Tăng trưởng nhanh, đầu tư vững chắc

Mặc dù mới triển khai hơn 1 năm nhưng Quyết định (QĐ) 26 và 09 của UBND tỉnh về hỗ trợ lãi suất (HTLS) cho vay phát triển các mô hình sản xuất đã đạt được những kết quả khá ấn tượng. So với nhiều chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp khác, chính sách HTLS đi vào cuộc sống nhanh hơn với con số giải ngân khá lớn và đối tượng hưởng lợi nhiều hơn.

Nguồn vốn hỗ trợ lãi suất cho phát triển sản xuất:

Môi trường truyền dẫn thuận lợi

Nhiều ý kiến cho rằng, HTLS cho các tổ chức, cá nhân vay vốn tín dụng xây dựng các mô hình SXKD là chính sách thiết thực, vừa giúp người dân tiếp nhận được nguồn lực một cách trọn vẹn, vừa thúc đẩy họ tự chủ tìm phương án sản xuất hiệu quả. Cùng với đó, chính sách có được môi trường truyền dẫn thuận lợi với sự theo dõi, đánh giá thường xuyên và điều chỉnh kịp thời, linh hoạt của UBND tỉnh, sự chủ động tranh thủ nguồn lực của các địa phương và ý thức của người dân về phát triển sản xuất đã được nâng cao trong quá trình thực hiện chương trình NTM.

Nhờ mở rộng đối tượng được vay vốn HTLS đã giúp Ngân hàng Nông nghiệp huyện Can Lộc đẩy nhanh tốc độ cho vay trong năm 2013
Nhờ mở rộng đối tượng được vay vốn HTLS đã giúp Ngân hàng Nông nghiệp huyện Can Lộc đẩy nhanh tốc độ cho vay trong năm 2013

Theo ông Nguyễn Huy Tiến - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh - đơn vị tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chính sách thì QĐ 09 được UBND tỉnh ban hành sửa đổi một số điều của QĐ 26 đã mở rộng hơn cánh cửa tiếp cận nguồn vốn rẻ để người nông dân từ quy mô sản xuất nhỏ có thể vươn lên xây dựng các mô hình lớn.

Gắn với chương trình xây dựng NTM, QĐ 26 và 09 đã bắt nhịp và tiếp sức cho phong trào xây dựng các mô hình SXKD đang được triển khai quyết liệt ở các địa phương. Mặt khác, dòng chảy của nguồn lực ở chính sách HTLS được quy định “mở”: xã nào không thực hiện được sẽ chuyển nguồn cho xã khác, huyện nào không sử dụng hết chuyển cho huyện khác. Đây chính là những yếu tố quan trọng, đẩy nguồn vốn từ chính sách HTLS chảy nhanh vào thực tiễn.

Đến cuối tháng 10/2013, sau hơn 1 năm thực hiện đã có 9.642 khách hàng được HTLS với tổng số tiền trên 21,7 tỷ đồng. Tương đương 21,7 tỷ đồng ngân sách cấp để HTLS cho người vay, trong hơn 1 năm qua, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã đầu tư trên 764 tỷ đồng vốn tín dụng theo QĐ 26 và 09.

Vào cuộc đồng bộ

Ngay từ đầu, chính sách HTLS đã được ngành Ngân hàng chủ động triển khai với quan điểm đây vừa là trách nhiệm đối với sự nghiệp xây dựng NTM, vừa là cơ hội để đẩy nhanh tốc độ đầu tư tín dụng. Bà Nguyễn Thị Diên - Giám đốc Ngân hàng No&PTNT tỉnh cho biết: Hơn 1 năm qua, QĐ 26 và 09 đã gắn với đầu tư tín dụng của Ngân hàng Nông nghiệp. Ngân hàng tỉnh thường xuyên chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện ở từng chi nhánh huyện, thị. Theo đó, toàn hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp đã tập trung triển khai chính sách gắn với nhiệm vụ tăng trưởng tín dụng năm 2013. Với lợi thế về mạng lưới hoạt động ở khu vực nông thôn, doanh số cho vay HTLS phát triển sản xuất của Ngân hàng Nông nghiệp hiện đang chiếm 93% trong tổng doanh số cho vay trên địa bàn.

Các mô hình phát triển sản xuất ở Cẩm Xuyên tiếp cận chính sách HTLS một cách thuận lợi
Các mô hình phát triển sản xuất ở Cẩm Xuyên tiếp cận chính sách HTLS một cách thuận lợi

Cũng theo Ngân hàng Nông nghiệp tỉnh, đầu tư tín dụng theo kênh HTLS, ngân hàng có điểm tựa quan trọng là sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền nhiều địa phương trong quá trình tuyên truyền chủ trương, chính sách, hỗ trợ người vay tiếp cận vốn và đánh giá hiệu quả mô hình được đầu tư. Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà - Nguyễn Quốc Hương cho biết: “Năm 2013, huyện tập trung chỉ đạo quyết liệt các địa phương vận dụng nhiều chính sách và hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn lực một cách thuận lợi để xây dựng các mô hình sản xuất. Đặc biệt, QĐ 26 và 09 đã tạo cơ hội cho hàng ngàn hộ dân được vay nguồn vốn rẻ, tăng hiệu quả SXKD”.

Đến thời điểm cuối tháng 10/2013, với doanh số cho vay theo QĐ 26 đạt trên 89 tỷ đồng, các mô hình SXKD ở Thạch Hà đã được hỗ trợ hơn 4 tỷ đồng lãi suất. Ngoài nguồn kinh phí được phân bổ, Thạch Hà dự kiến sẽ phải xin tỉnh bổ sung thêm khoảng 78 triệu đồng để HTLS cho phát triển sản xuất.

Điểm gặp nhau ở chính quyền các địa phương và các tổ chức tín dụng trong việc thực hiện chính sách HTLS phát triển sản xuất là đều hướng đến các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực của tỉnh. Các sản phẩm có định hướng thị trường là cơ sở để nguồn vốn đầu tư đi đúng hướng, mang lại hiệu quả vững chắc.

Theo thống kê của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, trong tổng doanh số cho vay theo các QĐ 26 và 09 thời gian qua, nguồn vốn đầu tư cho sản xuất sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực chiếm 89%, tương đương với 680 tỷ đồng.

Chính sách điều chỉnh phù hợp với thực tiễn

Ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Ngân hàng No&PTNT huyện Can Lộc cho biết, năm 2012, dù Ngân hàng triển khai tích cực, kết quả cho vay HTLS phát triển SXKD trên địa bàn vẫn hạn chế do những tiêu chí về quy mô của mô hình được vay vốn đặt ra khá cao so với thực tiễn kinh tế nông nghiệp ở Can Lộc. Sau khi QĐ 09 tháo gỡ “điểm nghẽn” này, kết quả cho vay đã được đẩy nhanh. Nếu như năm 2012, doanh số cho vay chỉ đạt vài tỷ đồng thì 10 tháng năm 2013, doanh số cho vay của Ngân hàng Nông nghiệp Can Lộc đạt trên 67,5 tỷ đồng (cao nhất toàn hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp tỉnh - PV).

Nhiều TCTD tham gia cho vay HTLS phát triển sản xuất

Bên cạnh vai trò của đơn vị có nhiều lợi thế là Ngân hàng No&PTNT, QĐ 26 và 09 đang thu hút sự vào cuộc của các TCTD khác. Ngân hàng TMCP Công thương Hà Tĩnh đạt doanh số cho vay trên 12,5 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Hà Tĩnh trên 15,4 tỷ đồng. Đặc biệt, đến nay, có 5 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở đã triển khai gồm: Thiên Lộc (Can Lộc), Bắc Sơn (Thạch Hà), Trung Lễ (Đức Thọ), Thạch Trung (TP Hà Tĩnh) và Cẩm Yên (Cẩm Xuyên) với doanh số cho vay trên 25 tỷ đồng.

Một số địa phương chi trả tiền hỗ trợ lãi còn chậm

Theo số liệu từ Kho bạc Nhà nước tỉnh ở thời điểm cuối tháng 9/2013, toàn tỉnh đã giải ngân kinh phí HTLS được hơn 9 tỷ đồng, trong khi đó, số lãi suất được hỗ trợ theo tính toán của ngân hàng dựa trên doanh số cho vay 9 tháng là hơn 17 tỷ đồng. Trên thực tế, ở một số địa phương, việc chi trả tiền hỗ trợ lãi qua UBND xã không được thực hiện hàng tháng theo đúng quy định của QĐ 26. Đặc biệt, ở một số xã có dư nợ HTLS không nhiều, thường thực hiện các thủ tục chi trả theo từng quý. Người dân mong muốn chính quyền cấp xã thực hiện các thủ tục thanh toán tiền lãi hỗ trợ kịp thời để họ có thêm nguồn lực trong thời điểm cần huy động vốn đầu tư xây dựng mô hình.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast