Một sự ngẫu nhiên thú vị là tôi được Phan Tân Hội tặng bức ảnh quý hiếm này vào dịp ông trở lại thăm Huế lúc cả nước đang có nhiều hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 và kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân 22/12.
Lễ khai giảng Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn ngày 26/5/1946 tại Sơn Tây với sự có mặt của Hồ Chủ tịch, Chủ tịch Quân ủy Hội Võ Nguyên Giáp và Bộ trưởng Quốc phòng Phan Anh
So với những nhân vật đặc biệt trong bức ảnh, Phan Tân Hội là kẻ hậu sinh, tuy ông cũng là cựu binh. Ông mặc áo lính trong hơn hai chục năm (1966-1988), nhưng đặc biệt hơn, ông là con trai luật sư Phan Anh, người cùng giáo sư Tạ Quang Bửu “chủ xướng” lập ra Trường “Thanh niên tiền tuyến Huế 1945”, ngôi trường chỉ tồn tại hơn 1 tháng, nhưng từ đây đã có 8 người trở thành tướng lĩnh của quân đội nhân dân Việt Nam!
Luật sư Phan Anh (con trai cụ Phan Điện, quê Đức Thọ, Hà Tĩnh) là vị Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Chính phủ cụ Hồ, sau bầu cử Quốc hội Khóa I năm 1946. Nhờ có Phan Tân Hội, nhiều bức ảnh có giá trị lịch sử do gia đình luật sư Phan Anh lưu giữ đã được chuyển đến Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, trong đó có bức ảnh 70 tuổi thọ in ở đây, ghi lại “Lễ khai giảng Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn ngày 26/5/1946 tại Sơn Tây, với sự có mặt của Hồ Chủ tịch, Chủ tịch Quân ủy hội Võ Nguyên Giáp và Bộ trưởng Quốc phòng Phan Anh”.
Có thể nói, đây là một bức ảnh lịch sử không chỉ vì đây là nơi đầu tiên đào tạo những sĩ quan của đội quân cách mạng mà cũng là lần đầu tiên, những người lính cụ Hồ rước lá cờ của chính Hồ Chủ tịch trao cho lực lượng vũ trang cách mạng với dòng chữ “Trung với nước, hiếu với dân”. Riêng bức ảnh này, gia đình luật sư Phan Anh đã sao chụp tặng “người anh cả” của quân đội nhân dân Võ Nguyên Giáp trong dịp kỷ niệm 60 năm (1948-2008) ông được Hồ Chủ tịch phong quân hàm đại tướng.
Phan Tân Hội giới thiệu cho tôi các nhân vật chính trong bức ảnh: “Người đứng trước cột cờ cao, tay cầm mũ phớt là Võ Đại tướng; ông Phan Anh thấp hơn, đứng ngay cạnh cột cờ. Cụ Hồ đứng giữa hai người, tay cầm mũ giơ lên che nắng, nên không rõ nét mặt lắm… Còn ba chiến sĩ đi đầu hàng quân, theo ý kiến cụ Hồ, chọn 3 người ở 3 miền Bắc - Trung - Nam; người đi sau chiến sĩ cầm cờ là Đặng Văn Việt, “Con Hùm Xám Đồng số 4” từng làm cho tướng Pháp kinh hồn sau Chiến dịch Biên giới…”.
Quả là một bức ảnh quý! Cũng nên giới thiệu để nhiều người cùng xem.
Huế, ngày 19/12/2016