Thu ngân sách 6 tháng: Vã mồ hôi với đích đến 7.500 tỷ đồng!

(Baohatinh.vn) - Tạm gác những khó khăn để xốc lại tinh thần và trí tuệ cho đích đến 7.500 tỷ đồng, toàn ngành thuế Hà Tĩnh đã “lên dây cót” thực hiện quãng đường chông gai 6 tháng cuối năm. Khó khăn là điều đã được dự báo, nhưng tinh thần quyết tâm hoàn thành đạt mức cao nhất có thể của toàn ngành vẫn chính là “phương thuốc” hữu hiệu nhất trong tình hình hiện nay…

>> Thu ngân sách 6 tháng: Thực thu không “đuổi” kịp dự toán!

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Ông Đinh Nho Hậu - Cục trưởng Cục Thuế Hà Tĩnh cho biết: “Kết quả thu hiện nay đạt thấp, chỉ mới bằng 1/3 kế hoạch nên nhiệm vụ còn lại của 6 tháng cuối năm hết sức nặng nề. Cục Thuế đã chỉ đạo các đơn vị tập trung thực hiện quyết liệt bằng nhiều biện pháp nhằm tăng thu ngân sách ở mức cao nhất theo kế hoạch HĐND tỉnh giao”.

thu ngan sach 6 thang va mo hoi voi dich den 7 500 ty dong

Tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao "sức khỏe" cho cho doanh nghiệp, người nộp thuế để góp phần tăng thu ngân sách.

Theo đó, Cục Thuế chỉ đạo các đơn vị phụ trách tiến hành rà soát lại các nguồn thu, phân tích làm rõ nguyên nhân từng sắc thuế, từng lĩnh vực còn đạt thấp để có biện pháp khắc phục, chỉ đạo và đôn đốc thu nộp kịp thời, có hiệu quả các nguồn thu, nhất là các nguồn thu đạt thấp so với kế hoạch giao như: thu tiền sử dụng đất, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (KTKS); thu tại xã và thu khác ngân sách, phí, lệ phí... Đồng thời, ngành tăng cường công tác giám sát kê khai thuế, đặc biệt là giám sát hồ sơ quyết toán thuế năm 2015 nhằm phát hiện việc kê khai sai, các dấu hiệu trốn lậu thuế để thực hiện kiểm tra đột xuất và theo kế hoạch tại doanh nghiệp (DN); tiếp tục thực hiện ấn định thuế đối với các DN có các hành vi vi phạm như: doanh thu cao nhưng kê khai thuế thấp, kinh doanh có lãi nhưng kê khai lỗ...

Với những khó khăn nhất định trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, Cục Thuế Hà Tĩnh vừa có văn bản gửi Tổng cục Thuế xin ý kiến về việc khấu trừ, hoàn thuế đối với hóa đơn, chứng từ thuế GTGT kê khai chậm của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, đồng thời cũng đề nghị nhận được sự quan tâm của Tổng cục cũng như các đơn vị liên quan trong các nội dung như tăng cường giám sát kê khai thuế của DN; tăng cường phối hợp với các ngân hàng để thu hồi nợ đọng thuế; có sự quản lý chặt chẽ hơn về quản lý thuế thu nhập cá nhân của người nước ngoài...

Với vai trò của mình, chi cục thuế các địa phương tiếp tục “bám” địa bàn để đảm bảo thực hiện quản lý thuế đối với tất cả các hộ thực tế kinh doanh theo đúng quy trình quản lý đã được ban hành. Đặc biệt, tăng cường kiểm tra công tác thu phí, lệ phí của các đơn vị nộp đúng, đủ, kịp thời các khoản phí, lệ phí đã thu vào ngân sách; UBND huyện, thị xã, thành phố kiện toàn và duy trì ban chỉ đạo chống thất thu để xử lý và tăng thu theo từng lĩnh vực, địa bàn khó khăn cũng như theo dõi tình hình hoạt động kinh doanh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người nộp thuế.

Trao đổi thêm về kế hoạch tăng thu trong thời gian tới, Chi cục trưởng Chi cục Thuế Đức Thọ Trần Xuân Liên cho hay: “Hiện đơn vị đang tiếp tục chỉ đạo các đội thuế phối hợp với hội đồng tư vấn thuế các địa phương, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động SXKD nhằm thu triệt để các nguồn thu phát sinh trên địa bàn…”.

“Đặc biệt, việc phân công chuyên trách và gắn trách nhiệm đối với cán bộ để rà soát đối tượng và quản lý thuế thuộc lĩnh vực được giao, nhất là các DN đầu tư nước ngoài, nhà thầu nước ngoài, xây dựng ngoại tỉnh, khai thác khoáng sản, kinh doanh thương mại,... trên địa bàn sẽ tiếp tục được toàn ngành tăng cường. Đây hy vọng sẽ là một trong những giải pháp “xương sống” để chấn chỉnh công tác quản lý các lĩnh vực, địa bàn còn yếu và có biểu hiện thất thu” - Cục trưởng Cục Thuế Đinh Nho Hậu cho biết.

Phối hợp cùng tháo gỡ

Đi cùng với những giải pháp mang tính chuyên môn, nhiệm vụ thu ngân sách còn đòi hỏi sự “chung tay góp sức” của rất nhiều đơn vị liên quan theo vai trò, trách nhiệm cụ thể để cùng hóa giải những nguồn thu “cứng đầu”. Đặc biệt, trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản gần như phá sản, do vậy, để tiếp sức cho DN có điều kiện tài chính thực hiện nghĩa vụ ngân sách, các đơn vị liên quan cần tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ giải ngân, thanh toán nợ xây dựng cơ bản.

thu ngan sach 6 thang va mo hoi voi dich den 7 500 ty dong

Tàu vào "ăn hàng" tại Cảng Vũng Áng

“Riêng đối với nguồn thu từ cấp quyền KTKS, hiện vẫn còn 79 DN chưa được tính lại tiền cấp quyền KTKS (trong đó có 38 DN còn nợ tiền cấp quyền năm 2014, 2015, với số tiền 38.745 triệu đồng). Việc chỉ tạm tính lại số tiền cấp quyền KTKS cho 50 DN khác theo quyết định của UBND tỉnh trong khi vẫn còn khá nhiều DN không tính lại khiến cho việc đôn đốc thu nộp, theo dõi và xử lý nợ đọng gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, Cục Thuế đề nghị UBND tỉnh tính lại số tiền cấp quyền KTKS cho tất cả các DN để cơ quan thuế có số liệu đôn đốc thu nộp” - Cục trưởng Cục Thuế Đinh Nho Hậu cho biết thêm.

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có một số mỏ được cấp phép KTKS nhưng đã nhiều năm không hoạt động hoặc đã ngừng hoạt động, nợ tiền cấp quyền và tiền thuê đất, số nợ các loại thuế là rất lớn nhưng không có khả năng thu như Công ty CP Hợp Phúc (Kỳ Tân - Kỳ Anh) 764 triệu đồng, Công ty TNHH Phương Lan ( Kỳ Lâm, Kỳ Hợp - Kỳ Anh) 972 triệu đồng, Công ty CP Xây dựng và Khai thác mỏ Miền Trung (Kỳ Tân - Kỳ Anh) 6.124 triệu đồng, DN tư nhân Thanh Bình 135 triệu đồng, Công ty CP Sắt Vũ Quang 4.824 triệu đồng. Để góp phần làm giảm số nợ “ảo” đáng kể trên, ngành Thuế Hà Tĩnh đề nghị sự vào cuộc của Sở TN&MT để có giải pháp xử lý, thu hồi số mỏ của các đơn vị này.

Bằng các giải pháp cụ thể, sự vào cuộc đồng bộ, tích cực, phối hợp nhuần nhuyễn giữa các cấp, ngành cùng sự ủng hộ của DN, người nộp thuế, sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động thu ngân sách trên địa bàn. Trong bối cảnh hiện tại, 7.500 tỷ đồng kế hoạch thu ngân sách nội địa trong năm nay không phải là mục tiêu dễ dàng. Cán đích hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự nhập cuộc quyết liệt của ngành chức năng trong việc theo dõi sát tình hình SXKD để phát hiện, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển, đồng thời tạo nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách nhà nước.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast