầu tính từ thời điểm cao nhất của năm 2014 đến nay gần 30%.

Sau taxi, các DN vận tải hành khách theo tuyến cố định cũng đã đăng ký điều chỉnh giảm giá cước. Nhìn chung, các tuyến đường dài như Hà Tĩnh - TP Hồ Chí Minh, giảm trung bình 50.000 đồng/vé; Hà Tĩnh - Hà Nội, giảm 10.000 đồng/vé. DN giảm nhiều nhất từ 30.000 - 40.000 đồng/vé (giảm hơn 17%) Theo các DN vận tải hành khách đường dài và một số DN lớn, có nhiều đầu xe, thời gian qua, xăng dầu tăng giá nhiều lần nhưng DN vẫn không tăng giá cước. Thế nhưng, khi thực hiện chủ trương giảm giá cước theo giá xăng dầu, các DN vẫn chấp hành nghiêm túc.

Anh Thanh Dũng (Công ty TNHH Vận tải Dũng Bình - TP Hà Tĩnh) cho biết: “Cả năm nay, khi xăng dầu nhiều lần tăng giá, chúng tôi vẫn giữ nguyên giá cước, lần này, theo chủ trương, chúng tôi vui vẻ chấp hành. Mặc dù, hiện nay, chi phí bến bãi, lương lái xe và một số chi phí khác tăng, nhưng chúng tôi đã đăng ký giảm 10.000 đồng/vé đi Hà Nội”. Trong khi đó, Công ty TNHH Vân Truyền cũng đã hoàn thành thủ tục đăng ký kê khai giá mới từ giữa tháng 1/2015. Ông Nguyễn Huy Truyền - Giám đốc Công ty cho biết: “Công ty hiện có 6 đầu xe cả tuyến nội tỉnh và đường dài. Sau khi rà soát và xây dựng giá thành, giá cước tuyến nội tỉnh giảm 10-20%, còn tuyến đường dài giảm trung bình 10.000 đồng/vé”.

Anh Trần Văn Sỹ - Giám đốc Công ty CP Vận tải ô tô Hà Tĩnh, đơn vị có đến 90 chiếc xe buýt chạy các tuyến trong tỉnh và tuyến Hà Tĩnh - Vinh, cho biết: “Trong vòng 1 năm kể từ lần đăng ký giá gần nhất (tháng 8/2013), giá xăng dầu nhiều lần tăng, giá dầu đạt mức kỷ lục lên đến 25.000 đồng/lít nhưng DN vẫn giữ bình ổn giá. Thực hiện chủ trương điều chỉnh giá cước, chúng tôi giảm trung bình khoảng 10%. Theo đó, giá cước tuyến Hà Tĩnh - Vinh, Hà Tĩnh - Kỳ Anh giảm từ 30.000 đồng xuống còn 28.000 đồng/vé; các tuyến: Hà Tĩnh - Hương Khê, Hà Tĩnh - thị trấn Tây Sơn (Hương Sơn) mới khai trương lần lượt là 25.000 đồng, 35.000 đồng/vé”.

Với cách tính bù giá phục vụ Tết Nguyên đán (mức giá bù lỗ cho chiều ngược lại), nhiều DN đang “rục rịch” xây dựng mức giá mới. Theo nguyên tắc thì Bộ GTVT đã quy định cho tăng mức giá sàn không quá 60% để hợp lý giá một chiều, đồng hành cùng DN. Tuy nhiên, theo Sở Tài chính thì việc đặt giá cước này phải được xây dựng theo đúng lộ trình đăng ký kê khai và được cơ quan quản lý thẩm định, kiểm soát.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast