Ngay trước thời điểm sáp nhập, Đảng bộ xã Tiến Lộc cũ (nay sáp nhập vào thị trấn Nghèn) đã ra mắt lịch sử đảng bộ xã để khép lại một thời kỳ lịch sử.
Tính đến thời điểm hiện tại, 18 xã, thị trấn ở Can Lộc đã hoàn thành việc xuất bản lịch sử đảng bộ (trước khi sáp nhập, Can Lộc có 23/23 xã, thị trấn); lịch sử Đảng bộ huyện giai đoạn 1930 - 2000 đã xuất bản năm 2005.
Can Lộc còn xuất bản các ấn phẩm: Địa chí Can Lộc (tái bản), Can Lộc - một vùng địa linh nhân kiệt, tài liệu tuyên truyền truyền thống huyện Thiên Lộc - Can Lộc, kỷ yếu các nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ huyện - HĐND - UBND qua các giai đoạn. Ngoài ra, các ngành, đoàn thể cũng đã xuất bản các ấn phẩm về lịch sử, truyền thống.
Để có được kết quả đó, Đảng bộ huyện đã quan tâm sâu sát và có sự chỉ đạo kịp thời đối với quá trình triển khai thực hiện công tác sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng. Đảng bộ huyện và các đơn vị, địa phương trong toàn huyện cũng mời các chuyên gia, các đơn vị phối hợp, hỗ trợ đảm bảo yêu cầu của một công trình khoa học lịch sử.
Can Lộc là địa phương đầu tiên trong tỉnh hoàn thành xuất bản lịch sử Đảng bộ .
Đối với lịch sử đảng bộ cấp xã, các địa phương đã thành lập ban chỉ đạo, ban biên soạn, chỉnh lý, sưu tầm, trong đó nòng cốt là lãnh đạo xã đương nhiệm, lãnh đạo xã qua các thời kỳ, người có hiểu biết về quá trình hình thành và phát triển của địa phương. Đối với những vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau, các đơn vị đã lấy ý kiến rộng rãi trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, đảm bảo khách quan, trung thực và mang đậm nét truyền thống của từng địa phương, đơn vị.
Đặc biệt, năm 2019 - thời điểm chuẩn bị thực hiện đề án sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, trên tinh thần tổng kết lại một giai đoạn lịch sử của đơn vị trước khi sáp nhập, Đảng bộ huyện Can Lộc đã gấp rút chỉ đạo, hỗ trợ, khuyến khích các địa phương thuộc diện sáp nhập tiến hành biên soạn, bổ sung lịch sử đảng bộ đến năm 2019.
Ông Hoàng Bá Anh - Bí thư Đảng ủy thị trấn Nghèn cho biết: “Theo đề án, xã Tiến Lộc (cũ) sáp nhập vào thị trấn Nghèn, vì vậy, ngay trước khi tiến hành sáp nhập, 2 địa phương đều đã chủ động xuất bản lịch sử đảng bộ nhằm ghi lại dấu ấn lịch sử của giai đoạn cũ và sẵn sàng bước sang thời kỳ lịch sử mới. Vì đã có lịch sử đảng bộ từ trước nên việc bổ sung, chỉnh lý, tái bản và xuất bản lịch sử đảng bộ đến năm 2019 cũng được thực hiện nhanh chóng, đạt hiệu quả cao”.
Ban Tuyên giáo Huyện ủy Can Lộc tập trung tham mưu tái bản lịch sử đảng bộ huyện.
Trên cơ sở các chỉ thị của cấp trên, ngày 7/2/2017, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Chỉ thị số 10-CT/HU “Về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng đến năm 2015”. Từ đó, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp tục tiến hành sưu tầm, nghiên cứu bổ sung và tái bản, hoàn thiện. Kết quả, một số xã đã tái bản đến năm 2015 như Vượng Lộc, Sơn Lộc, Xuân Lộc, Quang Lộc…
Lịch sử đảng bộ không chỉ là nguồn tư liệu quý gìn giữ cho muôn đời, mà còn là cuốn sách ý nghĩa giáo dục truyền thống cho các học sinh khi tìm hiểu về lịch sử quê hương.
Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Can Lộc Nguyễn Thị Thanh Hoài cho hay: “Thời gian qua, các địa phương đã chủ động phối hợp với ngành giáo dục, các trường học tổ chức cho học sinh tìm hiểu lịch sử của quê hương thông qua các cuốn sách lịch sử đảng bộ. Gần đây nhất, nhiều ấn phẩm lịch sử đã cung cấp nguồn tư liệu quý giá phục vụ cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân trong tham gia cuộc thi Tìm hiểu 550 năm truyền thống huyện Thiên Lộc - Can Lộc (1469 - 2019) vừa được huyện tổ chức”.
Không dừng lại ở việc đã xuất bản, tái bản lịch sử đảng bộ cấp xã, tới đây, Ban Tuyên giáo Huyện ủy sẽ tiếp tục tham mưu cho huyện tiến hành tái bản đối với các ấn phẩm lịch sử cấp huyện đã xuất bản từ lâu. Bên cạnh đó, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, tuyên truyền các ấn phẩm lịch sử phục vụ công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong sự nghiệp đổi mới và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.