Làm đẹp đón tết và cái kết “đắng”

Mong muốn có một diện mạo xinh đẹp để đón tết, không ít người đã trở thành "con mồi" của các bác sĩ tự phong và các cơ sở thẩm mỹ hoạt động trá hình.

Dù có một làn da trắng hồng, không mụn, không nám, không tàn nhang, nhưng chị Hoàng Minh Thanh, 32 tuổi, ở Hà Nội vẫn quyết tâm thay đổi làn da để đón tết.

Chị cho biết, da không xấu nhưng chưa đẹp, vẫn khô và sần nên chị muốn tìm một sản phẩm giúp làn da mịn màng hơn.

Tin vào lời tư vấn về sản phẩm làm đẹp được bán trên mạng xã hội, chị Thanh liền mua về sử dụng với hy vọng có một làn da căng bóng, mịn màng, trắng sáng. Tuy nhiên sau 3 ngày dùng sản phẩm theo hướng dẫn, chị Thanh bị nổi mề đay khắp mặt, cổ và tay.

Quá lo lắng chị liền nhắn tin cho người bán thì được hướng dẫn “không sao, cứ dùng tiếp sẽ hết”, tiếp tục tin vào lời người bán, chị Thanh lại dùng sản phẩm thêm 2 ngày nữa nhưng tình trạng ngày càng tệ hơn.

Làm đẹp đón tết và cái kết đắng

Chị Thanh bị dị ứng mỹ phẩm vì dùng sản phẩm không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội. Ảnh: NVCC.

"Tôi đã phải đi bác sĩ khám, được kết luận là bị dị ứng do mỹ phẩm. Rất may tình trạng không quá tồi tệ, nên sau 1 tuần điều trị bằng thuốc uống và kem bôi da thì da tôi đã trở lại như cũ. Từ nay tôi sợ đến già, không dám mua linh tinh trên mạng xã hội về dùng nữa, may mà vẫn chưa mất Tết", chị Thanh chưa hết bàng hoàng.

Hay như trường hợp chị Lê Hải Ninh, 45 tuổi, ở Hưng Yên, cũng vì tin lời quảng cáo “sau 7 ngày sẽ khỏi hoàn toàn nám” của người bán mà đã phải “ăn quả đắng”.

Chị Ninh kể, sau khi sinh con xong thì chị thấy xuất hiện nám nhiều ở phần gò má, những vết nám ngày càng đậm hơn. Mong muốn điều trị khỏi để đón Tết, chị Ninh tìm trên sàn thương mại điện tử, mua một lọ kem được quảng cáo trị nám cấp tốc và người bán cam kết sau 7 ngày sẽ khỏi hoàn toàn.

Sau 3 ngày sử dụng loại kem này, chị Ninh thấy da sáng, căng bóng. Nhưng sau 2 tuần, càng bôi chị lại càng thấy da căng đỏ, đau rát, tróc vảy. Lúc này chị Ninh liên hệ với người bán thì chỉ nhận được câu trả lời “chỉ là người bán, nhiều người dùng có bị sao đâu”, rồi tắt máy.

Làm đẹp đón tết và cái kết đắng

Làn da của chị Ninh sau khi sử dụng sản phẩm mua trên sàn thương mại điện tử. Ảnh: BSCC.

Không chỉ tự ý mua các sản phẩm làm đẹp trên mạng xã hội về dùng tại nhà, nhiều chị em phụ nữ còn tìm đến những cơ sở thẩm mỹ không uy tín để sử dụng những dịch vụ gây chảy máu như tiêm filler, tiêm botox, tiêm giảm béo... với mong muốn thay đổi diện mạo để đón Tết. Chính vì tìm đến những cơ cở thẩm mỹ không uy tín, nhiều chị em đã phải “nhận quả đắng”.

Như gần đây, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đã tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân nữ tại Đồng Nai gặp biến chứng, mất thị lực mắt trái sau khi tiêm filler vào môi, cằm, mũi.

Bệnh nhân là chị N.H.T. (17 tuổi, Đồng Nai). Khi đang tiêm filler vào vùng mũi tại một cơ sở thẩm mỹ tại Đồng Nai, chị T. bị đau đầu, chóng mặt và nôn. Chị T. được đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cấp cứu trong tình trạng mắt trái có dấu hiệu sụp mi, góc trong mũi có dấu hiệu sưng bầm, thị lực mắt bên trái âm tính...

Bệnh nhân được chẩn đoán bị mất thị lực mắt trái sau tiêm filler. Các bác sĩ đã nhanh chóng chuyển bệnh nhân lên khoa mắt tiếp tục theo dõi và điều trị.

Làm đẹp đón tết và cái kết đắng

Bệnh nhân đang được các bác sĩ Khoa mắt BV Chợ Rẫy thăm khám vì gặp biến chứng mù mắt do tiêm filler - Ảnh: BVCC.

Theo bác sĩ CKII Nguyễn Xuân Thảo - Khoa mắt, BV Chợ Rẫy, hiện nay chất filler rất đa dạng, chất lượng khó kiểm chứng, khi tiêm vào người rất nguy hiểm. Chính vì vậy, khi có nhu cầu làm đẹp người dân nên lựa chọn những cơ sở, bệnh viện uy tín, được các bác sĩ có kinh nghiệm chỉ định để làm.

Bát nháo thẩm mỹ hoạt động "chui"

Nhu cầu làm đẹp tăng cao cũng kéo theo việc các cơ sở thẩm mỹ “mọc” lên như nấm. Tuy nhiên, nhiều cơ sở thẩm mỹ với vỏ bọc là các spa, thẩm mỹ viện thông thường nhưng lại hoạt động “chui” các dịch vụ thẩm mỹ gây chảy máu như tiêm tinh chất giảm béo, tiêm filler hay botox, thậm chí nâng mũi, cắt mí... Không ít khách hàng đã “sập bẫy” bởi những chiêu trò quảng cáo cùng cam kết chắc nịch và khuyến mại “khủng” của những cơ sở này.

Cụ thể, vào tháng 8/2023, Công an quận Thanh Khê (Đà Nẵng) đã kiểm tra, phát hiện Thẩm mỹ Kangzin (Viện Thẩm mỹ 175 Sài Gòn), địa chỉ tại 368 Hùng Vương, quận Thanh Khê, Đà Nẵng hoạt động “chui”, sử dụng nhiều loại hóa chất để làm đẹp không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở thẩm mỹ này đang thực hiện cung cấp dịch vụ phẫu thuật can thiệp làm căng da mặt cho một khách hàng và do nhân viên Trần Thị Th. thực hiện.

Đáng nói, qua làm việc, bà Th. không xuất trình được bất cứ chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh nào và cho biết bà là nhân viên lao công dọn dẹp tại cơ sở. Chủ cơ sở Thẩm mỹ Kangzin cũng không xuất trình được các loại giấy tờ pháp lý đảm bảo đủ điều kiện hoạt động của cơ sở thẩm mỹ, không xuất trình được các giấy tờ pháp lý chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của 206 sản phẩm là vật tư y tế, dung dịch chất làm đầy (filler, botox), sụn mũi, dụng cụ cắt bao quy đầu...

Hay như trường hợp của bệnh nhân T.N (40 tuổi, ngụ Đồng Nai), giữa tháng 1 vừa qua đã đến cơ sở thẩm mỹ ở đường 3/2, Phường 11, Quận 10, TPHCM để thực hiện tiêm meso căng bóng da.

Sau khi bệnh nhân được thực hiện ủ tê lần tại cơ sở này bằng Lidocain 15,6% bắt đầu xuất hiện các triệu chứng chóng mặt, buồn nôn, đau bụng và mất ý thức, sau khi được cấp cứu tại chỗ bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân 115.

Tại BV Nhân dân 115 (TPHCM), bệnh nhân trong tình trạng lơ mơ, huyết áp thấp, không biết gì, phản vệ nặng, nghi ngộ độc chất Lidocain dùng để ủ tê. Bệnh viện đã tiến hành đặt nội khí quản, dùng thuốc vận mạch để ổn định huyết áp và tầm soát các tác nhân khác.

Theo Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), nhu cầu làm đẹp là chính đáng nhưng sự hiểu biết về lĩnh vực này của nhiều người còn hạn chế, nên đã không phân biệt được đâu là cơ sở có chức năng thực hiện các hoạt động thẩm mỹ được cấp phép.

Cùng với kinh phí hạn chế nên nhiều cô gái trẻ chấp nhận rủi ro để đến với các hoạt động thẩm mỹ chui, trá hình.

"Hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở phẫu thuật chui, không có đăng ký hoặc bác sĩ không đúng chuyên môn rất dễ phát sinh những tai biến nguy hiểm. Đẹp chưa thấy đâu, nhưng có thể phải trả giá đắt bởi những tổn thương, thậm chí có thể thiệt mạng.

Chính vì vậy, cần có quy định cụ thể về điều kiện đào tạo, giảng dạy, quy mô, mô hình đào tạo trong hoạt động thẩm mỹ. Đồng thời, cần xem xét, siết chặt hơn nữa công tác quản lý đối với các hoạt động thẩm mỹ, để kịp thời phát hiện, xử lý các cơ sở thẩm mỹ hoạt động trái phép, xử lý nghiêm minh các sai phạm nếu có", Tiến sĩ, luật sư Cường nhấn mạnh.

Theo SK&ĐS

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast