Ký ức của người lính tình nguyện trên đất bạn Lào

(Baohatinh.vn) - 30 năm đã trôi qua kể từ ngày người lính tình nguyện Nguyễn Xuân Hệ rời xa những cao điểm trên vùng núi non hiểm trở thuộc các tỉnh Khăm Muộn, Bôlykhămxay, Xiêng Khoảng, nhưng câu chuyện về một thời cùng đồng đội kề vai sát cánh giải phóng nước bạn Lào vẫn vẹn nguyên trong ký ức.

ky uc cua nguoi linh tinh nguyen tren dat ban lao

Đại tá Nguyễn Xuân Hệ (người bên trái), nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh kể lại những kỷ niệm trên đất bạn Lào.

“Sau 5 năm bám chiến trường đường 9 - đoạn từ Cửa Việt đến Lao Bảo, tôi được điều về Tiểu đoàn 48B thuộc Tỉnh đội Hà Tĩnh sang nước bạn Lào. Cùng với gần 700 đồng đội, những trận đánh vào mùa khô năm 1969 đã mở màn cho cuộc chiến trường kỳ của những người lính tình nguyện chúng tôi trên đất nước hoa Chăm Pa” - Đại tá Nguyễn Xuân Hệ (nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh, hiện là Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam - dioxin Hà Tĩnh) bắt đầu câu chuyện.

Chiến trường Lào trong ký ức của Đại tá Hệ là những tháng ngày gian khổ luồn rừng, lội suối trên những cứ điểm với độ cao hơn 1.000m. Khó khăn không chỉ là địa hình, là ngôn ngữ, là những gian khó của công tác tiếp viện hậu cần mà trong tâm tư những người lính ấy không giấu được nỗi buồn bởi không được trực tiếp đánh giặc trên quê hương. Tuy nhiên, lời dặn dò của Bác: Giúp đỡ bạn cũng chính là giúp đỡ mình, đồng thời hiểu rằng, những trận đánh trên đất bạn Lào sẽ góp phần “chia lửa”, cân bằng thế trận cho chiến trường miền Nam lúc ấy nên những người lính tình nguyện đã không tiếc sức mình.

Kỷ niệm về những tháng ngày gian khổ với khí hậu khắc nghiệt, đói khát và sốt rét rừng, về những đồng đội đã mãi mãi nằm lại trên đất bạn và những trận đánh ác liệt trên từng cứ điểm cứ như những đợt sóng xô bờ trong câu chuyện của người lính tình nguyện. Gian khổ nhất là trận đánh giải phóng Mường Mộc - Xiêng Khoảng) ở đỉnh 2000 vào năm 1970. Ở độ cao 2.000m, địa hình hiểm trở, công tác tiếp viện hết sức khó khăn, thế nên, cả tiểu đoàn đã phải chịu đói khát trong suốt nửa tháng trời, chỉ biết cầm hơi bằng những loại rau rừng, củ nâu, hoa chuối… Vừa đánh địch, vừa lấy lương thực của địch để nuôi quân, cuối cùng, Mường Mộc cũng đã được giải phóng.

Trận Na Khưa (Khăm Muộn) năm 1971 cũng là trận đánh đáng nhớ khi ông cùng với những người lính tình nguyện đánh tan đội quân chủ lực của lực lượng phản động với số lượng hơn 100 tên lính. Thời điểm tấn công được lựa chọn vào tảng sáng, việc xác định mục tiêu hết sức khó khăn nhưng với hỏa lực B40, 41 và sự mưu trí, dũng cảm của quân tình nguyện Việt Nam, chúng ta đã tiêu diệt gọn cả đại đội, bắt sống chỉ huy, giải phóng đường 13 - tuyến giao thông huyết mạch trên đất bạn.

Kinh nghiệm tác chiến của những người lính tình nguyện còn được thể hiện rõ nét ở trận Mường Mày (tỉnh Bôlykhămxay) vào năm 1982. Sau khi nắm tình hình toán phỉ mẹo do tên Thiếu tướng Vàng Cáy - trùm chỉ huy lực lượng vùng Trung và Thượng Lào cầm đầu tạo đường dây hoạt động từ Thái Lan qua Pumathao đến Xiêng Khoảng, Bôlykhămxay, Trung đoàn 176 do ông chỉ huy đã mất 12 ngày băng rừng, vượt suối, vừa cơ động, vừa trinh sát để nắm tình hình. Đến chiều tối ngày thứ 12 mới lần ra dấu vết của phỉ. Đề cao cảnh giác về mức độ nguy hiểm, tinh ranh của đội quân này, ông đã chia lực lượng tình nguyện thành 3 mũi tiến công từ nhiều phía để tạo áp lực về tâm lý và để ngăn chặn đường rút lui của chúng. Sự mưu trí, gan dạ của những người lính Việt Nam sau 13 ngày ròng rã lần theo dấu vết và triển khai tác chiến đã đánh tan lực lượng cuối cùng của phỉ mẹo trên đất Lào.

Năm 1987, Đại tá Nguyễn Xuân Hệ cùng lực lượng bộ đội tình nguyện đầu tiên của Hà Tĩnh đã tạm biệt đất nước Lào với hành trang là những tình cảm lưu luyến của quân và dân nước bạn. Nước mắt, sự hy sinh xương máu của quân tình nguyện Việt Nam trong những tháng ngày trường kỳ gian khổ ấy đã giải phóng 2 tỉnh Khăm Muộn, Bôlykhămxay và vùng Đông Nam Xiêng Khoảng ra khỏi sự đàn áp dã man của bọn phỉ và lực lượng phản động.

Gần 20 năm kinh qua hàng trăm trận đánh với bộ sưu tập 10 huân, huy chương cùng những lần đứng trước ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết lại càng làm ông thêm yêu quý nghĩa tình đồng đội, khắc sâu vào tâm khảm tình quân dân cá nước Việt - Lào.

Hôm nay, dù người còn, người mất nhưng những ký ức về năm tháng chiến đấu gian khổ trên đất nước Lào vẫn vẹn nguyên trong tâm khảm của những người lính. Những hồi ức, kỷ niệm xúc động của những cựu binh càng làm cho chúng tôi hiểu thêm về tình hữu nghị giữa 2 dân tộc Việt - Lào - một tình cảm đặc biệt được xây nên bằng công sức, xương máu của biết bao thế hệ.

Chủ đề 55 năm quan hệ VIỆT - LÀO

Đọc thêm

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh “Hai Mạnh” – Đại tướng Chu Huy Mân là nhớ về những kỷ niệm mãi ấm lòng trong những năm tháng được sống gần ông.
Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Ngày 22/12/1972, Đại đội 1, Tiểu đoàn 48 bộ đội địa phương Hà Tĩnh đã táo bạo tấn công vào sân bay Pha Hom (sân bay dã chiến) thuộc vùng núi phía bắc huyện Mường Mày, tỉnh Bolikhămxay (Lào) và giành thắng lợi vang dội. Là Chính trị viên phó đại đội trực tiếp tham gia chiến đấu, tôi ghi lại chiến công này nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

UAV BXL.01 là loại cánh quạt chiến đấu cảm tử có khối lượng cất cánh tối đa 10kg, mang khối lượng đầu nổ 1,2kg, trần bay 1.000m, tốc độ bay 100-120km/h và hoạt động cự ly 10km do Việt Nam sản xuất.
Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Chương trình “Tiết học biên cương” do Đồn Biên phòng Lạch Kèn phối hợp với trường học ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) góp phần bồi đắp cho các em học sinh tình yêu quê hương, đất nước, ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.