Ký ức đêm hội trăng rằm

(Baohatinh.vn) - Với trẻ em Việt Nam nói chung, Hà Tĩnh nói riêng, tết Trung thu luôn là một thế giới rực rỡ, thần tiên. Ký ức mỗi mùa trăng đã nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta lớn lên cùng năm tháng.

Tết Trung thu từ lâu đã trở thành ngày tết quan trọng đối với người dân Việt Nam và một số nước châu Á. Đây là thời điểm kết thúc mùa vụ, là dịp để cảm tạ trời đất, sum họp gia đình. Cũng chính vì lẽ đó, tết Trung thu còn được gọi với cái tên rất ấm áp, gần gũi là tết đoàn viên.

Trong ký ức của nhiều bạn nhỏ, tết Trung thu luôn lung linh, rực rỡ sắc màu với màn múa lân, rước đèn sôi động. Ảnh tư liệu

Trong ký ức tuổi thơ của tôi, tết Trung thu vẫn luôn đẹp đẽ, lung linh, rực rỡ và tràn đầy ấm áp, yêu thương. Ngày ấy, trước tết Trung thu cả tháng, trong mỗi câu chuyện tụm năm tụm bảy của lũ trẻ con trong xóm đã râm ran những “rước đèn” với “phá cỗ”. Dường như, Trung thu đã trở thành chủ đề chính, mối bận tâm duy nhất của chúng tôi trong những ngày đặc biệt ấy.

Càng gần đến ngày rằm, nỗi mong đợi, khát khao càng thêm mãnh liệt. Đó là những ngày ngóng bà, ngóng mẹ đi chợ về, hồi hộp chờ xem trong chiếc làn có món đồ chơi hay chiếc mặt nạ nhân vật mình yêu thích hay không.

Tuy nhiên, niềm thích thú, mong chờ lớn nhất của lũ trẻ vẫn là chiếc đèn lồng do phụ huynh tự tay làm cho. Tôi cũng cảm nhận được, trong những náo nức, bận rộn gom tre, nứa, mua giấy màu, keo dán làm đồ chơi cho con trẻ có cả những cảm xúc trong miền ký ức của phụ huynh.

Bao giờ cũng vậy, ở nhà tôi, ông ngoại sẽ là người chẻ tre, vót nan, bố thì cẩn thận đo kích thước rồi tỉ mẩn uốn khung đèn, trong khi đó, anh trai tôi đã sẵn sàng những tờ giấy bóng kính xanh đỏ và lọ hồ dán để chuẩn bị cho công đoạn hoàn thiện sản phẩm. Mỗi năm, bố lại lên ý tưởng cho một chiếc đèn khác nhau nên năm nào chúng tôi cũng hồi hộp mong chờ giây phút chiếc đèn thành hình để còn nhanh chân đi khoe với lũ bạn.

Trung thu luôn mang đến cho những đứa trẻ nhiều cảm xúc ngọt ngào. Ảnh tư liệu

Đêm Trung thu, dưới ánh trăng vàng, trên tay mỗi đứa trẻ là một chiếc đèn lồng hình ngôi sao năm cánh, đèn kéo quân hay đơn giản chỉ là những chiếc đèn lồng làm bằng vỏ bưởi, vỏ lon. Đèn có gắn nến, gắn hạt bưởi phơi khô nên khi đốt lên nghe tiếng nổ lép bép vui tai. Những đứa trẻ rồng rắn nối đuôi nhau rước đèn trong tiếng cười nói hân hoan.

“Thùng thình, thùng thình trống rộn ràng ngoài đình. Có con sư tử vui múa quanh vòng quanh. Trung thu liên hoan trăng sáng ngập đường làng. Dưới ánh trăng vàng đàn em cất tiếng hát vang…”, lời bài hát quen thuộc vang lên ở sân hội quán thôn càng như thúc giục từng đoàn rước. Đường làng ngày đó chưa nhiều đèn điện như bây giờ nên mặt trăng dường như cũng sáng hơn, lung linh hơn. Những đứa trẻ vừa thích thú rước đèn, vừa ngắm nhìn vầng trăng trên cao và râm ran bảo nhau “này đây Chú Cuội, kia là chị Hằng, cây đa”… Không khí thật trong lành, ấm áp và lung linh sắc màu cổ tích.

Mâm cỗ Trung thu đơn giản nhưng khiến đám trẻ con chúng tôi phấn khích vô cùng. Chú cún nhỏ được làm bằng múi bưởi xinh xắn nằm chính giữa, xung quanh là những sản vật trong vườn nhà như quả hồng, quả na, quả ổi và một thứ không thể thiếu là những bánh dẻo nhân đậu xanh, bánh nướng nhân thịt mỡ, lá chanh đượm vị truyền thống.

Những cây nến được thắp lên càng làm cho mâm cỗ trở nên thú vị, hấp dẫn. Cứ thế, đám trẻ con háo hức chờ đợi để được phá cỗ, ngắm trăng, xem múa lân, đeo mặt nạ và chơi những trò chơi dân gian.

Niềm vui được rước đèn, phá cỗ càng nhân lên khi bác trưởng thôn dõng dạc đọc tên những bạn nhỏ có thành tích tốt trong năm học vừa qua lên nhận phần thưởng. Món quà ấy chỉ là vài quyển vở, cây bút thôi nhưng đó là cả một niềm tự hào to lớn không chỉ của các bạn mà còn của phụ huynh.

Những cái tết Trung thu êm ấm và ngọt ngào thời thơ ấu đi qua như thế, nuôi dưỡng tâm hồn chúng tôi lớn lên cùng năm tháng. Mỗi mùa Trung thu về, tôi vẫn thường tìm lại những ký ức đẹp đẽ đó. Trong một con ngõ nhỏ ở đường Lý Tự Trọng (TP Hà Tĩnh), có một người đàn ông vẫn giữ thói quen làm đèn trung thu truyền thống mỗi dịp rằm tháng Tám. Đó cũng là địa chỉ quen thuộc mà mùa Trung thu nào tôi cũng ghé qua.

Mỗi dịp tết Trung thu, tôi vẫn thường ghé qua ngôi nhà của ông Trương Viết Dũng (phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh) - người có 34 năm gắn bó với nghề làm đèn trung thu truyền thống.


Có khi tôi đến để mua cho con chiếc đèn ngôi sao năm cánh được cắt dán thủ công, cũng có khi tôi chỉ ngồi suốt buổi để xem ông tỉ mẩn với từng chiếc nan tre, từng tấm giấy màu. Những lúc như thế, tôi như được sống lại ký ức tuổi thơ tươi đẹp của những ngày háo hức trông chờ chiếc đèn trung thu thành hình dưới bàn tay của ông ngoại, của bố năm nào.

Dẫu Trung thu năm nay “đặc biệt” hơn khi các hoạt động vui chơi, lễ hội trên địa bàn toàn tỉnh đều dừng lại hoặc tổ chức ở quy mô phù hợp để hướng về đồng bào vùng lũ miền Bắc, nhưng trong lòng mỗi người dân, mỗi em nhỏ không có sự tiếc nuối mà chỉ còn lại sự sẻ chia, đồng cảm với những mất mát, tổn thất to lớn của đồng bào.

Chứng kiến những mất mát đó, dường như mỗi người trong chúng ta càng thêm trân quý cuộc sống an toàn, bình yên bên gia đình, bên những người thân yêu. Dịp tết Trung thu này, ngoài việc hướng dẫn các con tham gia hoạt động ủng hộ người dân vùng lũ, tôi sẽ cùng con về thăm ông bà để các con hiểu hơn về ý nghĩa của một cái tết đoàn viên, tết của tình yêu thương.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói