Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử và Bảo tồn di sản Văn hóa Quốc gia, Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển, Ban Quản lý di tích đền Thánh Mẫu và UBND xã Xuân Lam (Nghi Xuân) vừa phối hợp tổ chức Liên hoan "Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ của người Việt".
Theo đó trong ngày 2/5, nhân dịp Lễ giỗ lần thứ 599 năm Thánh mẫu Phạm Thị Ngọc Trần, tại đền Thánh Mẫu ở xã Xuân Lam đã diễn ra Liên hoan "Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ của người Việt".
Tham dự liên hoan lần này gồm 11 nghệ nhân, thanh đồng, thủ nhang đã có những thành tích đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc ở Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Thời gian cho mỗi lần thực hành giao lưu của mỗi nghệ nhân, đồng thầy, thanh đồng, thủ nhang là 45 phút. Mỗi giá hầu đồng được thực hiện theo đúng chuẩn mực, phép tắc lễ nghi, bảo đảm sự tôn nghiêm, thành kính.
Liên hoan Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt tại đền Thánh Mẫu là dịp để các nghệ nhân, thanh đồng trực tiếp tham gia thực hành, giới thiệu những giá trị cốt lõi của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đến với Nhân dân, du khách thập phương… Đây cũng là dịp để các nghệ nhân hát văn, thanh đồng, các nhóm thực hành tín ngưỡng thờ mẫu được giao lưu, học hỏi trao đổi kinh nghiệm, quảng bá giá trị văn hoá.
Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là một hình thức thờ cúng người Mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi được hình thành trên nền tảng của tín ngưỡng thờ Nữ thần.
Người dân thờ cúng Thánh Mẫu Liễu Hạnh cùng với các vị Thánh Mẫu cai quản miền trời, rừng, nước, những nhân vật lịch sử hoặc huyền thoại có công với nước, với dân. Theo thư tịch và huyền thoại, bà là tiên nữ giáng trần, làm người, rồi qui y Phật giáo, được tôn vinh là “Mẫu nghi thiên hạ”, một trong bốn vị thánh bất tử của người Việt.
Năm 2016, "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.