Vẫn còn hơn 20 nghìn tỷ đồng vốn nhà nước 'nằm ngoài ngành'

Con số chính xác là 20.089.588 triệu đồng thuộc 5 lĩnh vực nhạy cảm, ước tính đến cuối tháng 10/2014. Từ nay đến hết năm 2015, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ phải thoái hết phần vốn còn lại này.

Từ nay đến hết năm 2015, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ phải thoái hết hơn 20 nghìn tỷ đồng vốn ngoài ngành thuộc 5 lĩnh vực nhạy cảm.

Từ nay đến hết năm 2015, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ phải thoái hết hơn 20 nghìn tỷ đồng vốn ngoài ngành thuộc 5 lĩnh vực nhạy cảm.

Mới thoái được gần 11% yêu cầu

Bộ Tài chính cho biết, theo kế hoạch thực hiện năm 2014 – 2015, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tiếp tục thực hiện thoái vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm, gồm chứng khoán, ngân hàng tài chính, bảo hiểm, bất động sản, quỹ đầu tư, ngoài ngành nghề sản xuất kinh doanh chính theo đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt.

Giá trị các khoản đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải thực hiện thoái vốn trong giai đoạn 2014 - 2015 là 22.504.588 triệu đồng.

Trong đó, lĩnh vực chứng khoán là 473.044 triệu đồng, lĩnh vực ngân hàng tài chính là 14.899.287 triệu đồng, lĩnh vực bảo hiểm là 1.543.976 triệu đồng, lĩnh vực bất động sản là 5.069.472 triệu đồng, Quỹ đầu tư là 518.809 triệu đồng.

10 tháng đầu năm 2014, các tập đoàn, tổng công ty đã thực hiện thoái vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm nói trên ước đạt 2.415 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với thực hiện năm 2013 (965.459 triệu đồng), nhưng mới chỉ đạt khoảng 10,7% tổng vốn cần thoái.

Riêng 9 tháng đầu năm 2014, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã thực hiện thoái vốn được 2.300.137 triệu đồng, ước thực hiện trong tháng 10/2014 là 114.863 triệu đồng.

Như vậy, từ nay đến hết năm 2015, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ phải thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành còn lại đối với 5 lĩnh vực nhạy cảm là 20.089.588 triệu đồng.

Khẩn trương thoái vốn ngay trong quý 4/2014

Cũng theo Bộ Tài chính, qua 2 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu, tình trạng các tập đoàn, tổng công ty đầu tư dàn trải, đầu tư vào các ngành, lĩnh vực không phải là ngành kinh doanh chính đã từng bước được khắc phục và chấn chỉnh.

Các tập đoàn, tổng công ty đã quyết liệt trong việc thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đã cổ phần hoá hoạt động trong lĩnh vực nhà nước không cần chi phối.

Tuy nhiên, việc thoái vốn còn chậm so với yêu cầu, mặc dù kết quả 10 tháng đầu năm đã thực hiện nhanh hơn. Nguyên nhân, do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và những khó khăn của kinh tế trong nước, ảnh hưởng đến thị trường tài chính, chứng khoán và kế hoạch bán cổ phần ra công chúng của các doanh nghiệp cổ phần hóa, cũng như thoái vốn đầu tư, đặc biệt là việc thoái vốn của các doanh nghiệp phải thực hiện theo nguyên tắc bảo toàn vốn.

Song song với đó, một số Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chưa chỉ đạo quyết liệt và tích cực tổ chức triển khai phương án sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn. Cộng với, nhận thức của một số bộ phận cán bộ ở các cấp, các ngành và các doanh nghiệp về chủ trương tái cơ cấu doanh nghiệp tuy đã có chuyển biến nhưng chưa hiểu đúng ý nghĩa quan trọng của việc tái cơ cấu doanh nghiệp đối với phát triển kinh tế - xã hội.

Mặt khác, việc thực hiện cổ phần hóa, tái cơ cấu và thoái vốn nhà nước đối với các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt.

Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong quá trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, đã cho phép doanh nghiệp được trích lập dự phòng bổ sung vào thời điểm xây dựng phương án chuyển nhượng vốn thay vì thời điểm cuối năm tài chính như quy định trước đây.

Do đó, Bộ Tài chính yêu cầu, để hoàn thành việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo kế hoạch đề ra đến hết năm 2015 đối với 5 lĩnh vực nêu trên, các tập đoàn, tổng công ty phải có kế hoạch, lộ trình thoái toàn bộ số vốn đầu tư ngoài ngành còn lại, tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện ngay việc thoái vốn trong quý 4/2014.

Trong quá trình triển khai, các đơn vị kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc để các cơ quan có thẩm quyền xem xét và đưa ra biện pháp tháo gỡ./.

Theo Hoàng Lâm/Thời báo Tài chính VN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast