Lan tỏa Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Bằng nhiều hình thức tuyên truyền và hoạt động thiết thực, Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã được lan tỏa rộng rãi, góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân Hà Tĩnh.

Cuộc thi tìm hiểu về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại Hà Tĩnh vừa khép lại sau 3 tuần thi. Với sự tuyên truyền rộng rãi, cuộc thi đã thu hút hơn 68.000 lượt người tham gia. Qua đó, góp phần quan trọng lan tỏa cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong đông đảo người dân.

Lan tỏa Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam ở Hà Tĩnh

Ông Nguyễn Quốc Trị (thứ 2 từ phải qua, hàng đầu) giành giải nhất tuần 3 Cuộc thi tìm hiểu Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Ông Nguyễn Quốc Trị (SN 1955, thị trấn Đức Thọ) chia sẻ: Tham gia cuộc thi, rất nhiều người nắm rõ kiến thức và trả lời đúng cả 10 câu hỏi nhưng tôi may mắn khi dự đoán đúng số người tham gia thi nên đạt giải nhất ở tuần thi thứ 3. Tôi thấy cuộc thi mang ý nghĩa lớn nên khi được phổ biến thông tin, đã đăng ký tài khoản dự thi. Gia đình tôi từ lâu đã có thói quen mua và sử dụng các mặt hàng Việt Nam và hàng hóa của tỉnh, đặc biệt là các sản phẩm OCOP. Theo tôi, việc tiêu dùng hàng hóa trong nước là một trong những hành động khơi dậy niềm tự hào, thể hiện truyền thống yêu nước của mỗi người dân”.

Được biết, trong thời gian diễn ra cuộc thi, nhiều địa phương, đơn vị có số lượng lượt người thi lớn và chất lượng bài thi tốt. Có thể kể đến như: huyện Can Lộc có 19.358 lượt thi, huyện Cẩm Xuyên có 5.110 lượt thi, huyện Thạch Hà 5.000 lượt thi, Sở Giáo dục và Đào tạo 3.089 lượt thi…

Lan tỏa Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam ở Hà Tĩnh

Sử dụng sản phẩm “made in Viet Nam” dần trở thành thói quen của nhiều người dân.

Bà Bùi Thị Kiều Nhi – Trưởng ban Dân vận - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Can Lộc thông tin: “Hiểu được tầm quan trọng, ý nghĩa trong việc lan tỏa cuộc thi tìm hiểu về Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam nên sau khi nhận được kế hoạch của cấp trên, các cơ quan của huyện đã phổ biến các nội dung cuộc thi, hướng dẫn cách thức thi và tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, người dân. Nhờ đó, số lượng người tham gia dự thi đạt tới hơn 19.300 người. Cuộc thi đã góp phần hưởng ứng tích cực về cuộc vận động, giúp người dân hiểu hơn các văn bản, chính sách về cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, về sản phẩm, chất lượng hàng hóa sản xuất trong tỉnh”.

Lan tỏa Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam ở Hà Tĩnh

Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến xuất xứ hàng hóa và ưu tiên hướng đến các sản phẩm sản xuất trong nước, trong tỉnh chất lượng tốt.

Cuộc thi chỉ là một trong những hình thức tuyên truyền, tạo sự lan tỏa về cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh.

Phó Giám đốc Sở Công thương Võ Tá Nghĩa cho biết: “Thời gian qua, các ngành chức năng đã triển khai các hoạt động thực hiện cuộc vận động bằng nhiều hình thức hiệu quả như: tuyên truyền qua các kênh truyền thông; tổ chức đưa các chuyến hàng Việt về vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; tổ chức các lễ hội, hội chợ quảng bá, giới thiệu, kích cầu tiêu dùng hàng hóa của tỉnh; mở rộng hệ thống phân phối hàng Việt, hàng hóa sản xuất trong tỉnh chất lượng tốt, đưa đặc sản của tỉnh vào hệ thống các siêu thị; khuyến khích các doanh nghiệp phân phối bán lẻ thực hiện các chương trình khuyến mãi đối với hàng Việt… Các gameshow Rung chuông vàng “Tuổi trẻ Hà Tĩnh đồng hành cùng hàng Việt Nam”, hội thi “Tuổi trẻ Hà Tĩnh tự hào hàng Việt Nam” đã tạo hiệu ứng mạnh mẽ cuộc vận động”.

Lan tỏa Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam ở Hà Tĩnh

Các lễ hội, hội chợ được tổ chức nhằm kích cầu tiêu dùng hàng hóa trong tỉnh. Trong ảnh: Người dân mua hàng hóa tại Hội chợ Sản phẩm OCOP và đặc sản Hà Tĩnh vào tháng 1/2022.

Nhờ đó, hiện nay nhiều người dân đã thay đổi nhận thức và thói quen về tiêu dùng theo hướng chú ý đến nguồn gốc, ưu tiên lựa chọn hàng hóa sản xuất trong nước. Nhiều nhãn hàng, thương hiệu Việt ngày càng chiếm được niềm tin của khách hàng nhờ chất lượng, mẫu mã được cải thiện, thông tin được công bố rõ ràng. Nhiều loại hàng hóa được gắn tem truy xuất để người tiêu dùng dễ dàng tìm hiểu về sản phẩm.

Bà Nguyễn Thị Huệ (65 tuổi, phường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh) bày tỏ: “Trước kia, tôi không quan tâm quá nhiều đến xuất xứ hàng hóa khi mua sắm nhưng vài năm trở lại đây, khi mua các sản phẩm đồ dùng trong gia đình, tôi thường lựa chọn các nhãn hàng có uy tín của nhà sản xuất trong nước và một số hàng OCOP của tỉnh. Bây giờ vào các siêu thị hay cửa hàng, trên các kệ trưng bày hàng hóa, các mặt hàng thương hiệu Việt Nam... chiếm tỷ lệ khá lớn với mẫu mã, bao bì đẹp, đa dạng, giá cả cũng không quá đắt đỏ nên dễ lựa chọn”.

Lan tỏa Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam ở Hà Tĩnh

Các mặt hàng thương hiệu Việt chiếm tỷ lệ khá lớn tại các siêu thị, cửa hàng trên địa bàn.

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Võ Tá Nghĩa, Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, xây dựng văn hóa tiêu dùng, phát huy lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân; phát huy vai trò của các doanh nghiệp trong nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ, xây dựng và phát triển thương hiệu, thúc đẩy sản xuất trong tỉnh, trong nước, giải quyết việc làm và tăng thu ngân sách địa phương. Thời gian tới, sở và các đơn vị sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động có hiệu quả để tạo hiệu ứng lan tỏa cuộc vận động.

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Giá vàng có thể phá vỡ kỷ lục thiết lập năm nay vào 2025

Giá vàng có thể phá vỡ kỷ lục thiết lập năm nay vào 2025

Mặc dù bức tranh lạm phát vẫn chưa rõ ràng và nhu cầu về đồ trang sức vàng có thể suy yếu ở một số khu vực, nhưng triển vọng chung về giá vàng thế giới trong năm tới là tích cực, theo các nhà phân tích của Tập đoàn Heraeus Precious Metals.
Giá xăng tăng, dầu giảm

Giá xăng tăng, dầu giảm

Giá xăng, dầu tiếp tục biến động trái chiều trong phiên điều hành theo chu kỳ của Liên Bộ Tài chính – Công Thương.